Nông thôn mới

Còn đâu chợ làng

06:30 25/08/2017 GMT+7

Chợ làng được họp cứ 5 ngày một phiên, tuy chỉ có phạm vi nhỏ hẹp nhưng cũng thu hút được khá nhiều người từ các làng lân cận tới mua bán.

Xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) có 4 làng, nhưng chợ Yên được họp ở làng tôi vì nó nằm ở trung tâm của xã. Nghe nội tôi kể lại thì cái chợ làng nhỏ bé này đã có “tuổi đời” gần trăm năm, các quy định về phiên chợ cứ cách 5 ngày một lần họp coi như là bất định, không bao giờ thay đổi. Những ngày họp chợ là mùng 5, 10, 15, 20, 25 và ngày 30 âm lịch hàng tháng. Nếu tháng nào thiếu, chỉ có 29 ngày thì chợ sẽ được họp “bù” vào ngày mùng 1 đầu tháng. Như vậy, một tháng luôn đủ 6 phiên chợ để người dân mua bán các loại hàng hóa, thực phẩm phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Chợ được họp trên một khoảng đất rộng ở đầu làng. Từ xa người ta đã có thể nhìn thấy các cầu chợ dựng bằng cột tre và mái che phên nứa, phên cót đan. Ngày tôi vừa mới lớn thì các cầu chợ này vẫn còn lợp bằng rơm rạ và sau này Ban quản lý chợ mới cho thay bằng phên cót, phên tre đan, bởi lợp loại này bền hơn, được mấy năm mới phải sửa sang thay mới, chứ không như lợp rơm, rạ thì năm nào cũng phải lật xuống lợp lại bằng rơm, rạ mới.

Chợ làng họp sớm lắm, có khi người làng khác tới chợ từ 4, 5 giờ sáng nên mẹ luôn phải trở giấc từ khi gà gáy để lo sửa soạn hàng hóa. Những khi học sáng thì hai chị em chúng tôi cũng luôn dậy sớm để phụ giúp bố, mẹ mang hàng ra chợ rồi mới tới trường. Nếu hôm nào phiên chợ gặp ngày chủ nhật được nghỉ học thì chúng tôi phụ giúp bố, mẹ dọn và bán hàng tới tận trưa. Công việc mang hàng ra chợ thường bao giờ cũng được thực hiện xong trước lúc 5 giờ sáng, bởi sau khoảng thời gian này người mua rất đông và lúc này cả nhà chỉ chú tâm vào bán hàng.

Khách mua hàng đông lắm, khi người này hỏi cái này, người kia muốn xem cái kia, người khác lại muốn hỏi giá món hàng định lấy là bao nhiêu…Nhà chỉ cách chợ có độ vài trăm mét, mẹ lại thuê một ki ốt chia lô trong cầu chợ để mở sạp hàng xén bán kiếm thêm sau những buổi dầm mưa dãi nắng ngoài đồng ruộng. Sạp hàng của mẹ tôi chỉ có phạm vi bằng 3 chiếc chiếu vậy mà bày biện bao thứ “tạp phí lù”, từ cái kim, sợi chỉ, cho tới cày, bừa, quang gánh, cuốc, xẻng… loại bát, đĩa, cốc chén, đèn dầu, nến, muối mắm… Vì nhà neo người, chỉ có bố, mẹ và hai chị em chúng tôi nên những hôm đến phiên chợ là cả nhà đều bận rộn.

Vì chợ họp cách 5 ngày một lần nên khách hàng thường mua nhiều loại hàng hóa đủ dùng trong khoảng thời gian chờ tới phiên chợ sau, nhất là rau quả, thực phẩm. Phiên chợ nào cũng đông người, những phiên chợ ngày cuối năm thì lượng người và hàng hóa đông và nhiều vô kể.

Chợ họp chỉ đến độ gần trưa là tan và công việc thu gom hàng để mang về nhà cũng khá vất vả và mệt mỏi. Tuy nhiên, lúc mang hàng về là nhàn hơn một chút vì số lượng hàng hóa bán đi đã vơi nhiều.

Chợ làng không rộng nhưng các dãy hàng hóa đều đủ cả. Các hàng rau, thực phẩm đậu, thịt, cá, tôm là đông đúc nhất. Những sạp hàng xén với trăm thứ hàng hóa như nhà tôi cũng luôn chen chân khách mua. Mấy hàng bán gà, lợn, chó, thỏ… làm giống cũng nhộn nhịp với tiếng kêu inh ỏi của gia cầm gia súc. Vài sạp hàng thuốc nam chữa bệnh cũng luôn hiện diện đủ ở các phiên chợ làng. Khu hàng quà bánh thì luôn đắt hàng, nhất là mấy sạp bán bánh đúc, bỏng ngô, kẹo bột… Những xe thồ hoa quả, mía cây thường bán chạy lúc gần trưa, vì ai cũng mải mua bán các vật dụng, hàng hóa trước, rồi trước khi ra về họ mới mua chút quà bánh mang về.

Đã trải qua biết bao nhiêu phiên chợ làng thân thuộc như thế tôi không nhớ hết, nhưng hình ảnh thân thương của khu chợ với những mái cầu chợ mộc mạc giản đơn cùng cảnh mua bán nhộn nhịp đã hằn sâu trong ký ức. Bây giờ chợ làng vẫn họp theo phiên như thế, nhưng đã được thay thế bằng khu chợ khang trang một tầng lợp tôn rộng rãi mọc lên trên nền khu chợ cũ. Mẹ tôi vẫn còn thuê sạp bán hàng ở đó, dẫu tóc đã điểm sương và sức khỏe đã yếu nhiều nhưng mẹ vẫn cố vì gia đình, vì con cái học hành.

Mỗi lần từ thành phố về quê mà gặp đúng phiên chợ làng, tôi vẫn luôn ra mua sắm, dạo thăm, hay phụ mẹ bán hàng để tìm lại chút hoài niệm tuổi thơ về khu chợ làng mộc mạc và thân thương đã gián tiếp nuôi tôi lớn khôn.

Nguyễn Long

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác