Chuyện nhà nông

Cuộc sống nông dân sau ngày Thống nhất: "Được như hôm nay là quá tốt”

Anh Kiều - Vân Nguyễn - 11:10 26/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Sứ, một lão nông gần 70 tuổi sống ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, người đã từng trải đời làm nông qua 2 chế độ. Ông Sứ nhớ lại, trước năm 1975, cuộc sống người dân rất khó khăn, bị dồn dân vào ấp chiến lược, ruộng vườn bị bỏ hoang, còn thanh niên trên 18 tuổi phải chạy vào chùa đi tu vì sợ bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt đi lính...

Gần 50 năm từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc sống của người dân nhất là những người nông dân (ND) thành phố mang tên Bác đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Nông dân đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, được quan tâm chăm lo về tư liệu sản xuất, dạy nghề, vốn làm ăn… Nhà nông, nhất là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) là những tác nhân chính thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh.

Người nông dân được quan tâm, chăm lo cuộc sống

Ông Nguyễn Văn Sứ, một lão nông gần 70 tuổi sống ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM kể lại câu chuyện của gia đình mình, vốn là một gia đình nông dân nghèo trong khoảng thời gian miền Nam còn bị quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hoà nắm giữ. Ông Sứ nhớ lại lúc đó cuộc sống người dân rất khó khăn bị dồn dân vào ấp chiến lược, dẫn đến ruộng vườn bị bỏ hoang. Thanh niên trên 18 tuổi phải chạy vào chùa đi tu vì sợ bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt đi lính. Vào thời điểm đó, mỗi chùa có từ 300 - 400 người đi tu, khi đó ông Sứ mới 11-12 tuổi, đã tham gia cách mạng với công việc đưa thư cho các cô chú trong chiến khu.

Ông Nguyễn Văn Sứ là nông dân có thâm niên 33 năm sinh hoạt tại Hội ND xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP. HCM

“Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Chính quyền cách mạng đã giao lại ruộng đất cho người dân canh tác. Người dân đã khai hoang phục hóa đất , nơi nào có bom mìn thì báo để chính quyền xuống tháo gỡ cho mọi người yên tâm canh tác. Tôi còn nhớ từ khi có Chỉ thị 100 của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ra đời, đời sống người dân nói chung và ND nói riêng mới có cuộc sống khởi sắc lên. Thời điểm này, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, đoàn thể trong đó có Hội ND… thực hiện nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước lo cho ND, nên đời sống được cải thiện đáng kể, có thể nói được như ngày hôm nay là quá tốt” - ông Sứ nói.

Hàng ngày xem chương trình thời sự, ông Sứ thấy Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản như gạo, thanh long, nhãn bán ra nước ngoài thu về nhiều ngoại tệ cho đất nước, ND giờ làm nông không còn vất vả vì có máy móc hỗ trợ. Nông dân giờ làm ăn lớn, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt hàng trăm triệu, đến tiền tỷ, ông Sứ rất khâm phục và ngưỡng mộ. Làm nông dân qua hai chế độ và trải qua các thời kì khác nhau, ông Sứ cảm nhận được cuộc sống ấm no, hạnh phúc và ngày càng văn minh, hiện đại của đất nước.

Ông Sứ nhớ lại khoảng thời gian làm nông vất vả trước đây, dù có đất nhưng trồng trọt, chăn nuôi đều thua lỗ, nhà nào cũng cùng cảnh nghèo đói. Trước đây một thôn có 10 người thì hết 8 người nghèo, chỉ có 1-2 người kha khá do tài sản ông bà tích lũy để lại. Năm 1990, ông Sứ tham gia là hội viên ND của Hội ND xã, từ đó đến nay ông luôn được Hội ND cho đi học nhiều lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng cây, chăn nuôi cho năng suất cao theo cách cầm tay chỉ việc, rồi lại được hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất… Hiện gia đình ông Sứ cũng thực hiện chuyển đổi cây trồng chuyển sang trồng mướp, với diện tích hơn 6.000m2 cho doanh thu gần 200 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí, ông còn khoản thu nhập  gần 100 triệu đồng/năm.

“Gia đình tôi có 6 người con, 3 đứa đều theo nghề nông của ông cha. Bản thân tôi có thâm niên 33 năm là hội viên ND của Hội ND xã, các con tôi cũng là hội viên ND. Vào tổ chức Hộ, chúng tôi được quan tâm rất nhiều, được đi học các lớp dạy về trồng trọt, chăn nuôi, về ứng dụng KHKT, công nghệ, giúp vay vốn phát triển sản xuất nên cuộc sống của gia đình các con ngày càng khấm khá…”- ông Sứ cho hay.

ông Nguyễn Văn Hoàn bên vườn lan Denderobium áp dụng công nghệ 4.0 cho thu nhập hàng tỷ đồng

Một trong những ND được hưởng lợi từ chính sách Nhà nước đó là ông Nguyễn Văn Hoàn, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, người chuyên trồng lan Dendrobium các loại. Ông Hoàn cho biết: Trước đây ông được vay vốn từ Hội ND xã 400 triệu đồng để nâng diện tích trồng lan từ 1.000m2 lên 4.000m2. Đến nay, vườn lan đã mở rộng 12.000m2, cho doanh thu hàng năm đạt khoảng 6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên nhiều lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước. Mô hình sản xuất hoa lan của gia đình tôi được xem là hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đô thị phù hợp trong điều kiện hiện nay…

Nhờ được chăm sóc tỷ mỷ, công phu và áp dụng công nghệ hiện đại, vườn lan của ông Hoàn phát triển tốt, cho ra hoa đẹp, được khách hàng ưa chuộng, thương lái đến tận vườn thu mua sản phẩm nên ông phải không lo về đầu ra. Với mô hình trồng lan mang lại giá trị kinh tế cao, ông Nguyễn Văn Hoàn đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020, có đóng góp vào chương trình chăm lo an sinh xã hội, giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững tại địa phương.

Theo báo cáo của Hội ND huyện Bình Chánh, hiện Hội có 1.753 hội viên, có 3.275 hộ nông dân được hỗ trợ vốn vay làm kinh tế với số tiền 118 tỷ đồng, trong đó có  3.136 lượt hộ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Toàn huyện hiện có 40 gương nông dân giỏi tiêu biểu, 1 nông dân Việt Nam xuất sắc, 2 hội viên nhận Bằng khen Thủ tướng; 25 sản phẩm được tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” cấp thành phố và có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp thành phố. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới và vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân Chương Lao động hạng III.

Nhờ bắt nhịp với các tiến bộ khoa học công nghệ và chủ động ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, những nông dân thời nay của Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động thay đổi tư duy, cách làm để tiếp cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh. Từ những kiến thức có được, họ đã từng bước tối ưu hóa quy trình sản xuất, chủ động nâng cao chất lượng, giá trị và vùng phủ sóng của nông sản, góp phần cải thiện đời sống, làm giàu từ chính đồng đất quê hương.

Ông Mai Ngươn Khánh, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Bình Chánh, TP. HCM cho biết: Sự bùng nổ về công nghệ đã tạo môi trường thuận lợi cho ND khi các đầu ra sản phẩm được mở rộng hơn thông qua các kênh mua bán trực tuyến thương mại điện tử, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa… Đó là những thành công bước đầu của ND thành phố thời đại Công nghiệp 4.0. Đây là tiền đề căn bản để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong tương lai.

Thời gian tới, Hội ND huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền, tập huấn chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ mới, khuyến khích ND ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm. Hội cũng sẽ hỗ trợ ND đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử Potsmat.vn, đổi mới sáng tạo, hội nhập và quyết tâm tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Các cấp Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho bà con ND để phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh.

ND thành phố được hưởng nhiều chính sách từ Hội ND

Theo báo cáo của Hội ND Thành phố, hiện TP. Hồ Chí Minh có 113.634ha đất nông nghiệp, đóng góp GRDP hàng năm của ngành Nông nghiệp khoảng 1% GRDP toàn  thành phố; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 70 triệu đồng/người/năm. Hội viên nông dân đã thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đề ra là “tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực” với những sản phẩm chủ lực và sản phẩm tiềm năng như rau, hoa, cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh...

Hội ND TP.Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội tập trung nhiều giải pháp, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tổ chức Hội ngày càng vững mạnh và phát triển. Trong đó việc đẩy mạnh phong trào ND thi đua SXKD giỏi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững luôn được Hội các cấp quan tâm và triển khai thực hiện. Nổi bật trong hoạt động dạy nghề, hỗ trợ vốn và giải quyết việc làm được các cấp Hội phát động là mô hình “Nông dân dạy nông dân”, “Nông dân khá giúp nông dân khó” đã phát huy vai trò của ND SXKD giỏi trong việc hỗ trợ hội viên, ND vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ đó, đã có hơn 69.230 lượt hội viên, ND được giúp đỡ việc làm; hơn 16.864 lượt hộ hội viên, ND được giúp đỡ vốn, giống cây, giống con và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.

Hoa lan là một trong những sản phẩm chủ lực và thể hiện rõ tính đặc thù của nông nghiệp đô thị của TP.HCM.

 Ngoài ra, Hội ND Thành phố còn tạo điều kiện cho hội viên, ND tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Thành phố. Kết quả, đã giải ngân cho 67.746 lượt hộ vay hơn 1.410 tỷ đồng, trực tiếp giải quyết việc làm cho hơn 38.000 lao động nông thôn, giúp nông dân mở rộng mô hình sản xuất, trang bị máy móc, phương tiện sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau gần 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đời sống người ND TP. Hồ Chí Minh đã được cải thiện rất nhiều, được chăm sóc mọi mặt. Về lĩnh vực an sinh xã hội, Hội ND TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa nhân văn cao như: Chương trình “Tết Nghĩa tình”; hỗ trợ sổ tiết kiệm nghĩa tình cho hội viên ND bị bệnh nan y; trao tặng phương tiện sinh kế, công cụ sản xuất các loại cho hội viên ND nghèo; xây dựng, sửa chữa nhà tình thương; suất học bổng Lương Định Của cho con em hội viên ND; tặng con giống các loại; thẻ BHYT; hỗ trợ hộ ND vay vốn không lãi và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác