Báo chí - Bạn đồng hành tin cậy trên con đường tìm sự thật
Giám sát và phản biện xã hội của báo chí là một trong những chức năng cơ bản, quan trọng. Chức năng này được báo chí cách mạng Việt Nam phát huy hiệu quả trong suốt chặng đường gần một thế kỷ qua và đặc biệt trong những năm gần đây.
Báo chí có vai trò hết sức quan trọng
Ông Võ Duy Tâm (Tổ dân phố Cà Đáo, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, nhờ có sự phản ánh kịp thời của báo chí đã bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hộ gia đình ông và những người nông dân. Ông Tâm có một thửa ruộng để cấy lúa, đến năm 2005, do tuổi cao sức yếu, ông Võ Hồng Long - bố ông Tâm - cho ông Bé mượn. Sau này bố ông Tâm mất, ông Bé làm được mấy vụ rồi không trả ruộng, sau này nơi đây như bị bỏ hoang. Đến năm 2009, nhà nước mở rộng Tỉnh lộ 24B, lợi dụng điều này, bà Huỳnh Thị Thuý (người dân địa phương) đã chiếm phần đất cấy lúa chung của các hộ dân có ruộng liền kề và cộng thêm phần đất gieo mạ của gia đình bà để xây nhà ở kiến cố, công trình xây dựng này còn lấp dòng chảy của con kênh ven Tỉnh lộ 24B, vì vậy đã khiến dòng chảy của con kênh vốn đã nhỏ hẹp, ảnh hưởng tới nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp của các hộ dân nơi đây.
Theo ông Tâm, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này lên chính quyền địa phương nhưng chỉ nhận lại câu trả lời là đã tiếp nhận và sẽ cho kiểm tra, xác minh mà chưa có hành động xử lý cụ thể. Sự việc cứ kéo dài mãi, sau khi Tạp chí Nông thôn mới viết bài phản ánh, cơ quan chức năng huyện Sơn Hà đã có động thái tiếp nhận, xử lý vụ việc. Cụ thể là Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện và UBND thị trấn Di Lăng khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác định hành vi vi phạm của các hộ dân. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, tiến hành xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời trình cấp thẩm quyền xử lý theo quy định.
Qua sự việc của gia đình mình, ông Tâm cho rằng, hiện nay báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc giám sát và phản biện xã hội. “Báo chí đã kịp thời bày tỏ nguyện vọng của người dân, phản ánh những vấn đề bất cập tại địa phương của tôi. Trước khi chưa có sự vào cuộc của báo chí thì chính quyền cứ hứa hẹn mãi, bên này đẩy bên kia, không giải quyết cho chúng tôi”, ông Tâm chia sẻ.
Đó là một trong rất nhiều những trường hợp người nông dân đã đòi được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình sau khi có sự đồng hành của báo chí. Qua đó, có thể thấy hiện nay chức năng giám sát và phản biện xã hội được báo chí hết sức chú ý. Qua những phản ánh của báo chí, các cấp lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ dàng nắm bắt được sự việc, vấn đề liên quan một cách kịp thời nhanh chóng. Bởi một tác phẩm báo chí khi đăng, phát phải trải qua những quy trình xử lý chặt chẽ, có chứng cứ cụ thể. Thêm nữa, với lợi thế của công nghệ, thông tin nhanh chóng được chuyển tải với tốc độ cao và sự lan toả mạnh mẽ. Từ đó, các cấp lãnh đạo đã kịp thời nắm bắt tình hình, đề ra các giải pháp, xử lý các vi phạm nhất là những vi phạm kéo dài gây bức xúc trong dư luận.
Luật sư và nhà báo cùng đồng hành vì công lý
Theo Luật sư Phạm Văn Lượng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, với vai trò và sứ mệnh của mình, báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội trên cơ sở các nguyên tắc: Tính chân thật, khách quan, tính công khai, tính đại chúng và tính chiến đấu. Thông qua 4 nguyên tắc hoạt động của mình, Nhà báo và Luật sư trở thành những người bạn đặc biệt, phản biện nhau, đồng hành cùng nhau để hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong xã hội.
Tại Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011 của Hội đồng Luật sư có nội dung: Luật sư cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các tiêu cực xã hội. Thực tế chứng minh một bộ phận cán bộ, lãnh đạo, doanh nghiệp rất ngại tiếp xúc với báo chí, nhất là khi ở cơ quan, đơn vị mình có những vấn đề khuất tất, sai phạm hoặc có những biểu hiện khác chưa tích cực. Trong trạng thái đó, nhiều người tìm cách thoái thác, né tránh hoặc che đậy, bưng bít, kể cả “tranh thủ” bằng nhiều cách. Có những vụ việc, dưới sự giám sát, thông tin từ báo chí, dư luận xã hội đã biết đến, đưa ra những ý kiến, quan điểm mạnh mẽ buộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nghiêm túc, nghiêm chỉnh thực hiện giải quyết việc khiếu kiện, khiếu nại một cách khách quan nhất, đúng thời hạn, đảm bảo trình tự quy định pháp luật, sự thật khách quan của vụ việc, quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo, khiếu nại. Bên cạnh đó, báo chí đã và luôn là công cụ định hướng tư tưởng, hướng dẫn và giám sát dư luận, tuyên truyền và giải thích để dân biết, dân làm, dân kiểm tra, thực hành quyền khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật.
Luật sư Lượng cũng cho rằng, báo chí cũng là kênh thông tin để chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, báo chí là phương tiện để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm giải trình hoạt động tư pháp; là phương tiện để người dân thảo luận, bày tỏ chính kiến của mình; là công cụ bảo đảm thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Ở các góc độ mặt trái xã hội, tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhiều đã được báo chí “phanh phui”. Một thực tế bây giờ ở các địa phương khi có sự phản ánh của các cơ quan báo chí thì hầu hết đều được các tỉnh khẩn trương chỉ đạo làm rõ các vấn đề báo chí đã nêu.
“Có thể nói, có được sự đồng hành của báo chí trên con đường tìm kiếm công lý mà một “cái duyên” đối với Luật sư. Nhờ có sức mạnh của báo chí, Luật sư có thể hết mình thực hiện các chức năng, khả năng của mình để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Thông qua báo chí, những ý kiến, quan điểm của Luật sư được đến gần với công chúng. Đây cũng là cách để người dân khi có vướng mắc về pháp lý có thể dễ dàng tìm đến các Luật sư. Sự hợp tác giữa Luật sư và báo chí cùng với các cơ quan và cá nhân khác là cần thiết để xây dựng và thực thi pháp luật một cách hiệu quả và công bằng”, Luật sư Lượng chia sẻ.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới