Cho 3 cây “ở chung một nhà” mỗi năm thu gần 2 tỷ
Thu gần 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng “lung tung”
Phóng viên được ông Dư Văn Thái (SN 1947, ở ấp An Lạc, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) dẫn ra khu vườn “trồng lung tung” rộng 2ha trồng 3 cây kết hợp, gồm cây khóm, cây cau và cây dừa. Ông Thái cho hay, ông trồng khóm Queen (còn có tên là khóm Hoàng Hậu).
“Do nơi này thuộc khu vực Tắc Cậu (một địa danh người dân địa phương quen gọi nằm trên đất cù lao nằm biệt lập hai dòng sông Cái Lớn và Cái Bé - PV) nên loại khóm này còn có tên gọi là khóm Tắc Cậu. Đây cũng là thương hiệu khóm nổi tiếng nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long’ - ông Thái nói.
Theo ông Thái, do thổ nhưỡng (vùng nước lợ, đất bồi ven biển có nhiễm phèn nhẹ) nên cây khóm của ông trồng có vị ngọt thanh, giòn, bên trong trái có màu vàng đậm. Đặc biệt, do ông trồng dưới hàng cây cau và cây dừa nên trái khóm có hình dáng bên ngoài đẹp, cụ thể là không bị cháy nắng (cây cau và cây dừa che bớt ánh sáng gắt từ trên xuống), nhìn rất cân đối và không bị nhọn đầu.
Để làm mô hình này, ông Thái trồng cây khóm với khoảng cách cây cách cây 50cm, khoảng cách giữa những cây cau là 4m, khoảng cách những cây dừa là 10m. Với khoảng cách trồng này, theo ông Thái, cây khóm vẫn lấy đủ ánh nắng chiếu vào, tán cây cau rất ít nên trồng dày hơn, tán cây dừa nhiều nên trồng thưa hơn.
Lão nông 75 tuổi cho hay, với mô hình trồng 3 loại cây trên cùng 1 vườn này sẽ đảm bảo có lợi nhuận hàng năm dù ít hay nhiều. Cả 3 loại này đều được thương lái đến vườn cắt, vận chuyển đi, ông Thái chỉ cần phụ coi cân và thu tiền.
“Nếu giá khóm giảm mạnh do một lý do nào đó thì còn cau và dừa gỡ lại, hoặc giá cau giảm thì còn có dừa và khóm. Năm nay, giá dừa khô giảm mạnh, chỉ còn 20.000 đồng/chục (12 trái), rất may, tôi còn khóm và cau bán với giá rất tốt” - ông Thái nói.
Ngoài 2ha nói trên, ông Thái còn 1,8ha đất ở ấp Bình Lạc, xã Minh Hòa cùng huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang trồng cây cau kết hợp với cây dừa. Khi phóng viên hỏi, tại sau không tận dụng diện tích mặt đất phía dưới để trồng cây khóm, ông Thái cho hay, nơi này đất sét không thích hợp trồng cây khóm, nếu cố trồng cũng không cho trái ngon.
Trước đây khu vực này có 1ha đất trồng rau màu không hiệu quả và 0,8ha đất trồng cây tạp nên ông Thái chuyển hẳn sang trồng cây cau kết hợp với cây dừa (chỉ bán trái dừa tươi).
Theo ông Thái tính toán, mỗi năm, ông thu hoạch 2 vụ khóm với sản lượng khoảng 40 tấn/2ha, với giá bán khoảng 10.000 đồng/trái, ông thu về khoảng 400 triệu đồng/năm.
Với cây cau, ông thu sản lượng gần 100 tấn/năm, với giá như hiện nay khoảng 17.000 đồng/kg, ông thu về 1,5 tỷ đồng. Riêng những năm có giá cao hơn (từ trên 25.000 đồng/kg), ông Thái thu nhập 2 tỷ đồng/năm. Lượng cau này được thương lái mua, vận chuyển sang Trung Quốc với giá tốt khoảng 2 năm trở lại đây.
Riêng về cây dừa, ông Thái thu khoảng 6.000 trái dừa khô/năm (khoảng 20.000 đồng/chục) và 4.000 trái dừa dứa tươi (giá dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/chục), ông thu từ 23-26 triệu đồng/năm.
Chuyển sang bón phân hữu cơ, đổi mới kỹ thuật trồng
Theo ông Thái, trồng cây khóm, cây cau và cây dừa chung vườn không tốn nhiều nước và nhẹ công chăm sóc. Hiện ông đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, sắp tới, ông còn áp dụng cách phun thuốc qua hệ thống này.
Do trồng cây khóm, cây cau và cây dừa chung vườn cần nhiều dinh dưỡng cung cấp cho cây, tốn nhiều phân bón nên từ năm 2020, ông Thái giảm bớt 50% phân hóa học, thêm vào đó là mua phân hữu cơ vi sinh bón thêm vào vườn.
Thấy cây khóm, cây cau và cây dừa phát triển xanh tốt từ phân hữu cơ và để giảm bớt chi phí, từ năm 2021, ông Thái tận dụng phế phẩm từ cây dừa và cây cau nghiền nát bằng máy rồi trộn với men vi sinh ủ hoai mục bón lại cho vườn.
Với cách làm này, chi phí phân bón giảm rất nhiều, cây xanh tốt và sống lâu. Đặc biệt là trái khóm, trái cau và trái dừa đều đẹp và chỉ cần bón 1 lần trong năm vào mùa mưa. Trong thời gian tới, ông Thái cho biết, sẽ tìm cách mua các loại cá dạt từ tàu đánh bắt để ủ ra phân bón cho vườn cây vì loại phân này có lượng dinh dưỡng rất lớn.
“Ngoài giảm chi phí, cây phát triển tốt, sống lâu còn có nguyên nhân nữa khiến dần chuyển hẳn sang bón phân hữu cơ cho vườn cây khóm, cây cau và cây dừa là vì muốn người dân địa phương thấy hiệu quả mà làm theo, từ đó nhân rộng ra. Cách làm này còn giúp cho người dân địa phương bảo vệ môi trường”, ông Thái cho hay.
Được biết, trước đây, ông Dư Văn Thái đã đi tiên phong trong việc đem cây cau con vào trong bầu. Với cách làm này, sau khi ươm hạt trong bầu khoảng 6 tháng, khi đem xuống đất trồng sẽ có tỉ lệ sống 100% thay vì người dân ươm trực tiếp trên mặt đất rồi bứng đi ra vườn trồng, sẽ tỉ lệ hao hụt ít nhất 10%.
Hiện nay, đa số người dân xã Bình An và xã Minh Hòa đều trồng theo cách ươm hạt cau trong bầu như ông Thái. Riêng ông có bán (15.000 đồng/cây) nếu người dân địa phương có nhu cầu.
Ngoài ra, lão nông 75 tuổi này còn đi tiên phong trong việc áp dụng cách ươm cây khóm giống từ cây con được tách ra từ phía dưới trái thay vì tách ra từ bẹ những cây khóm lớn.
Ông Thái phân tích: “Cách của tôi làm là lấy cây khóm con nằm cạnh dưới trái khóm đem ươm xuống đất khoảng 3-4 tháng. Sau đó đem trồng lại, với cách làm này sẽ giúp vườn khóm có độ đồng đều cao, có trái đồng loạt. Còn cách lấy cây con từ dưới bẹ khóm rồi đem trồng ngay sẽ dẫn đến việc vườn khóm phát triển không đồng đều, có những cây chưa lớn đủ sức đã mang trái, mà những trái này không lớn nổi”.
Theo ông Thái, mô hình trồng cây khóm, cây cau và cây dừa chung vườn của ông đã có từ năm 1975. Trong đó, chỉ có cây khóm là vài năm trồng mới một lần, còn cây cau và cây dừa vẫn phát triển tốt, có cây cao khoảng 15m, chỉ khi nào cây bệnh chết mới trồng thay cây mới. Theo dự tính của ông, mô hình này thu tiền bền vững thêm 20 năm nữa.
“Mặc dù là mô hình không mới đối với người dân địa phương nhưng cách của tôi làm là luôn đổi mới về kỹ thuật, tính toán thu nhập đường dài. Nhờ mô hình này mà tôi đã xây được căn nhà gần 1 tỷ đồng, cho 5 người con ăn học học hết đại học và có chỗ làm ổn định”.
Ông Dư Văn Thái.