Chuyển đổi số trong báo chí Việt Nam: Hướng tới tiếp cận công chúng nhanh hơn
Quang cảnh hội thảo.
Ngày 11/6, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) và Tạp chí Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội, xu hướng truyền thông hội tụ, đa phương tiện, cách mạng 4.0 và Internet có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế - xã hội trong nước, nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số là báo chí, truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.
Tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay Vietnamplus, VnExpress, Zing...
Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang...
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo ngành, địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật số, kinh phí và nhân sự.
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho biết: Chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi. Đó là thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả nên không còn con đường nào khác là số hoá, chuyển đổi số. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số và cho rằng đầu tư thiết bị công nghệ và một số chương trình phần mềm có nghĩa là trên con đường chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số không phải là vấn đề công nghệ mà là vấn đề con người, tư duy. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản số hoá nội dung đưa lên nền tảng số mà tạo ra quy trình sản xuất mới mẻ và tạo ra sản phẩm thông tin mới mẻ, tạo ra văn hoá trong toà soạn phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, trong đó lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số sẽ giúp chuyển đổi số thành công hơn; đồng thời phải đào tạo lực lượng cán bộ nhân viên am hiểu sử dụng thành thạo công nghệ digtal vì nếu mua về không sử dụng thì không giá trị. Chuyện đổi số tạo môi trường cán bộ nhân viên phát triển, sáng tạo thực hiện chiến lược mà toà soạn mong muốn”, ông Lê Quốc Minh nhận định.
Do đó, ông Lê Quốc Minh cho rằng: "Chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân thì mới chuyển đổi số được. Mỗi cơ quan báo chí nên thực hiện chuyển đổi số theo năng lực của mình. Hiện các cơ quan báo chí có thể hợp tác với nhau để giảm chi phí, thu hút được lớn bạn đọc".
Từ góc nhìn từ cơ sở, nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now, Đài Truyền hình VTC cho rằng, bài toán chuyển đổi số không có mô hình chung, mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau, tài chính khác nhau. Nếu bắt chước mô hình của đơn vị khác hoặc nước ngoài sẽ gây ra sự khập khiễng. Do đó, mỗi cơ quan báo chí cần xác định mục tiêu để có bài toán phù hợp với nguồn lực và nhân lực của mỗi báo.
Đồng thời, vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ nhà báo, phóng viên. "Đối với những phóng viên, quay phim khi lãnh đạo đề nghị bỏ chiếc máy quay cồng kềnh và tìm cách nào đó ghi hình bằng điện thoại thông minh thì nhận được phản ứng của nhân viên rằng họ được học quay bằng máy quay phim, thậm chí là phim nhựa chứ không phải quay bằng điện thoại. Trong khi đó, cũng có những nhóm bạn trẻ quay bằng điện thoại với nội dung phù hợp chi phí thấp nhưng hiệu quả nhiều lượt xem cũng là điều khiến những lãnh đạo như chúng tôi phải suy nghĩ. Do đó, thay đổi tư duy là cả một quá trình chứ không thể ngay lập tức”, nhà báo Nguyễn Lê Tân chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đề cập đến những vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Đồng thời, các đại biểu đưa ra những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.
Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông kiến nghị: Đề án chuyển đổi số Quốc gia thì cơ quan báo chí truyền thông cần được ưu tiên chuyển đổi số trước bởi đây là đơn vị truyền tải thông tin. Các bộ luật cần sửa đổi mở rộng nội hàm như Luật Báo chí, Luật Viễn thông, việc bảo vệ thông tin cá nhân cần được luật hoá…
“Bên cạnh đó, Nhà nước có sự đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực để luồng thông tin chính thống chiếm lĩnh được thông tin với các mạng xã hội. Đồng thời, Bộ Thông tin sớm có bộ chỉ số sáng tạo trong báo chí để có thể đo đếm được công cuộc chuyển đổi số”, Tiến sĩ Phan Văn Kiền cho biết.
Theo báo Tin tức
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới