Hội Nông dân Bắc Kạn: Đa dạng hoạt động hỗ trợ để thu hút, tập hợp hội viên
Nhiều giải pháp thu hút hội viên người dân tộc thiểu số vào Hội
Để thu hút hội viên người dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào tổ chức Hội Nông dân, thời gia qua Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn có nhiều giải pháp tích cực như: Đẩy mạnh tuyên truyền; giáo dục nâng cao kiến thức về chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân; Tập trung dạy nghề theo hướng khởi nghiệp để nông dân lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình. Quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng hình thức thông qua mạng xã hội để học hỏi, nắm bắt, chia sẻ thông tin và tiếp cận nhanh công nghệ thông tin để tiến tới xây dựng các câu lạc bộ nông dân tự nguyện liên kết trong chăn nuôi, sản xuất tiêu thụ hàng hóa…
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cũng chủ động sáng tạo đề ra các giải pháp như nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, đoàn kết tập hợp nông dân, coi trọng chất lượng hội viên; Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ hội theo hướng thiết thực gắn với quyền lợi, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên; Phối hợp tổ chức đưa nông dân đi nghiên cứu, học tập các mô hình phát triển phù hợp trong và ngoài tỉnh để ứng dụng vào sản xuất tại địa phương; Quản lý chặt chẽ các nguồn vốn, quỹ đúng quy định; phối hợp triển khai có hiệu quả công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng tạo sự tin tưởng, đồng thuận cho hội viên.
Sự đổi mới mạnh mẽ và quyết tâm thực hiện đồng bộ các biện pháp gắn chặt với nhu cầu thực tiễn của địa phương, phù hợp thị trường của Hội Nông dân Bắc Cạn tạo đà để hội viên nông dân đồng bào dân tộc ở Bắc Kạn vươn lên làm giàu.
Nhiều mô hình đặc sắc
Tới thăm gia đình ông Triệu Đình Khích (sinh năm 1966, dân tộc Tày ở thôn Nà Vịt, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn) là hội viên nông dân đã vượt khó đi lên thoát nghèo. Ông Khích phấn khởi cho biết: “Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay gia đình rất cám ơn Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn. Trước đây gia đình tôi cũng làm nhiều nghề chăn nuôi gà, vịt, nấu rượu, nuôi lợn, trồng lúa, ngô, khoai, sắn, mỗi thứ một ít nhưng gia đình vẫn khó khăn, thiếu thốn… gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo.
Ông Triệu Đình Khích đã trở thành hội viên nông dân vượt khó đi lên thoát nghèo làm giàu ở thành phố Bắc Kạn. Ảnh HND Bắc Kạn
Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân Nông Thượng về vốn và kỹ thuật, đi thăm quan học tập mô hình, chính vì vậy gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn để đầu tư trồng cam, quýt, mận, chăn nuôi gia cầm, lợn. Với sự đầu tư bàn bản chỉ trong một thời gian ngắn gia đình tôi đã có của ăn của để và trả được vốn vay ngân hàng”.
Bên cạnh đó, ông Khích cũng được Hội Nông dân xã, thành phố Bắc Kạn cử đi học tập tham quan các mô hình kinh tế mới ở các địa phương khác nhau trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Qua đó, ông Khích đã cùng với gia đình phát triển được trên hơn 4ha quế, mỡ, keo; đào hơn 1.000m2 nuôi cá trắm, chép, rô phi đơn tính. Khai thác lợi thế địa phương nằm gần trung tâm thành phố, ông Khích còn tiếp tục đầu tư mua máy xay sát và mua máy làm bún khô kết hợp làm dịch vụ cho thuê bát, đĩa, phông bạt, bàn ghế và cho thuê xe tải chở hàng hóa, nông sản cho bà con trong vùng.
Nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Hội Nông dân các cấp cùng với sự tìm tòi học hỏi của bản thân, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, kiên trì, cùng sự đam mê, những năm gần đây, thu nhập bình quân từ chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ của gia đình ông Khích cũng đạt gần 400 triệu đồng (sau khi trừ chi phí).
Chia tay gia đình nhà ông Khích, chúng tôi tới thăm gia đình chị Triệu Thị Dự (Dân tộc Dao ở thôn Bản Làn, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) là gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình kinh tế sản xuất gạch không nung kết hợp kinh doanh dịch vụ cho thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chị Dự cho biết, nhận thấy việc sản xuất gạch bê tông không tiêu tốn nhiều nguyên vật liệu, chất đốt lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Chính vì vậy năm 2017 sau khi được Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn và Ngân hàng Nông nghiệp hỗ trợ cho vay gần 400 triệu đồng, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc, làm nhà xưởng sản xuất và kinh doanh gạch không nung.
Những mẻ gạch đầu tiên ra lò nhưng do công nhân mới làm chưa có kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ thuật nên hình thức không được đẹp, do đó tiêu thụ khó. Không nản, chị Dự đến nhiều hộ, nhiều công trình chào hàng, chấp nhận hòa vốn, vận chuyển gạch tới tận nơi cho từng hộ. Tranh thủ thời gian đến các cơ sở đang sản xuất gạch không nung hiệu quả tiếp tục học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Đến nay gạch không nung tại xưởng sản xuất của gia đình chị Dự có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, bền nên được nhiều khách hàng trong vùng tin dùng lựa chọn.
Chị Triệu Thị Dự là gương NDSXKDG với mô hình kinh tế sản xuất gạch không nung kết hợp với làm dịch vụ. Ảnh HND Bắc Kạn
Để gạch đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng, chị Dự luôn sát sao trong từng công đoạn sản xuất. Xưởng gạch hoạt động đến nay đã được 6 năm, mỗi ngày sản xuất bình quân được 3.500 viên, giá thành mỗi viên gạch ước tính thấp hơn gạch nung bình thường do dây chuyền sản xuất, công nghệ đã được nội địa hóa tối đa, sau khi trừ các khoản chi phí nhân công, vận chuyển… cho thu nhập gần 700 triệu đồng/năm. Hiện tại, xưởng có 5 công nhân là người địa phương làm việc thường xuyên, được trả công theo sản phẩm, bình quân mỗi công nhân có thu nhập từ 6 triệu đồng/ tháng.
Ngoài sản xuất gạch không nung để tăng thêm thu nhập, tạo thêm việc làm, chị Dự còn mở cửa hàng bán hàng tạp hóa, giải khát, giặt chăn màn. Từ sản xuất gạch và mở dịch vụ 3 năm nay cho thu nhập bình quân gần một tỷ đồng/năm và ba năm liền đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh Bắc Kạn và năm 2021 vinh dự đạt cấp Trung ương.
Gia đình đình ông Khích, chị Dự là 2 trong số rất nhiều các mô hình hộ gia đình người dân tộc thiểu số của tỉnh Bắc Kạn vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngày trên quê hương nhờ những chính sách thu hút khi trở thành Hội viên Nông dân của tỉnh Bắc Kạn. Trong thời gian tới các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng với hội viên nông dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế ở địa phương
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới