Góc nhìn

Cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất đai phục vụ cơ cấu lại nền nông nghiệp

(Tapchinongthonmoi.vn) - Gần 10 năm tích cực thực hiện Đề án “Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp (TCCNN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã đem lại nhiều kết quả nhất là trong việc đảm bảo tăng trưởng khá ổn định, xuất khẩu nông sản tăng liên tục, hiệu quả chuyển đổi sản xuất cũng thể hiện rõ nét hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp chế vào đầu tư chế biến, hợp tác xã (HTX) có sự tăng nhanh về số lượng. Những thành công này có nhiều yếu tố trong đó những cải cách đổi mới trong

Tuy nhiên, quá trình TCCNN cũng còn một số tồn tại như đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, quy mô hộ sản xuất nhỏ lẻ, trang trại phát triển chậm, lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong lực lượng lao động cả nước, năng suất lao động nông nghiệp thấp, vai trò HTX còn mờ nhạt,… Có nhiều nguyên nhân hạn chế thúc đẩy quá trình TCCNN, gồm những tồn tại trong cơ chế chính sách và chính sách về đất đai. 
Ngày 10/6/2013 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Để triển khai đề án tổng thể theo Quyết định 899, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và phê duyệt 6 Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực nhằm cụ thể hóa nội dung, giải pháp và lộ trình tái cơ cấu trong từng lĩnh vực/phân ngành cụ thể, bao gồm: Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi, Chế biến nông lâm thủy sản và muối. Đồng thời, xây dựng và phê duyệt 6 kế hoạch chuyên đề, là các giải pháp chính thực hiện cơ cấu lại, đó là: (1) Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách; (2) Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; (3) Đổi mới và tăng cường công tác khoa học công nghệ; (4) Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (5) Đổi mới cơ cấu, cơ chế và nâng cao hiệu quả đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân và (6) Kiện toàn hệ thống, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước ngành. Các bộ, ngành cũng đã phối hợp và hỗ trợ ngành Nông nghiệp trong việc thực hiện Đề án thông qua điều chỉnh nhiều chính sách liên quan. 
Đóng góp của chính sách đất đai trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp
Quyết định 899/QĐ-TTg đã đề ra định hướng cơ cấu lại trong từng lĩnh vực cụ thể có liên quan đến sử dụng đất như sau:
Tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Chuyển mạnh đất lúa năng suất và hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn, hoặc nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng ngô, đậu tương để chủ động nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi; giảm dần diện tích trồng sắn; phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao và cây dược liệu; tiếp tục phát triển các cây công nghiệp dài ngày ở những nơi có lợi thế, theo quy hoạch.
Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; đồng thời duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái.
Nuôi trồng thủy sản có chứng nhận với các sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, nhuyễn thể,...); phát triển một số sản phẩm nuôi có tiềm năng (cá quả, rô phi, thác lác,...), phát triển nuôi biển (tôm hùm, cá biển, rong biển,...).
Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng tự nhiên; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; Phát triển mô hình nông lâm kết hợp; Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại dược liệu; Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo...; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp. 
Các cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ hoàn thành việc nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và quản lý, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp. Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên; khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực nông nghiệp nông thôn. Triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi 1,1 triệu hec-ta rừng phòng hộ nghèo kiệt sang rừng sản xuất theo Nghị quyết số 134/2016/QH13 của Quốc hội.

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được từng bước, hoàn thiện bổ sung và được cụ thể hóa tại 17 Điều trong Luật Đất đai năm 2013. Quy hoạch sử dụng đất đã tích cực hỗ trợ cho phát triển kinh tế được cân đối nhất là trong quá trình phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư mới, khu đô thị mới trên phạm vi cả nước; có tác dụng tích cực trong việc điều tiết thị trường, góp phần ổn định giá đất, tạo cơ sở thực tế cho các cuộc giao dịch về đất đai và tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất. Quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch cũng là dịp sinh hoạt dân chủ ở cơ sở, nhờ đó mà công dân tham gia cụ thể vào sự nghiệp chung có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích thiết thân của mình, trật tự xã hội được đảm bảo, củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Công tác quy hoạch đã giúp tạo ổn định trong tư liệu sản xuất chính là đất đai cho sản xuất nông nghiệp, bảo vệ đất chuyên trồng lúa phục vụ mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Theo quy hoạch, đến năm 2030, đất sản xuất nông nghiệp duy trì mức 27,73 triệu hec-ta; đất trồng lúa 3,56 triệu hec-ta, trong đó khoảng 3 triệu hec-ta là đất chuyên lúa. 

Theo quy hoạch, đến năm 2030, đất sản xuất nông nghiệp duy trì mức 27,73 triệu hec-ta; đất trồng lúa 3,56 triệu hec-ta, trong đó khoảng 3 triệu hec-ta là đất chuyên lúa. 

Cùng với quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, các chính sách liên quan đến đất đai từng bước được hoàn thiện. Nhiều quy định về đất nông nghiệp đã có sự đổi mới, như: Nâng thời gian giao đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân. Thời hạn sử dụng đất từ 20 năm đối với đất trồng cây hàng năm, 50 năm đối với đất trồng cây lâu năm (Luật Đất đai, 2003) lên 50 năm đối với các loại đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm (Luật Đất đai, 2013). Hạn mức nhận chuyển nhượng QSDĐ từ gấp 2 lần (theo Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11, 2007) lên 10 lần (theo Luật Đất đai, 2013). Các sửa đổi chính sách góp phần đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người có QSDĐ, khuyến khích thuê QSDĐ, góp vốn bằng QSDĐ, chuyển nhượng quyền QSDĐ, khuyến khích sử dụng đất lúa hiệu quả bằng chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
Nhờ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều hình thức giao dịch QSDĐ nông nghiệp: chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn giữa các cá nhân và tổ chức kinh tế. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại 3.700 hộ ở 12 tỉnh, thị trường bán đất hoạt động nhộn nhịp hơn thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ có chuyển nhượng đất trung bình của 12 tỉnh lên tới 16,6%, trong khi tỷ lệ hộ có cho thuê đất nông nghiệp chỉ chiếm 7,1%. 
Nhà nước có chính sách khuyến khích nông dân “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi, chuyển nhượng đất cho nhau để khuyến khích nông dân tập trung đất nông nghiệp phục vụ sản xuất quy mô lớn, đã giao và cho thuê phần lớn diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Mức độ manh mún trong sản xuất nông nghiệp được cải thiện. Số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân 1 hộ tăng từ 2,5 thửa năm 2016 lên 2,8 thửa năm 2020 và diện tích bình quân 1 thửa tăng từ 1.843,1m2 lên 2.026,3m2. Mô hình tổ chức sản xuất có tỷ suất và giá trị hàng hóa cao của hộ là trang trại. Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước có 20.611 trang trại; bao gồm: 5.910 trang trại trồng trọt, chiếm 28,67% tổng số trang trại; 11.688 trang trại chăn nuôi, chiếm 56,71%; 2.782 trang trại nuôi trồng thủy sản, chiếm 13,50%; 139 trang trại lâm nghiệp, chiếm 0,67% và 53 trang trại tổng hợp, chiếm 0,26%, 39 trang trại sản xuất muối, chiếm 0,19% (Tổng cục Thống kê 2021).


 Nhà nước đã thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, cho hộ gia đình, cá nhân thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp đối với các hộ vượt hạn mức giao đất nông nghiệp. Pháp luật về thuế đã quy định ưu đãi ở mức cao nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho đời sống nông dân. Tiếp tục triển khai miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, kể cả diện tích vượt hạn mức giao đất. Điều này được quy định cụ thể tại Nghị định 21/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Khung giá đất và bảng giá đất đã được thu hẹp phạm vi áp dụng, khung giá đất được quy định chi tiết cụ thể hơn cho từng vùng nhằm nâng cao tính tự giác trong đăng ký, nộp tiền của người sử dụng đất; để tính giá bồi thường sát hơn với giá thị trường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Đồng thời, các chính sách đi kèm hướng tới ưu đãi giá thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Một số vấn đề tồn tại của chính sách đất đai trong việc thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp
Về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên quy hoạch này thường được xây dựng cho 10 năm, dẫn tới tư duy nhiệm kỳ, khi quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội thay đổi thường xuyên, quy hoạch sử dụng đất sẽ bị điều chỉnh, thay đổi theo gây xáo trộn, thiếu ổn định trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013 (điều 43), một quy hoạch sử dụng đất trước khi được phê duyệt phải được đưa ra để nhân dân đóng góp. Nhưng trên thực tế, quy hoạch đất đai chỉ nhận được góp ý của các ban, ngành liên quan. Thậm chí, ngay cả khi quy hoạch đã được phê duyệt người dân cũng không nắm được thông tin. Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính chưa được cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên, kịp thời theo quy định. 
Một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp, hàng hóa tập trung, quy mô lớn chưa được ban hành hoặc chậm sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn Luật Đất đai 2013 cấm nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức quy định (Điều 12) và khi Nhà nước thu hồi đất Nhà nước sẽ không bồi thường về đất đối với diện tích đất ngoài hạn mức (có bồi thường tài sản đầu tư trên đất). Chính sách này làm giảm động lực tích tụ đất đai ở nông thôn. Mặt khác, Luật Đất đai năm 2013 (Điều 13) quy định theo hướng hạn chế các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, mặc dù đã có cơ chế tự thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng nhiều trường hợp khó đạt được sự đồng thuận cao của người sử dụng đất nên không thể hình thành vùng sản xuất quy mô lớn. 
Hạn mức nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất. Không cho phép hộ có diện tích trên lớn hơn hạn mức nhận chuyển nhượng QSDĐ. Theo Điều 129 Luật Đất đai, vùng Đồng bằng sông Hồng được giao tối đa 2ha đất trồng lúa, Đồng bằng sông Cửu Long là 3ha, đồng thời được chuyển nhượng 10 lần giới hạn giao đất. Điều đó có nghĩa tổng không quá 22ha tại Đồng bằng sông Hồng và 33ha tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hạn mức sử dụng đất thấp cũng ảnh hưởng bất lợi đến khả năng đáp ứng nhu cầu của những hộ có tiềm lực tích tụ, tập trung ruộng đất. Theo kết quả điều tra 450 hộ ở 6 tỉnh của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT năm 2017, trên 23,7% số hộ cho rằng hạn điền thấp là yếu tố ảnh hưởng đến mua, bán và tích tụ đất đai. 
QSDĐ nông nghiệp rất ít được bảo vệ đối với đất vượt hạn mức quy định. Nếu vượt trên diện tích này mà hộ muốn đăng ký chính thức thì phải thuê lại của Nhà nước, đây là nguyên nhân hộ phải trả tiền 2 lần: (i) tiền trả cho người bán; (ii) tiền thuê lại đất của Nhà nước. Trong khi đó chưa có quy định về diện tích tối thiểu hoặc thuế thừa kế QSDĐ nông nghiệp khi tách hộ.
Kết quả là quy mô đất bình quân hộ còn quá nhỏ so với các nước khác, đặc biệt quy mô đất trồng cây hàng năm bình quân hộ giảm. Diện tích còn phân tán, manh mún; tác động của chương trình “dồn điền đổi thửa” đã tới giới hạn. Số lượng trang trại còn ít, quy mô chưa đủ lớn, chủ yếu các trang trại mới hiện nay lấy từ nguồn đất thuê của chính quyền xã, chưa đảm bảo điều kiện ổn định để yên tâm đầu tư.
Ở các vùng chuyên canh phía Nam, tình hình chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đạt kết quả khá hơn ở phía Bắc nhưng cũng chưa tạo đủ tiền đề để hình thành nền kinh tế trang trại quy mô lớn. Tỷ lệ diện tích xây dựng cánh đồng lớn còn hạn chế, chủ yếu diễn ra trên đất trồng cây hàng năm và đang có xu hướng đình trệ. Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, một phần quan trọng do khó tiếp cận được quỹ đất nông nghiệp quy mô đủ lớn.
Điều 167 Luật Đất đai quy định rất nhiều quyền cho người được cấp QSDĐ, nhưng rất khó thực hiện, chẳng hạn điều kiện phải có giấy chứng nhận QSDĐ là không thực tế. Ở các vùng nông thôn, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ không nhiều. Những quy định này đã khiến nông dân không thể vốn hóa đất, ngay cả khi tài sản không có tranh chấp. Hạn chế việc chuyển đổi QSDĐ, hộ gia đình, cá nhân chỉ được chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp trong cùng một xã, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác và đất phải có giấy chứng nhận QSDĐ hoặc giấy xác nhận không có tranh chấp. Người sử dụng đất chỉ được quyền chuyển đổi hoặc chuyển nhượng đất khi đã có Giấy chứng nhận QSDĐ (Điều 188, khoản 1 mục a, Luật Đất đai 2013). Vẫn có rủi ro trong quá trình đăng ký giao dịch đất đai do hệ thống quản lý đất đai tại địa phương. Kết quả là tỷ lệ chuyển nhượng và cho thuê đất nông nghiệp còn thấp. 
Mặc dù pháp luật quy định khá chặt chẽ về các trường hợp hạn mức giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất, nhưng thực tế người sử dụng đất vẫn có thể lợi dụng những sơ hở của Luật để được giao đất vượt hạn mức nhiều lần mà vẫn không phải nộp tiền sử dụng đất. Ví dụ: một hộ gia đình có 4 người theo Luật chỉ được giao không thu tiền với diện tích trong hạn mức, nhưng Luật quy định hạn mức giao cho một hộ gia đình và một cá nhân là như nhau nên họ có thể xin tách thành 4 hộ và mỗi hộ sẽ được giao diện tích đất tối đa trong hạn mức mà Nhà nước không thu tiền sử dụng đất gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý đất đai.
Việc quy định giá trị quyền sử dụng căn cứ theo mục đích sử dụng đất cho thấy nhiều bất cập. Ví dụ: đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp giá trị sẽ khác so với đất ở,… dẫn tới hiện tượng chỉ bằng một quyết định hành chính cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, có thể đẩy giá đất lên rất cao, có thể khuyến khích việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp vượt quá nhu cầu phát triển kinh tế.
Thủ tục chuyển nhượng giữa các hộ, thủ tục cho doanh nghiệp thuê đất còn phức tạp. Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do công tác công bố, công khai quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên thực tế chưa tốt, chưa rõ ràng. Tác nhân tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa được tạo điều kiện tiếp cận đất đai. Chưa có quỹ đất ổn định, lâu dài để tiến hành quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 
Quy định giới hạn cá nhân, tổ chức kinh tế tiếp cận đất để tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Chưa có quy định rõ vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp quy mô lớn của nông dân. Chưa có cơ chế pháp lý để doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp dài hạn của hộ nông nghiệp sử dụng quyền thuê này làm thế chấp để vay vốn ngân hàng. Chưa có cơ chế pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp chuyển đổi một phần diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông nghiệp. Chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để Nhà nước tham gia vào thu hồi đất cho phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chuyển nhượng đất nông nghiệp giữa các cá nhân và tổ chức còn diễn ra dưới hình thức giao dịch ngầm, không khuyến khích đầu tư dài hạn. Doanh nghiệp thuê đất của nông dân để thực hiện dự án quy mô lớn gặp nhiều khó khăn. Hộ nông dân chủ yếu cho gia đình và người thân quen thuê đất (85,1%) còn lại là cho các đối tượng khác thuê (14,9%). Hầu như chưa có mô hình thành công về góp vốn bằng QSDĐ vào doanh nghiệp.
Mặt khác, chưa có chính sách cho HTX được thuê đất công ích, trong đó đất vượt 5% được thuê lâu dài, tạo  điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp được thuê đất làm trụ sở và sản xuất kinh doanh (hiện tại chỉ quy định đối với đối tượng hộ gia đình, cá nhân); chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí đo đạc và cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với đất sử dụng vào làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đối với HTX nông nghiệp; chưa có chính sách miễn, giảm hoặc hỗ trợ kinh phí chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp sử dụng vào làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đối với HTX nông nghiệp. 
Để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi; tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hiện tại chính sách đất đai còn thiếu để hỗ trợ cho việc thực hiện các chủ trương chính sách này. Hiện chưa có chính sách ưu tiên quỹ đất để xây dựng các khu chế biến thủy sản trong đó ưu tiên tập trung cho các làng nghề thủy sản; di dời các cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường; mở rộng, xây mới các cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản mới, có giá trị gia tăng cao; xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá: cảng cá, bến cá, chợ cá, khu trung chuyển, kho lạnh bảo quản và phân phối nguyên liệu và sản phẩm thủy sản; xây dựng các khu, hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung tại các làng nghề thủy sản, cụm công nghiệp thủy sản.  Chưa có quỹ đất ổn định, lâu dài để phát triển vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản chủ lực như cà phê, cao su, tiêu, điều, mía đường, cây ăn quả, rau ... để tiến hành quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tiến hành cơ giới hóa.
Đề xuất những thay đổi về cơ chế, chính sách đất đai phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp trong bối cảnh mới
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Công khai minh bạch trong xây dựng và triển khai quy hoạch. Siết chặt hơn việc điều chỉnh quy hoạch sau khi đã được phê duyệt và quá trình điều chỉnh phải được công khai. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về thông tin quy hoạch của từng thửa đất, cho phép tra cứu (có thể thu phí).
Linh hoạt sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.
Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho nông sản chủ lực.
Rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với điều kiện thực tế.
Số hóa dữ liệu về đất, đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai dùng chung giữa các cơ quan chính phủ.
Về các quy định tài chính đất đai
Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp phục vụ sản xuất lớn. 
Thực hiện định giá đất tại thời điểm Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, Nhà nước cho thuê đất, Nhà nước thu hồi đất, tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất. Thực hiện cơ chế này đòi hỏi phải phát triển các tổ chức định giá; đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức này đảm bảo kết quả định giá được minh bạch, khách quan, trung lập theo đúng quy định của pháp luật. 
- Bố trí lại khung giá các loại đất cho phù hợp. Việc xây dựng khung giá các loại đất theo hướng đơn giản, đảm bảo thống nhất một loại đất có một khung giá. Chính phủ quy định chặt chẽ nguyên tắc, phương pháp định giá; giao quyền quyết định giá đất cụ thể cho địa phương. 
Về lâu dài cần cân nhắc áp dụng thuế tài sản để khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên mà không phải sử dụng đến các công cụ hành chính. Thay thế khung giá đất bằng xây dựng cơ sở dữ liệu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tham chiếu.
Về các quy định giao đất, cho thuê đất, quản lý đất nông nghiệp
Chính sách, pháp luật về thế chấp đất đai cần được đổi mới theo hướng mở rộng phạm vi thế chấp cho các loại đất được sử dụng hợp pháp, tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, chuyển quyền sử dụng đất đai, tạo hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển; tổ chức tốt dịch vụ hành chính công để tạo điều kiện tuận lợi cho giao dịch thế chấp.
Đối với đất nông lâm trường, cần có giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về đất đai, tài chính, công nợ… để thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo quy định. Cần có giải pháp đặc thù cho những trường hợp đặc thù trong quá trình cổ phần hóa, chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc giải thể các công ty nông, lâm nghiệp.
Khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Quy định và giám sát chặt chẽ diện tích mảnh đất nông nghiệp tối thiểu.
Mở rộng đối tượng tài sản trên đất được ghi vào giấy chứng nhận QSDĐ.
Giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp. Tạo điều kiện đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp và khuyến khích đầu tư.
Nới lỏng quy định về đối tượng nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp, cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ được nhận quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Bỏ giới hạn việc chỉ được phép chuyển đổi trong cùng xã phường thị trấn. Xây dựng cơ chế tính giá trị của các thửa đất để tạo thuận lợi và làm căn cứ cho các hộ đổi đất với nhau. 
Xây dựng cơ chế đối với đất thuê từ 5 năm trở lên thì cá nhân, tổ chức đi thuê đất được thế chấp bằng giá trị thuê để vay vốn sản xuất nông nghiệp. Xây dựng khung pháp lý để bảo lãnh tín dụng dựa vào tài sản trên đất.
Đề xuất bổ sung thêm loại đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong phân loại đất nông nghiệp. Đối với diện tích này, cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông nghiệp (như xưởng thiết bị nông nghiệp, logistics, chế biến, lưu trữ, bảo quản nông sản) trên đất nông nghiệp.
Quy định rõ ràng về hai trường hợp góp vốn chuyển QSDĐ và góp vốn không chuyển QSDĐ. Xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận QSDĐ có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Xây dựng nguyên tắc góp vốn bằng QSDĐ, điều kiện góp vốn, giá trị vốn góp (theo giá đất, theo sự phát triển của doanh nghiệp), cơ chế minh bạch trong hạch toán kinh doanh. Xây dựng cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hình thức nhận vốn góp bằng đất của người dân tại địa bàn khó khăn.
Xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất nông nghiệp (thủ tục địa chính, hạ tầng, kinh phí san sửa ruộng đồng, tín dụng dài hạn, lãi suất thấp để mua hoặc thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân khác). Hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân.
Kích hoạt sự hoạt động của Quỹ phát triển đất, kết hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất, giúp hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, thực hiện chức năng cung cấp thông tin, thiết kế hợp đồng, hỗ trợ pháp lý và giải quyết tranh chấp trong quá trình giao dịch đất đai giữa các cá nhân và tổ chức kinh tế. Đây là nền tảng để xây dựng thị trường QSDĐ nông nghiệp và phát huy quyền tài sản đối với đất nông nghiệp.
Nhà nước thành lập “ngân hàng đất” hoặc quỹ đất do chính quyền địa phương đứng ra thu lại đất bỏ hoang hoặc đất do người dân không có nhu cầu sản xuất gửi vào, hỗ trợ sàn giao dịch đất nông nghiệp để thu mua lại diện tích đất nông nghiệp có hiệu quả sử dụng thấp theo giá thị trường và cho thuê lại cho các hộ sản xuất hàng hóa lớn, trang trại hoặc các doanh nghiệp.
Nâng thời hạn thuê đất 5% từ 5 năm lên 20 năm và thu tiền 5 năm một lần để cá nhân, tổ chức yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh lớn.
Cho phép UBND cấp tỉnh tham gia vào thu hồi, đền bù để có đất xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch.
Sử dụng tổ chức thẩm định độc lập để định giá tài sản đất nông nghiệp trong các giao dịch hoặc khi Nhà nước thu hồi hoặc thuê lại. Việc định giá tài sản đất và bất động sản đi kèm phải gắn với quy hoạch, tính tới vị trí và giá trị tương lai của mảnh đất. Không phân biệt giá đất theo mục đích sử dụng. Cùng với đó cần xây dựng các tổ chức hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho nông dân trong các giao dịch về đất đai.
Sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ với mốc thời gian cụ thể và gắn với trách nhiệm của lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh. Xây dựng hệ thống quản lý đất điện tử để cung cấp thông tin số hóa về QSDĐ và giao dịch bất động sản; từ bỏ sự phụ thuộc vào “Sổ đỏ” và yêu cầu bắt buộc phải đăng ký vào Sổ Địa chính của cơ quan đăng ký đất đai.
Đấu giá QSDĐ các phần đất của Nhà nước chưa giao, chưa sử dụng để đất có chủ và được đưa vào sản xuất, kinh doanh. 
Xây dựng cơ chế hỗ trợ tín dụng dài hạn cho trang trại, HTX mua, thuê đất nông nghiệp.
Hỗ trợ rút lao động ra khỏi nông nghiệp để tạo quỹ đất. Chính sách này rất quan trọng tuy nhiên không phải dễ vì cần có chính sách tốt thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, cần có chính sách tốt để đào tạo cho lao động nông nghiệp, nông thôn đáp ứng các yêu cầu để làm việc trong khu vực phi nông nghiệp. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác