Cà Mau: Thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị
Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng khóm, ấp
Ông Đen cho biết: Chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia và trở thành công dân số. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan, báo đài, hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ để từng sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân để cùng chung tay hành động, đưa chủ trương chuyển đổi số vào cuộc sống.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng khóm, ấp, đây là lực lượng giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho người dân thông qua hỗ trợ, hướng dẫn, dẫn dắt người dân tiếp cận các nền tảng số, công nghệ số, hình thành kỹ năng số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 với nhiều hoạt động chuyên sâu thiết thực, hiệu quả, góp phần lan tỏa, tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số mang lại.
Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 01/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là chủ trương, chính sách của tỉnh nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Đề án đề ra 24 mục tiêu, 11 giải pháp, 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là sát thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn đặt ra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng cho 14/101 xã, phường, thị trấn; thành lập tổng cộng 93 Tổ công nghệ số cộng đồng khóm/ấp, với 491 thành viên tham gia. Tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn và hướng dẫn trực tuyến, trực tiếp các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số, chuyển giao, hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số và các ứng dụng trên app chính quyền điện tử (CaMau-G).
Công an tỉnh đã thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử gần 133.000 tài khoản trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNEID. Lĩnh vực y tế: đã triển khai tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho gần 1,2 triệu người, chiếm 91% dân số tỉnh; thí điểm triển khai hệ thống đặt lịch, tư vấn, khám chữa bệnh từ xã cho 14 đơn vị bệnh viện và Trung tâm y tế. Lĩnh vực giáo dục: 100% trường học sử dụng phần mềm vnEdu của VNPT và Smas của Viettel để quản trị trường học; đã thẩm định và đưa lên kho học liệu 2.782 giáo án điện tử; tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, THCS, THPT về kỹ năng quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trên hệ thống dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, UBND các huyện, TP. Cà Mau phối hợp với các doanh nghiệp Viễn thông trong tỉnh tổ chức khai trương chợ không dùng tiền mặt (Chợ 4.0) tại 100% thị trấn của các huyện và các phường trung tâm của TP. Cà Mau.
Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh là nhiệm vụ mà các cấp, các ngành phải thực hiện
Với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp, bước đầu giúp tỉnh Cà Mau sớm hoàn thành, đạt mục tiêu đề ra về chuyển đổi số theo kế hoạch.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh là nhiệm vụ mà các cấp, các ngành phải thực hiện. Với cấp tỉnh, xây dựng xã nông thôn mới hiện nay chính là chuyển đổi số cho nông thôn. Mục tiêu là tạo điều kiện để mọi hộ gia đình nông thôn tiếp cận Internet tốc độ cao, phổ cập sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận dịch vụ bưu chính, giao tiếp với chính quyền trên các kênh trực tuyến để thực hiện dịch vụ công nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị.
Để giúp nông dân canh tác hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã từng bước chuyển đổi số với việc xây dựng cơ sở dữ liệu và thu thập dữ liệu về đất đai, cây trồng, vật nuôi; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát môi trường đất, nước phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chia sẻ thông tin qua nền tảng số.
Triển khai hệ thống quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, tôm sinh thái; thí điểm triển khai việc dán nhãn để truy xuất nguồn gốc nông sản; đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, mua bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản tỉnh Cà Mau…
Thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số hỗ trợ người dân nâng cao sản xuất, chất lượng nông sản, phát triển kinh tế hộ gia đình. Để nông sản tiếp cận, mở rộng thị trường; ngành Nông nghiệp giúp người dân kiến thức, kỹ thuật sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng; các cấp chính quyền hỗ trợ người dân liên kết, tổ chức sản xuất để hình thành vùng nuôi trồng, sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, sản lượng, có nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, chuyển đổi số là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ, sẽ không tránh khỏi khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tỉnh Cà Mau cũng không ngoại lệ, thời gian vừa qua hoạt động chuyển đổi số của tỉnh đã gặp một số khó khăn nhất định.
Các ngành, các cấp chính quyền có lúc, có nơi còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, địa phương phụ trách. Sự quan tâm, chỉ đạo của người đầu ở một số đơn vị, địa phương đôi lúc chưa quyết liệt, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ về công tác chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình.
Để thực hiện chuyển đổi số thành công, hiệu quả đòi hỏi phải có nguồn lực đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên hiện nay, nhiều cơ quan, địa phương chưa đảm bảo được nguồn lực này. Người dân có thiết bị thông minh đạt tỷ lệ chưa cao, một bộ phận theo thói quen, còn tự ti, e ngại tiếp cận công nghệ mới, đều đó dẫn đến việc sử dụng các dịch vụ công trên môi trường mạng của người dân còn thấp.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới