Đưa Việt Nam thành một trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm hàng đầu tại khu vực
Hợp tác công – tư là chìa khóa thành công trong triển khai Đề án 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp
Chiều 30/1 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) và Tổ chức Tăng trưởng châu Á tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Đối tác công - tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai Đề án 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp”.
Mục tiêu của Tọa đàm Đối tác công - tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai Đề án 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp là xác định cơ chế hữu hiệu để huy động sự tham gia của các bên chung tay xây dựng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV) và thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp một cách hiệu quả.
Ngoài ra, tọa đàm cũng thảo luận về vai trò của các bên có liên quan và các tác nhân trong chuỗi lúa gạo và ghi nhận các ý kiến cũng như thống nhất kế hoạch hoạt động triển khai đề án 1 triệu héc ta lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, cuối cùng là nêu ra các hành động ưu tiên trong ngắn hạn và dài hạn.
Tham dự chương trình tọa đàm còn có đại diện đồng trưởng Nhóm khối công và khối tư các nhóm ngành hàng PPP; CEO các tập đoàn, công ty đa quốc gia, doanh nghiệp nông nghiệp trong nước đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu lúa gạo...
Tọa đàm hợp tác công tư trong phát triển Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp.
Các tham luận tại Tọa đàm tập trung xác định cơ chế hữu hiệu để huy động sự tham gia của các bên chung tay xây dựng Mạng lưới lương thực thực phẩm và thực hiện Đề án 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp một cách hiệu quả; vai trò của các bên có liên quan và các tác nhân trong chuỗi lúa gạo, đồng thời đóng góp ý kiến và thống nhất kế hoạch hoạt động triển khai đề án 1 triệu héc ta lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như các hành động ưu tiên ngắn hạn và dài hạn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam xác định “là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Trong đó sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất trọng điểm, không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm quốc tế. Việt Nam là một trong số các nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Vị thế của ngành Lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao.
Để triển khai Đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Việt Nam cần huy động các nguồn lực và tiến bộ kỹ thuật, một trong các công cụ quan trọng là “Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo lương thực, thực phẩm” tại Việt Nam được thành lập theo sáng kiến của Diễn đàn kinh tế Thế giới, với mục tiêu liên kết các mạng lưới đổi mới trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Hợp tác công tư là chìa khóa triển khai thành công Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp"
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm” sẽ giúp mở rộng quy mô và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành Nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung để trở thành một cường quốc nông sản thực phẩm “xanh”, bền vững và ít phát thải. Ngành hàng lúa gạo được ưu tiên tập trung vào như một ví dụ điển hình khi triển khai Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam.
Bên cạnh các nỗ lực từ phía các cơ quan của Chính phủ để phát triển các chính sách mở, tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển nông nghiệp Xanh và bền vững, chúng tôi rất coi trọng vai trò tham gia và đồng hành của khu vực tư nhân, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong nước và quốc tế. Hợp tác công - tư hiệu quả và sự hỗ trợ từ các đối tác sẽ là chìa khóa thành công cho Đề án”.
Cam kết cùng đồng hành với Việt Nam và các đối tác trong triển khai Đề án 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, ông Paavo Eliste - Quản lý Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ: “Có rất nhiều tiềm năng từ thực hiện Đề án mới này để thúc đẩy hoạt động về đổi mới, sáng tạo và huy động các nguồn tài chính các-bon, áp dụng công nghệ số, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân theo phương thức chưa từng có trước đây để mở rộng khả năng tiếp cận với thị trường. Trong đó có việc tiếp cận vào những thị trường tiềm năng hơn của toàn cầu. Việc thực hiện thành công đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao không thể đạt được nếu chỉ có các cơ quan từ phía Chính phủ mà phải có sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân”.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các địa phương đã có những nguồn lực tài chính và phi tài chính, điều cần làm hiện nay là tranh thủ nguồn lực đó, cùng với sự ủng hộ tại cơ sở để tăng cường tính liên kết của các HTX, đóng góp vào quá trình triển khai Đề án.
Các diễn giả tham gia Tọa đàm.
Nhất trí cao với ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc chuyển từ cam kết sang hành động, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, các hành động này cần mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, sát với thực tế hơn để đem lại hiệu quả tốt hơn. "Lộc Trời sẽ đem tất cả những gì đã làm và đang làm về canh tác giảm phát thải để đóng góp vào sự thành công của Đề án, vì mục tiêu xuyên suốt của chúng tôi là "Cùng nông dân phát triển bền vững", ông Thòn nhấn mạnh và cho rằng Đề án là một cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo khi tất cả đi cùng một hướng.
Bên cạnh tọa đàm, sự kiện chiều 30/1 cũng cung cấp thông tin về "Mạng lưới Kết nối đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm" để hỗ trợ Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải.
Trước bối cảnh ngành Lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Chúng tôi cần huy động các nguồn lực và tiến bộ kỹ thuật, một trong các công cụ quan trọng là Mạng lưới Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV) được thành lập theo sáng kiến của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF)".
Mục tiêu của FIHV là liên kết các mạng lưới đổi mới trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh. Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng, FIHV sẽ giúp mở rộng quy mô và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành Nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung để trở thành một cường quốc nông sản thực phẩm “xanh”, bền vững và ít phát thải.
Hiện nay, vị thế của ngành Lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết, không chỉ từ những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới về gạo Việt. Lúa gạo là một trong những ngành có kinh ngạch xuất khẩu lớn, năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu tấn, với kim ngạch gần 4,7 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh ATTP, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải.
Doanh nghiệp với chuyển đổi Xanh và đổi mới sáng tạo trong ngành Nông nghiệp
Trong khuôn khổ Hội nghị Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, sáng 31/1 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị toàn thể Nhóm đốc tác công – tư với chủ đề: “Doanh nghiệp với Chuyển đổi Xanh và Đổi mới sáng tạo trong ngành Nông nghiệp”.
Các tham luận tại hội nghị cùng nhau chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc thúc đẩy hợp tác, tăng cường đầu tư vì “một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường” góp phần đưa Việt Nam thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm hàng đầu tại khu vực. Theo ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành Nông nghiệp đang chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản, hướng tới những “giá trị xanh” để tạo ra các sản phẩm có giá trị tăng cao, dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng, kết nối với chuỗi lương thực thực phẩm toàn cầu.
Thứ trưởng Hoàng Trung: "Bộ Nông nghiệp và PTNT kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế trong phát triển nông nghiệp bền vững".
Thực hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về việc phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sinh thái, trung hòa các bon bên cạnh mục tiêu an ninh lương thực. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp, đi liền với việc “tri thức” hóa nông dân. Bộ NN&PTNT đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào chuỗi sản xuất, chế biến, dự trữ, hậu cần và kinh doanh nông lâm thủy sản tại Việt Nam:
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và là trung tâm là trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm cao hơn không chỉ về tăng trưởng kinh tế mà cả các vấn đề xã hội và môi trường. Để triển khai hiệu quả Đề án Mạng lưới đối mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là những đơn vị có kinh nghiệm và chuyên môn về đổi mới sáng tạo.
Các đại biểu cho rằng, thiên tai, dịch bệnh, xung đột địa chính trị đã và đang gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe, kinh tế, an sinh xã hội ở quy mô toàn cầu. Kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, đến nay, thế giới đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khó lường trong lịch sử hội nhập kinh tế quốc tế hiện đại. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn; sản xuất lương thực, an ninh lương thực bị ảnh hưởng, đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt cuộc sống của những người nghèo, những đối tượng yếu thế, những người dễ bị tổn thương… đang gặp nhiều khó khăn. Tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm, đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã và đang là những thách thức lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho 7,9 tỷ dân trên toàn thế giới.
Để giải quyết các vấn đề này, hệ thống lương thực thực phẩm cần phải đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong đó, thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết, từ đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để tái cơ cấu, chuyển đổi lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sinh thái và bền vững.
Hội nghị toàn thể các Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Đại diện các đối tác trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, bà Beverley Postma - Giám đốc Điều hành Tổ chức Tăng trưởng châu Á cho biết, với mạng lưới kết nối với 600 đối tác ở nhiều quốc gia trong đó có nhiều tổ chức đang hoạt động tại Việt Nam, Tổ chức Tăng trưởng châu Á cùng với nguồn quỹ hỗ trợ cho các hoạt động và những tác nhân tham gia chuỗi giá trị trong nông nghiệp sẽ góp phần đảm bảo hành động của các quốc gia trong phát triển nông nghiệp một cách bền vững:
“Muốn giải quyết những thách thức này trong thời gian tới cần có sự chuyển đổi mang tính cấp bách. Nguồn quỹ của chúng tôi đóng vai trò như là những cơ chế mang tính kết nối giữa khối công – tư. Chúng tôi đang hợp tác với nhiều đối tác khác tại Bộ NN&PTNT để có thể triển khai những quỹ này một cách chiến lược và xác định những ưu tiên cấp bách cần cung cấp cho người nông dân. Chúng tôi rất tự hào hỗ trợ cho Bộ NN&PTNT trong hành trình của mình hướng tới nền nông nghiệp minh bạch cũng như một hệ thống thực phẩm bền vững hơn” - bà Beverley Postma nói.