Đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung đầu tư "làm mới" các sản phẩm du lịch
Ngày 5/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Đối với lĩnh vực du lịch, Nghị quyết xác định đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm hiệu quả và phát triển bền vững; tập trung đầu tư "làm mới" các sản phẩm du lịch; đổi mới các hoạt động quảng bá, xúc tiến, truyền thông, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.
Đồng thời, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ; thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng cường ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch.
Trên cơ sở thế mạnh của mình, các địa phương đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành "công nghiệp không khói," góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Đầu tư các sản phẩm đặc thù
Là một trong những điểm đến du lịch sôi động của cả nước, năm 2024, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 44 triệu lượt khách trong nước và quốc tế.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa, phát triển đa dạng các sản phẩm như du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị), du lịch văn hóa, sinh thái, y tế, du lịch gắn với mua sắm, du lịch đường thủy, ngành du lịch Thành phố tiếp tục "làm mới," hoàn thiện các sản phẩm từ thế mạnh mỗi địa phương.
Đến nay, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã công bố trên 40 sản phẩm từ chương trình "Mỗi quận, huyện ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng."
Thời gian tới, các địa phương tiếp tục hoàn thiện, giới thiệu các sản phẩm du lịch theo hướng tăng tính hấp dẫn, đa dạng hoạt động trải nghiệm cho du khách.
Các sự kiện mang tính điểm nhấn liên tục được tổ chức trong năm để thu hút du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, dự kiến tháng 3/2024, Lễ hội Áo dài sẽ diễn ra. Tháng 4 có Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6 diễn ra Lễ hội Sông nước. Tháng 9 có Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE HCMC) và Tuần lễ du lịch Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức tháng 12.
Thành phố triển khai phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch đường thủy, sản phẩm du lịch y tế, du lịch quanh sân bay Tân Sơn Nhất..., Thành phố tập trung triển khai các chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch với chủ đề "Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Sống động từng trải nghiệm" trên các kênh của ngành Du lịch, các kênh online, mạng xã hội, các ứng dụng du lịch.
Ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ có nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nổi bật như Làng du lịch Mỹ Khánh, Vườn cacao Mười Cương, Điểm du lịch cộng đồng Cồn Sơn, Vườn trái cây 9 Hồng, các điểm du lịch bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, các làng nghề truyền thống...
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch, năm 2024, Cần Thơ sẽ thúc đẩy kinh tế đêm gắn với hoạt động du lịch, tạo nét riêng, thu hút du khách đến thành phố Tây Đô.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, các địa phương ở Cần Thơ chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, giới thiệu các sản phẩm mới từ thế mạnh.
Quận Ninh Kiều tập trung khai thác thế mạnh du lịch MICE. Quận Cái Răng phát huy thế mạnh du lịch sông nước, chợ nổi. Quận Bình Thủy phát triển du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa. Huyện Phong Điền khai thác tiềm năng trở thành đô thị sinh thái.
Với du lịch Xứ Dừa Bến Tre, các sản phẩm du lịch được làm mới, bổ sung từ thế mạnh có gần 60 làng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng, chế biến cá khô, nấu rượu, làm kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng và trên 240 sản phẩm OCOP, 18 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia hoặc quốc gia đặc biệt cùng nhiều di tích cấp tỉnh.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre khẳng định muốn thu hút du khách, sản phẩm du lịch phải liên tục tạo được sức hấp dẫn mới.
Trong năm 2024, tỉnh dự kiến tổ chức Lễ hội Dừa, Lễ hội Hoa kiểng, Lễ hội Tôm càng xanh, vừa thúc đẩy phát triển các ngành nghề thế mạnh của tỉnh, vừa phát triển đa dạng sản phẩm du lịch từ đặc thù địa phương.
Định hướng phát triển xanh, bền vững
Điểm nổi bật trong đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch hiện nay là theo định hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường, tạo sinh kế phù hợp cho cộng đồng, khai thác gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa.
Tại Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng ở địa phương.
Đầu năm 2024, tỉnh thông báo công khai Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030.
Khai thác lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, gắn bảo tồn thiên nhiên, tài nguyên rừng với phát triển du lịch, xây dựng mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, Đồng Nai thể hiện rõ định hướng phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa tỉnh Đồng Nai có diện tích trên 100.000ha với các hệ sinh thái chính như: rừng kín thường xanh cây lá rộng, rừng hỗn giao tre nứa và cây lá rộng, rừng tre nứa thuần loài, trảng cỏ-cây bụi và hệ sinh thái ven sông hồ.
Do đó, Khu Bảo tồn tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với tài nguyên rừng, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ, du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử và văn hóa cộng đồng các dân tộc, du lịch chuyên đề nghiên cứu, học tập...
Tỉnh Đồng Nai đề ra nhiều giải pháp quan trọng bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học như trồng rừng mới, trồng bổ sung vào những diện tích rừng mật độ thấp, khoanh nuôi, tái sinh rừng.
Tỉnh xây dựng mạng lưới giám sát, quan trắc đánh giá tài nguyên rừng, tài nguyên sinh thái hồ, thường xuyên giám sát các hoạt động du lịch sinh thái trên diện tích rừng, bảo đảm các hoạt động không ảnh hưởng đến tài nguyên, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường.
Với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết phát triển du lịch xanh, Bà Rịa-Vũng Tàu chọn huyện Côn Đảo - điểm đến đang có sức hút lớn với du khách để triển khai lồng ghép mô hình du lịch xanh vào thực hiện kinh tế tuần hoàn, xem đây là mô hình mẫu ở địa phương.
Tỉnh có Đề án nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo, bảo vệ môi trường xanh với tầm nhìn phát triển Côn Đảo thuận tự nhiên, carbon thấp, hướng đến là điểm du lịch bền vững, đẳng cấp thế giới.
Một trong những giải pháp quan trọng được triển khai là phát triển du lịch bền vững gắn với áp dụng kinh tế tuần hoàn, xây dựng các cơ sở lưu trú, hệ thống khách sạn theo nguyên lý tuần hoàn, thông qua xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí, công cụ đo lường "dấu chân sinh thái" và "dấu chân carbon" trong cơ sở lưu trú.
Tỉnh quy hoạch theo từng khu vực cụ thể, gồm: khu vực duy trì phát triển du lịch đại chúng; khu vực phát triển du lịch chất lượng cao từng bước áp dụng theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn; khu vực phát triển du lịch chất lượng cao tuân thủ nghiêm ngặt nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với chiến lược không rác thải, chiến lược tuần hoàn nước và phát triển sử dụng hiệu quả năng lượng.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng nghiên cứu và xây dựng mức phí điểm đến cho Côn Đảo trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí xử lý rác do du khách mang đến, chi phí bảo vệ môi trường, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên của Côn Đảo và chi phí duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng phục vụ du khách.
Côn Đảo đã thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp với các hoạt động du lịch, tạo thành điểm đến du lịch nông nghiệp, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ.
Đồng thời, địa phương tận dụng nguồn chất thải hữu cơ từ hoạt động du lịch cho sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường./.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới