Bắc Giang: Trạm trộn bê-tông không phép - "phép thử" sự nghiêm minh của pháp luật
Trước đó, ngày 21/11, Tạp chí Nông thôn mới đã đăng tải bài viết: “Bắc Giang: Người dân bức xúc với trạm trộn bê-tông không phép ở Hiệp Hòa”, phản ánh về Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình của Công ty cổ phần Bến Thủy hoạt động không phép suốt 3 năm qua. Sau khi bài viết được đăng, nhiều độc giả đã tỏ ra bất ngờ với vụ việc. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục làm rõ việc này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Doanh nghiệp làm sai, cán bộ mong báo chí “thông cảm”
Để tiếp tục làm rõ những nghi vấn của độc giả quanh câu chuyện Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) không có giấy phép nhưng vẫn vô tư hoạt động suốt 3 năm qua, phóng viên đã đặt lịch phỏng vấn các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan.
Sau nhiều tuần đặt lịch làm việc, chúng tôi cũng đã có được câu trả lời từ chính quyền và các cơ quan chức năng, rằng họ đều đã nắm được việc Công ty cổ phần Bến Thủy cũng như Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình đang hoạt động không phép. Nhưng thay vì vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm thì không ít người làm công tác quản lý lại quay ra mong muốn phóng viên... tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động !?
Đoạn đường lầy lội, biến dạng dưới tác động ngày đêm của những xe trộn bê-tông trọng tải lớn, hoạt động không phép của Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ cho biết: “Tổng diện tích đất Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình đang sử dụng khoảng hơn 9.000 m2, diện tích này do Công ty Bến Thủy thuê lại đất của dân để sử dụng”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi loại đất của Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình thuê của dân là đất gì, ông Hùng cho biết đây là đất ruộng. Tuy nhiên, Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình đang đàm phán mua lại của dân để tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng. Cũng theo ông Hùng, hiện nay Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình đã mua lại được 3.700 m2 để tiến hành chuyển đổi”. Như vậy, câu trả lời cho vấn đề nhiều độc giả băn khoăn là loại đất mà Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình dựng trạm trộn suốt nhiều năm nay, đó là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp để sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Bê-tông thương phẩm được cấu thành từ xi măng, cát, sỏi, nước và các phụ gia khác, nếu không quản lý đúng quy định, khi thải ra môi trường có thể gây nguy hại cho môi trường sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống con người. Những hệ lụy từ trạm trộn bê tông này gây ra cho môi trường đang là thực tế: Ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn, nước thải cuốn theo xi măng, các phế phụ phẩm bê tông gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước, sản xuất, sức khoẻ của người dân xã Đông Lỗ, cũng là vấn đề mà các cơ quan bảo vệ môi trường rất quan tâm. Cùng với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ, Bộ tài nguyên môi trường đã có nhiều quy định pháp luật để bắt buộc các đơn vị sản xuất bê-tông thương phẩm phải có biện pháp bảo vệ để hạn chế đưa chất thải rắn, chất thải lỏng và những hóa chất độc hại trong phụ gia bê-tông ra môi trường.
Trạm trộn Bê-tông Nghĩa Bình hiện không có hệ thống xả và xử lý chất thải.
Đề cập tới vấn đề này, ông Hùng cho biết: “Nếu cho rằng Bê-tông Nghĩa Bình xả thải thẳng ra ruộng của người khác thì không hẳn như thế, không có doanh nghiệp nào làm như vậy. Bê-tông Nghĩa Bình họ xả thải ra phần đất họ đã thuê (?)”. Phóng viên tiếp tục hỏi thêm về vấn đề hệ thống xử lý chất thải rắn và và chất thải lỏng của Bê-tông Nghĩa Bình hiện không có mà xả trực tiếp ra bên ngoài, phóng viên được ông Hùng chia sẻ: “Nếu mà đòi hỏi như thế thì cũng khó, mình cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho địa phương”.
Được biết, vừa qua Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình đã bị UBND huyện Hiệp Hòa tạm dừng hoạt động. Về vấn đề này, ông Hùng cũng thừa nhận đã nắm được tinh thần văn bản: “Tuy nhiên như vậy thì khó cho địa phương” - ông Hùng nói.
Mặc dù UBND huyện Hiệp Hoà đã có Công văn yêu cầu doanh nghiệp này tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh liên quan đến dự án Xây dựng nhà máy sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẵn, nhưng trên thực tế, cho đến nay Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình chưa hề dừng hoạt động. Khi phóng viên cho ông Hùng xem các video Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình vẫn hoạt động rầm rộ, xe trộn bê-tông vẫn ra vào tấp nập, thì ông Hùng lý giải: “Tôi được biết phía Công ty đã làm việc với các cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho Công ty vừa tiến hành các thủ tục, vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh bình thường. xã, huyện, tỉnh đều đang tìm cách tháo gỡ cho Công ty cổ phần Bến Thủy”.
Ông Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ còn nhắc nhở phóng viên về cách dùng từ, theo ông, tạm dừng hoạt động không phải là cấm hoạt động. Còn về Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình đang hoạt động bình thường; đó là do xã, huyện, tỉnh đều đang tìm cách "tháo gỡ" cho Công ty cổ phần Bến Thủy (!).
Cần chế tài nghiêm đối với hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng (UBND huyện Hiệp Hoà), tỏ ra bất ngờ khi phóng viên thông tin về Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình vẫn đang hoạt động bình thường. Theo ông Huệ, trước đó ngày 07/11/2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa – ông Nguyễn Văn Khanh đã ký công văn số 3371/UBND-KT&HT yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động liên quan đến dự án: Nhà máy sản xuất bê-tông tươi và cấu kiện bê-tông đúc sẵn do Công ty cổ phần Bến Thủy làm Chủ đầu tư.
Ông Huệ khẳng định, hiện nay thủ tục của Công ty cổ phần Bến Thủy đều chưa hoàn thành từ đất đai, môi trường, xây dựng… “Còn nếu Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình vi phạm thì phải chịu trách trách nhiệm trước pháp luật về những việc làm của mình”.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hiệp Hòa thì vấn đề các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp (xây dựng không phép - PV) là vi phạm của Công ty Trường Thịnh hay là của Công ty cổ phần Bến Thủy. “Phòng Kinh tế hạ tầng cũng đang muốn tìm hiểu và sẽ làm rõ vấn đề này” - ông Huệ nói thêm.
Như vậy, Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình thuộc dự án Nhà máy sản xuất bê-tông tươi và cấu kiện bê-tông đúc sẵn do Công ty cổ phần Bến Thủy làm Chủ đầu tư đến thời điểm hiện tại không hề có giấy phép hoạt động. Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, không có phương án để bảo vệ môi trường, xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa. Các xe trộn bê-tông thương phẩm với trọng lượng lớn đang gia tăng áp lực, phá hỏng nhiều đoạn đường nông thôn mới thuộc huyện Hiệp Hòa và các huyện lân cận.
Dù rằng, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện kinh tế khó khăn là việc nên làm của các cấp chính quyền, nhưng việc vận dụng đến đâu cũng không được phép vượt ra khỏi quy định của pháp luật. Những vi phạm pháp luật của Công ty cổ phần Bến Thủy tại Trạm bê-tông Nghĩa Bình trong thời gian dài chưa được xử lý triệt để đang gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, gây hoài nghi trong dư luận về việc có hay không hoạt động "bảo kê", "lợi ích nhóm", ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định trật tự và an toàn xã hội của huyện Hiệp Hòa nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung.
Qua sự việc này, nông dân đang chờ đợi giải pháp xử lý thoả đáng của UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng về hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật của Công ty cổ phần Bến Thủy.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới