Còn nhiều thách thức khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu
Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0), quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường… đang đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề trên mà còn là một tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển khoa học công nghệ (KHCN-PV), đưa KHCN thực sự là “quốc sách hàng đầu” trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó, các chủ trương, chính sách đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất nông nghiệp được luôn nhận được sự quan tâm. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đề ra những chủ trương lớn, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp.
Khoa học công nghệ thực sự là “quốc sách hàng đầu” trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần hai năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân, tạo nên động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với một thế hệ hội viên nông dân có tư duy đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”.
Các nghiên cứu gần đây cho biết, để đảm bảo nguồn lương thực cho dân số thế giới thì sản lượng của ngành Nông nghiệp phải tăng thêm 60% vào năm 2030. Điều này đòi hỏi người nông dân cũng như nhà sản xuất thực phẩm cần đón nhận các xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số trong nông nghiệp bằng cách sử dụng công nghệ như một nguồn tài nguyên bền vững, đưa nông nghiệp lên một tầm cao mới.
Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế và cung cấp nguồn thực phẩm cho con người. Với sự phát triển của nông nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp đang trở thành một xu hướng quan trọng và tất yếu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất.
Còn nhiều thách thức với nông nghiệp Việt Nam
Bên cạnh những lợi ích trên thì việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều thách thức. Một trong số đó và lớn nhất chính là khó khăn trong việc thu hút được vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo công nhân, tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi một số vốn đầu tư lớn và quan trọng là thu hồi vốn phải cần nhiều thời gian, không thể ngay lập tức thành công. Để khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới cần phải có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn; mở rộng và nới các tiêu chuẩn để các cơ sở sản xuất lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì tất yếu sẽ phải đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiểu biết về khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, nguồn nhân lực có chuyên môn, đào tạo ở nước ta hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế so với những yêu cầu hội nhập và phát triển. Đặc biệt, ở những vùng miền có nền kinh tế kém phát triển, còn nhiều khó khăn thì đây là rào cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân thông qua các khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại giúp họ thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Cùng với đó, chú trọng đổi mới nội dung và chương trình đào tạo đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chuyên sâu về nông nghiệp công nghệ cao, gắn lý thuyết với thực hành.
Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ đem lại sản lượng lương thực lớn và sẽ sẽ dẫn đến một trong những khó khăn lớn, đó là thị trường tiêu thụ chưa có sự kết nối giữa đầu vào và đầu ra. Nhiều sản phẩm nông sản theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém cả trong và ngoài nước. Để ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao cần xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao cần phải đầu tư chuyển dần sang chế biến. Cần coi trọng thị trường trong nước bằng cách giảm giá bán sao cho đại đa số người tiêu dùng đều có thể mua được.
Vấn đề mấu chốt nữa trong ứng dụng công nghệ cao là cần các quy định pháp luật chặt chẽ để quản lý nhà nước hiệu quả trong mảng công tác còn nhiều mới mẻ này. Nếu để người nông dân ứng dụng công nghệ cao một cách tự phát, thiếu định hướng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực nước ta trong thời gian tới.
Việc nông dân tự do sử dụng drone sẽ gây ra những tác hại đối với sức khỏe và môi trường
Có thể lấy ví dụ việc sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật hiện nay đang được nông dân sử dụng ngày càng nở rộ. Hiện nay, không chỉ có các doanh nghiệp lớn, tổ dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, mà rất nhiều hộ nông dân cũng đang đầu tư mua drone để sử dụng. Bởi nông dân thấy cái lợi là công suất phun lớn, giảm chi phí công lao động, giảm tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng.
Nếu thiết bị này không được quản lý, để nông dân tự do sử dụng sẽ gây ra những tác hại đối với sức khỏe và môi trường. Cần phải khẳng định, việc sử dụng drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật cần phải có những căn cứ, hướng dẫn, quy trình kỹ thuật trên cơ sở khoa học, chứ không vì những cái lợi nhìn thấy trước mắt mà khuyến khích mở rộng ồ ạt. Chẳng hạn sử dụng drone để phun cho rầy trên lúa ẩn sâu dưới gốc lúa thì sẽ khác với phun đối với các loại sâu trên lá; phun cho cây ăn quả thì khác hoàn toàn với phun cho lúa; hay như một số bệnh, bào tử ẩn nấp rất kín, rất khó phun trừ thì quy trình sử dụng sẽ khác hoàn toàn so với phun cho sâu trên lá… Từ thực tế cuộc sống, có thể thấy, chúng ta đang thiếu một quy định quản lý thống nhất đối với việc sử dụng drone, tối thiểu phải cấm một số hoạt động sử dụng thiết bị này trong các khu vực sản xuất nông nghiệp gần khu dân cư, xen kẽ khu dân cư, hoặc khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… để hạn chế những tác hại đối với con người, vật nuôi, cây trồng khác.
Áp dụng công nghệ vào nông nghiệp là xu hướng tất yếu nhưng phải đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước
Có thể thấy, để khắc phục những thách thức này, Chính phủ cần phải có hệ thống các giải pháp cơ bản, đồng bộ, toàn diện; huy động sự tham gia của nhiều lực lượng cả ở Trung ương và địa phương; kiên trì thực hiện trong thời gian dài, với quyết tâm cao, trong đó những giải pháp nêu trên có tính chất gợi mở, khái quát cao, cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt trong quá trình thực hiện. Có như vậy, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mới có thể thực sự góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân, tạo nên động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với một thế hệ hội viên nông dân có tư duy đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.