Góc nhìn

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ rất cao quý của báo chí

Ngô Chức (thực hiện) - 09:22 21/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - “...Nếu có đạo đức nghề nghiệp thì bạn chống tiêu cực thế nào đi nữa, bạn cứ làm đúng, càng làm đúng thì bạn càng được tôn trọng và được coi là người anh hùng... Theo tôi, nếu đã muốn phản biện xã hội thì kể cả là tạp chí hay báo thì đều có thể tham gia được bằng những hình thức khác nhau...”

Đó là những trao đổi của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, (báo Nông thôn ngày nay) với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới về vai trò giám sát, phản biện của báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong những chuyến công tác.

Chào Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, trong thời đại công nghệ số, khi mỗi người dân chỉ với một chiếc smartphone trong tay có thể tác nghiệp phản ánh những bất cập, tiêu cực giống một phóng viên, theo anh vai trò của báo chí sẽ thay đổi như thế nào?

Theo tôi, có lẽ giống là họ có thể đăng tải cái mà họ gọi là tác phẩm để đưa lên một nền tảng. Họ truyền tải dữ liệu của mình đến đông đảo mọi người tuỳ theo cái sức mạnh, sự nổi tiếng và sự lan toả mà tài khoản mạng xã hội của họ đang có. Tất cả những điều này khiến công chúng có cảm giác rằng một người bình thường có thể đưa tin giống như một nhà báo. 

Với phóng viên, nhà báo họ cũng phát ra thông tin, cũng là nguồn phát để đưa đến công chúng. Nhưng họ làm rất bài bản, có sự kiểm tra, có sự biên tập, họ được đào tạo bài bản và tôi rèn trong một thể chế, một chính Đảng, trong quan điểm báo chí rất rõ ràng. Báo chí phụng sự cho nền tảng tư tưởng của mình, cho đất nước mà mình đang sinh sống, cho dân tộc mình đang hướng tới. Đó là tính chuyên nghiệp, tính đạo đức rất rõ ràng. Khi họ đưa tin, họ có giá trị định hướng dư luận rất chuyên nghiệp.

Còn đối với người bình thường, có thể họ viết rất hay, có thể rất đúng nhưng cũng có thể là thông tin chưa được kiểm chứng. Đó là cái khác của báo chí và tôi khẳng định là không thể thay thế được. 
Chúng ta có thể đề phòng các mạng xã hội tai tiếng nhưng cũng có những tài khoản mạng xã hội rất uy tín và làm được nhiều điều tốt cho cộng đồng. Chúng ta phải ghi nhận tính hai mặt của nó, khách quan nhìn vào thế mạnh của mỗi một thể loại trong truyền thông. Tất cả các loại hình chúng ta đều tôn trọng nếu như họ hoạt động theo đúng luật pháp. 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ kinh nghiệm làm báo với sinh viên ngành báo chí.

Có quan điểm: “Xưa đọc báo để thêm tri thức, nay có tri thức mới đọc báo”. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào? 

Tôi nghĩ rằng thời nào cũng thế thôi, chúng ta đọc thông tin ở bất kỳ nguồn nào cũng phải có một tư duy cũng như kỹ năng để tìm một cách hiểu đúng nhất. Ngay cả thông tin đúng, nguồn tin chính xác cũng phải có tư duy, hành động, có lý tưởng sống, có cách vận dụng thông tin đấy làm sao cho suy nghĩ của mình được tốt đẹp hơn. Còn quan điểm: “Xưa đọc báo để thêm tri thức, nay có tri thức mới đọc báo”, tôi nghĩ rằng cũng có một phần đúng. Ở đâu đó, thông tin còn thất thiệt, ở đâu đó còn phụ lòng niềm tin của độc giả khi đưa những thông tin một chiều, đưa những thông tin chưa kiểm chứng, đưa những thông tin sai sự thật. Bằng chứng là chúng ta liên tục có những cơ quan báo chí bị xử lý, thậm chí bị đình bản, hay có những nhà báo bị khởi tố, bị bắt giam. 

Tôi nghĩ rằng trong xã hội nào cũng thế và trong ngành nào cũng thế, cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Chúng ta luôn luôn phải tự làm mới mình, giữ gìn đạo đức và trau dồi nghiệp vụ. Đấy là điều dĩ nhiên. 

Tuy nhiên, ở góc độ độc giả thì quả thật người ta phải có sự thanh lọc ở trong đầu. Báo chí mà có niềm tin đăm đắm, niềm tin hết lòng của độc giả thì họ phải giữ mình rất nhiều. Có thể là cả đời cẩn thận nhưng cuối cùng thì vẫn có những thông tin sai lầm, những thông tin chưa chính xác. Nó sẽ mang tiếng cho cá nhân nhà báo, cho cơ quan báo chí đấy, thậm chí cho nền báo chí. Thế cho nên, chúng ta phải học bài học trau dồi đạo đức, bài học tự làm mới mình, bài học cập nhật với các vấn đề của thời đại, học thêm những kiến thức mới. Tôi rất thích câu mà ở đầu ngõ nhà tôi treo, ngày nào đi qua tôi cũng đọc là “Sự học nó như đi trong dòng nước ngược, không tiến thì ắt phải lùi”.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh minh họa

Thực tế hiện nay, một số nhà báo viết bài phản biện và giám sát xã hội lại dễ bị xem là “đếm tầng, đánh đấm, bóp cổ doanh nghiệp”. Vậy theo anh, các tòa soạn, phóng viên nên tác nghiệp như thế nào để thực hiện đúng nghĩa vai trò giám sát, phản biện xã hội?

Tôi nghĩ rằng việc phản biện chính sách, chống tiêu cực, giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ rất cao quý của báo chí. Báo chí không chỉ đưa tin, phân tích, định hướng dư luận mà quan trọng là họ có những chính kiến, những phản biện, đóng góp để (nếu cần sẽ) góp phần cải thiện những suy nghĩ, những điều luật, những hành động trong xã hội, vì một xã hội tốt đẹp hơn. Tôi nhấn mạnh là phải nỗ lực phân tích, phản biện một cách tận tâm cầu thị vì một xã hội tốt đẹp hơn. 

Thế vậy, đâu là lằn ranh giữa “đếm tầng, đánh đấm và bóp cổ doanh nghiệp” với việc phản biện xã hội. Tôi nghĩ, lằn ranh nó là câu chuyện đạo đức. Nếu như tôi viết bài phản ánh những ngôi nhà xây sai quy hoạch, làm sai số tầng đã quy định, tôi sẽ đi đếm tầng đàng hoàng. Tôi tố cáo người nào bảo kê cho việc đấy, người nào xây dựng vô lối, thậm chí kiến trúc sư trưởng đưa ra những quy định về tầng cao, tầng thấp, về số tầng được phép xây dựng trong một khu đô thị đã hợp lý hay chưa. Tôi còn sử dụng những kiến thức, những quy định ở nước ngoài để phản biện lại cả quy hoạch của một thành phố. 

Và tôi sẽ đặt máy quay lén những hành vi đút lót, thậm chí hành vi nhà báo tống tiền tại cơ sở, tôi hoàn toàn có thể đưa tin. Tôi cũng đối thoại với chủ tịch xã, chủ tịch phường, huyện, tỉnh và thanh tra xây dựng. Nhưng tôi không bị gọi là “đếm tầng” theo cái nghĩa mà bạn hỏi. Bài báo của tôi có thể đưa một giám đốc doanh nghiệp từ một Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới ra trước vành móng ngựa bởi vì những sai phạm của họ. Tôi có thể đưa thông tin quá khứ của họ lên để thấy sai phạm của họ là một quá trình dài và cơ quan chức năng đã không xử lý, đã thờ ơ, vô trách nhiệm để đến nỗi hậu quả bây giờ quá lớn. Tôi hoàn toàn có thể đưa lên việc đó mà không mang tiếng là “bới móc đời tư”, “bóp cổ doanh nghiệp”, khi tôi làm đúng quy định của pháp luật, vì một xã hội tốt đẹp hơn, không bóp méo, không tư lợi, không thù oán cá nhân. 

Vậy giữa “đếm tầng, đánh đấm, bóp cổ doanh nghiệp” với việc phản biện xã hội nó cách nhau một thứ thôi, đó là đạo đức của người cầm bút. Nếu có đạo đức nghề nghiệp thì bạn chống tiêu cực thế nào đi nữa, nhà báo cứ làm đúng, càng làm đúng nhà báo càng được tôn trọng và được coi là người anh hùng. Nếu nhà báo làm hoặc không làm mà tư lợi thì đều có thể bị bắt. 

Theo anh, việc phân biệt báo - tạp chí với phân ngành dọc “tôn chỉ, mục đích” có những ưu điểm và hạn chế nào tham gia phản biện xã hội của báo chí hiện này?

Đây là câu chuyện của các nhà quản lý báo chí. Theo tôi, nếu đã muốn phản biện xã hội thì kể cả là tạp chí hay báo thì đều có thể tham gia được bằng những hình thức khác nhau. Thậm chí, bạn chỉ là một công dân trong xã hội bạn cũng có thể tham gia phản biện xã hội rồi. Hay với mạng xã hội của mình, bạn có thể viết theo đúng quy định của Luật An ninh mạng, đúng đạo đức của một công dân và quy định về phát ngôn trên internet, phát ngôn trên cộng đồng bạn hoàn toàn có thể phản biện xã hội và phản biện tốt là đằng khác. Tôi nghĩ rằng, có trình độ, có kiến thức, có tâm huyết, có đạo đức là chúng ta làm được. 

Trân trọng cảm ơn anh!
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác