Chuyện vượt khó làm giàu của nông dân xuất sắc Chang Váng Sinh
Thành công từ “cần câu” của Nhà nước
Cũng giống như nhiều hộ gia đình ở xã Sín Thầu, trước đây gia đình ông Chang Váng Sinh thuộc diện hộ nghèo, bởi kinh tế gia đình chỉ biết làm lúa nương, vì vậy mà những tháng giáp hạt, gia đình luôn bị cái đói theo đuổi.
Kinh tế, cuộc sống của gia đình ông Sinh đã có sự thay đổi kể từ năm 1998, khi Chương trình 135 của Nhà nước đến với nơi đây. Năm đó, gia đình ông Sinh được hỗ trợ 1 cặp bò bố mẹ để nuôi, sau 3 năm thì lại luân chuyển cho hộ gia đình khác.
Được Nhà nước trao “cần câu” là cặp bò bố mẹ đúng thời điểm, gia đình ông Sinh đã chăm sóc rất cẩn thận, không thả tự do ngoài rừng theo phong tục, tập quán, mà hàng ngày gia đình luôn cắt cử người dắt bò đi chăn thả, chính vì vậy cặp bò phát triển khá tốt.
Ông Sinh chia sẻ: Trong quá trình chăn nuôi bò tôi thấy điều kiện ở địa phương khá phù hợp với người nông dân nghèo chúng tôi vì không tốn tiền mua thức ăn như các vật nuôi khác, hơn nữa ở là địa phương ở miền núi vì vậy có rất nhiều cỏ, phù hợp để chăn nuôi gia súc. Chính vì vậy tôi đã bàn với gia đình và mạnh dạn vay Ngân vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé để đầu tư mua thêm 4 con bò. Từ khi chăn bò, cuộc sống của gia đình tôi mới không còn bị đói.
Trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc 2023
Tưởng chừng việc chăn nuôi bò, phát triển đàn bò thuận lợi, dễ dàng nhưng ở Sín Thầu thời tiết khá lạnh vào mùa Đông, dịch bệnh lở mồm long móng… nhiều phen đàn bò bị ảnh hưởng cũng khiến cho gia đình ông Sinh lao đao.
Chính vì vậy ông Sinh đã chủ động học hỏi kinh nghiệm từ những cán bộ đồn biên phòng trên địa bàn, được nghe hướng dẫn về cách phòng dịch bệnh bằng vắc xin và hướng dẫn tiêm vắc xin trên bò mà ông Sinh đã có kinh nghiệm để áp dụng. Ông Sinh cũng trở thành người nông dân đầu tiên ở Sín Thầu tự tiêm vắc xin cho bò của gia đình.
Cùng với đó vào mùa Đông trên địa bàn Sín Thầu luôn có những thời điểm lạnh cắt da cắt thịt, chính vì vậy gia đình ông Sinh cũng chủ động dự trữ nguồn thức ăn thô là rơm, cỏ… để giúp đàn bò luôn có được nguồn thức ăn, vượt qua thời tiết khắc nhiệt nhất.
Để đàn bò phát triển khoẻ mạnh, theo kinh nghiệm ông Sinh: Cần cho bò ăn thêm muối, muối sẽ giúp bò tiêu hoá thức ăn tốt hơn, mỗi tuần tôi đều cho bò ăn muối 2 lần, vì vậy mà đàn bò lúc nào cũng béo tốt.
Giờ đây mỗi năm gia đình ông Sinh đều có nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng. Nguồn thu không chỉ đến từ việc bán bò thịt, bò giống mà có phần không nhỏ đến từ việc chăn nuôi tập trung nên cứ 2-3 ngày ông Sinh lại dọn phân bò trong chuồng để bán.
Cũng từ việc chăn nuôi bò mà ông Sinh đã là người đầu tiên ở Sín Thầu xây dựng nhà cửa khang trang, kiên cố; từ tiền nuôi bò cũng trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình và để các con ông được học hành đầy đủ.
Ở cái tuổi ngoài 70, sức khỏe đã giảm đi nhiều không còn đi rừng để chăn bò được như trước đây nhưng niềm vui của ông Sinh đó chính là chia sẻ về những kinh nghiệm đúc rút của mình trong chăn nuôi bò cho mọi người trong bản, trong xã và cho con cháu… để cùng phát triển nghề chăn nuôi gia súc trên mảnh đất vùng biên viễn này.
Việc truyền cảm hứng trong chăn nuôi bò của ông Sinh đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con nơi đây, đến nay trên địa bàn xã Sín Thầu đã có 270 hộ nuôi trâu, bò và có tới 13 trang trại quy mô vừa và nhỏ; chăn nuôi đại gia súc đã góp phần giúp nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo.
"So với các mô hình chăn nuôi bò khác trên cả nước thì mô hình của hội viên nông dân Chang Váng Sinh không lớn về quy mô cũng như lợi nhuận, nhưng đây là mô hình rất đặc biệt bởi ở vùng đất khó như Sín Thầu thì người dám nghĩ, dám làm và truyền được cảm hứng để các nông dân khác thay đổi tư duy, phát triển kinh tế ở địa phương với chăn nuôi gia súc lớn là không có nhiều", bà Vàng Thị Bình – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho hay.