Bí thư Thành ủy Hà Nội: Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân vùng mưa lũ
Chiều 30/7, bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp khẩn với Thường trực Thành ủy, cùng một số sở, ngành và một số huyện bàn giải pháp phòng, chống lũ lụt cấp bách tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.
Theo Ban Cán sự Ủy ban Nhân dân thành phố, hơn chục ngày qua, lũ lớn từ đầu nguồn tràn về khiến hệ thống sông Bùi, sông Tích dâng cao, làm ngập sâu nhiều thôn, xã trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.
Nhiều thôn bị chia cắt hoàn toàn, khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn. Mức lũ năm nay đã cao hơn mức lũ lịch sử của hàng chục năm về trước.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Bùi Thị Minh Hoài đánh giá mức lũ tại các khu vực này là rất lớn, nhấn chìm nhiều nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm; đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của người dân.
Mặc dù báo cáo của hầu hết các địa phương là đã chủ động được các phương án, kịch bản nhưng các đơn vị cần có sự phối hợp liên tục, ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Đề cập đến phong trào mới nhất của Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội là cung cấp các bếp gas, bình gas nhỏ, đồ ăn thịt hộp để người dân chủ động có nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, bà Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu Mặt trận Tổ quốc các cấp chung tay kêu gọi ủng hộ, đưa ra những mô hình, phương án giúp đỡ bà con theo hướng phù hợp thực tiễn.
Bà Bùi Thị Minh Hoài lưu ý hiện tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, khó dự báo, không loại trừ các tình huống xấu khi nước dâng cao trong những ngày tới. Vì vậy, các địa phương không được chủ quan, lơ là; khi gặp khó khăn, vướng mắc phải báo cáo khẩn với thành phố để có chỉ đạo chi viện và có phương án kịp thời.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu thành lập ngay "Ban Chỉ đạo xử lý, khắc phục lũ lụt tại 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất." Ban Chỉ đạo này sẽ do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm Trưởng ban, cùng với các thành viên là Thủ trưởng một số sở, ban, ngành liên quan.
Tiểu ban chỉ đạo cũng cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền để người dân nắm tình hình một cách đầy đủ, chuẩn xác nhất, từ đó tránh các thông tin phiến diện, thiếu chính xác gây hoang mang trong dư luận và nhân dân. Hằng ngày, Ban Chỉ đạo sẽ có báo cáo tình hình lũ lụt cho Thường trực Thành ủy cũng như cung cấp kịp thời cho các phương tiện thông tin đại chúng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh việc phòng chống lũ lụt, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu lúc này; yêu cầu các cấp chính quyền 3 huyện tập trung cao độ, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Báo cáo với Thường trực Thành ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết mưa lớn trên diện rộng, xuất hiện lũ trên sông Bùi, sông Tích; trong khi đó, các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất có đặc điểm địa hình phức tạp, đặc biệt là vùng hữu Bùi có cao độ thấp, thuộc vùng ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ dãy núi Ba Vì, Lương Sơn đổ về nhanh, mực nước lên nhanh.
Sau khi phân lũ chậm lũ được bãi bỏ, hệ thống đê điều thủy lợi, giao thông, hạ tầng kỹ thuật xã hội chưa được đầu tư đồng bộ nên thường xuyên xảy ra tình trạng tràn đê, gây ngập úng. Những năm gần đây, liên tục xuất hiện lũ lớn trên sông Bùi, sông Tích và vượt lũ lịch sử của các năm 2008, 2017, 2018, 2022.
Tại huyện Chương Mỹ, vùng bị ảnh hưởng lũ rừng ngang bao gồm 11 xã và 1 thôn với tổng nhân khẩu là 141 ngàn người. Tại huyện Quốc Oai, vùng bị ảnh hưởng lũ rừng ngang bao gồm 2 thôn thuộc xã Đông Yên và một phần ở các thôn Long Phú, Bạch Thạch xã Hòa Thạch với tổng nhân khẩu là 1.900 người.
Còn tại Thạch Thất, vùng hữu sông Tích gồm 5 xã với 13km bờ bao sông Tích chưa được phân cấp đê; có 8 xã bị ảnh hưởng của lũ rừng ngang và 10 xã ven sông Tích bị ảnh hưởng của ngập lụt…/.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
- Một trang trại lợn ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng
- "Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025