Buôn bán trái phép động vật hoang dã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học toàn cầu
Trong 5 năm (2015 - 2020), ENV đã ghi nhận 9.239 vụ vi phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam và gần 25.000 các vi phạm đơn lẻ, từ các vi phạm ít nghiêm trọng như nuôi nhốt động vật hoang dã làm thú cưng hoặc quảng cáo các sản phẩm làm từ ngà voi trên Internet, đến các vụ bắt giữ với số lượng lớn sừng tê giác, vảy tê tê, cá thể hổ…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết: Theo thống kê từ ENV, TP. HCM là một trong những địa phương ghi nhận tình trạng vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã lớn nhất trên cả nước. Việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã trên địa bàn đã và đang được tăng cường đáng kể qua các năm. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của cơ quan chức năng, thái độ không khoan nhượng đối với tội phạm động vật hoang dã.
Buôn bán trái phép động vật hoang dã không chỉ gây tổn hại đến nền đa dạng sinh học của đất nước, gia tăng nguy cơ lan truyền dịch bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền đa dạng sinh học toàn cầu và hình ảnh của Việt Nam với quốc tế.
Những năm gần đây, số lượng các vụ án hình sự liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã tiếp tục gia tăng, tỷ lệ số vụ án được đưa ra xét xử đạt mức đáng kể. Năm 2021 có 3.703 vụ vi phạm về động vật hoang dã. Việc xử lý nghiêm vụ án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Hiện nay, Việt Nam vẫn bị đánh giá là quốc gia trung chuyển và là thị trường tiêu thụ động vật hoang dã lớn trên thế giới. Công tác xử lý đối với hàng tấn động vật hoang dã vận chuyển trái phép qua khu vực cảng biển, cảng hàng không vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực và tồn đọng nhiều vấn đề.
Từ năm 2008 đến nay có hơn 60 tấn động vật hoang dã được vận chuyển trái phép qua các khu vực cảng biển vào Việt Nam và đưa đi tiêu thụ, nhưng chưa có bất cứ đối tượng nào đứng sau hơn 60 tấn động vật hoang dã này bị xử lý. Đây là thách thức rất lớn và chưa được các cơ quan chức năng quan tâm và xử lý triệt để.
Thời gian qua, đã hình thành nên các đường dây tội phạm liên quan đến người Việt Nam ở châu Phi chuyên thu gom, vận chuyển trái phép hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác về Việt Nam và đưa đi tiêu thụ trong, ngoài nước.
Từ thực trạng trên, ENV đề xuất chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng thực hiện một số giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam: Tăng cường quản lý các cơ sở bảo tồn và các cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm không vì mục đích thương mại. Nghiêm trị các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép. Quy định và quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại. Giảm thiểu nguy cơ bùng phát đại dịch trong tương lai do thói quen tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm về động vật hoang dã. Nghiêm cấm mọi hình thức kinh doanh động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm có liên quan đến động vật hoang dã trên Internet.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) được thành lập vào năm 2000, là một trong những tổ chức xã hội đầu tiên về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Mục tiêu hoạt động của ENV là chấm dứt tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép và nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã. Ngoài ra, ENV còn phối hợp chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường thể chế, chính sách. Đồng thời, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam và toàn cầu…
ENV tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động mang tính chiến lược:
- Phối hợp với các nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường thể chế, khắc phục lỗ hổng pháp luật và khuyến khích thực thi hiệu quả các chính sách bảo vệ động vật hoang dã;
- Tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật thông qua việc trực tiếp hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác ngăn chặn và đẩy lùi các vi phạm về động vật hoang dã;
- Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã thông qua các chiến dịch dài hạn, bền vững nhằm tác động tới nhận thức và hành động của cộng đồng cũng như khuyến khích người dân tham gia bảo vệ động vật hoang dã bằng cách thông báo các vi phạm có liên quan.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới