Đặc sản quê

Hà Tĩnh: Thu nhập cao từ loài cây thích ứng với biến đổi khí hậu

Đức Cảnh - 07:35 01/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trên hành trình xây dựng nông thôn mới, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã có cơ hội phát triển cây hồng Yên Du thành sản phẩm OCOP, đây là loài cây dễ trồng, ít công chăm sóc và đặc biệt với khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong những ngày nắng nóng, ngọn đồi của gia đình chị Trần Thị Nguyệt ở thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh vẫn phủ một màu xanh ngắt của cây ăn quả. Được biết, gia đình chị hiện có khoảng 150 gốc hồng giòn đang giai đoạn cho quả, hàng năm mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Chị Nguyệt cho biết, hồng giòn là loại cây dễ trồng, không tốn công chăm sóc như các loại cây ăn quả khác, chỉ cần bón một ít phân lúc cây nhỏ, sau này hồng phát triển tự nhiên. Cây hồng ra hoa vào tháng giêng, thu hoạch quả từ giữa tháng chín âm lịch.

Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất đồi thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang đã phát triển đa dạng các loại cây trồng, như: Cam, ổi, bưởi, chanh…và đặc biệt cây hồng mang lại hiệu quả kinh tế.

Cây hồng giòn phát triển trên đất đổi ở Vũ Quang

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, cho biết: “Trước đây, trên đất vườn đồi, người dân chủ yếu trồng cam, chanh, bưởi, ổi. Nhưng sau khi có chủ trương chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây hồng giòn và thực tế đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Hiện nay, chỉ riêng thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh có 80 hộ trồng hồng giòn với diện tích khoảng 40ha. Năm nay mặc dù thời tiết được dự báo khó lường nhưng tỉ lệ hồng đậu quả cao, dự kiến tổng sản lượng đến vụ thu hoạch ước đạt khoảng 50 tấn.

Tại vườn của gia đình ông Nguyễn Quốc Hoàn có hơn 300 gốc hồng từ một năm tuổi đến hơn 70 năm tuổi. Năm nay có khoảng hơn 80 gốc cho thu hoạch. Theo ông Hoàn, gốc có tuổi đời hàng chục năm sẽ cho thu hoạch trên 3 tạ quả, còn những gốc mới trồng 5 năm thì có khoảng 5-6kg. Năm nay hồng sai quả. Dự tính nếu được giá như năm trước, cuối vụ thu khoảng 200 triệu đồng.

Đặc tính riêng biệt của loại cây này quả không hạt

"Năm ngoái gia đình hái bán được trên 4 tấn hồng. Giá thương lái mua tại vườn từ 35 - 40 ngàn đồng/kg. Khoảng 10 năm trở lại đây hồng bán được giá nên ai cũng phấn khởi, mở rộng trồng thêm. Cây hồng trở thành thứ quả thu nhập chính ở thôn này", ông Hoàn nói.

Theo người dân nơi đây, hồng dòn không hạt nên không thể ươm giống, phương pháp chiết hay ghép cành cũng kém hiệu quả. Vì vậy, các chủ vườn thường chặt rễ tách ra từ cây mẹ, sau đó đào hố sâu khoảng nửa mét, đổ phân chuồng xuống dưới để trồng. Cây sau 5 năm cho quả bói, đến năm thứ 10 mới bắt đầu thu hoạch đại trà. Cây càng lâu năm thì sản lượng và năng suất càng cao.

Ông Trần Hữu Long - Chánh Văn phòng UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, trên những vùng đồi ở Vũ Quang có thời điểm nhiều tháng không đủ nước tưới để trồng các loại cây ăn quả có múi. Trong khi đó hồng giòn không hạt lại là loại cây thích ứng được với điều kiện khí hậu này.

Mặt khác, nguồn thu nhập từ trước tới nay của các hộ chủ yếu là cây cam, cây chanh nhưng chi phí đầu tư lớn, nhiều công chăm sóc. Với giá trị kinh tế của cây hồng như hiện nay, hồng giòn không hạt đang cho hiệu quả kinh tế  hơn hẳn so với các loại cây trồng khác.

Trồng hồng đang là lựa chọn của nhiều hộ dân trước những biến đổi khắc nghiệt của thời tiết

Do đó, sau khi hồng giòn không hạt được trồng kiểm chứng ở thôn Yên Du và phát huy hiệu quả, UBND huyện Vũ Quang cũng đã khuyến khich địa phương mạnh dạn mở rộng diện tích cây hồng. Bên cạnh đó, sớm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để hướng đến phát triển bền vững.

Được biết, trên hành trình xây dựng nông thôn mới của xã Đức Lĩnh, năm 2021- Hồng Yên Du đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là niềm tự hào lớn giúp người trồng hồng nơi đây quyết tâm phát triển loại cây này bền vững, đem lại những sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng.

Niềm tự hào của người dân khi hồng giòn Yên Du được công nhận đạt chuẩn ocop

"Để giúp người dân xây dựng thương hiệu hồng Yên Du, xã đã hỗ trợ lập tổ hợp tác hồng với 10 thành viên. Sắp tới địa phương sẽ quy trình hóa các khâu trong sản xuất như đóng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản vật, giúp các hộ dân trồng hồng có thêm thu nhập", ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh cho biết.

Được biết, hồng giòn không hạt ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh hiện chủ yếu được trồng ở xã Đức Lĩnh và đang được nhân rộng ở các xã Đức Bồng, Đức Hương. Theo nhiều hộ trồng hồng, cây hồng không hạt được đánh giá là loại cây sinh trưởng tốt trên nhiều điều kiện đất và không cần nhiều công đầu tư chăm sóc, tưới tiêu.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác