Nông thôn mới

Huyện Phù Cừ: Chuyển đối số trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Việt Tùng - 10:24 08/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sau 3 năm về đích nông thôn mới (NTM), huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đang bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Là một huyện thuần nông, Phù Cừ xác định lấy nông nghiệp làm gốc, ưu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất hàng hóa, sản xuất sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với đó, việc ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng NTM, đang tạo đã cho Phù Cừ về đích NTM kiểu mẫu.

Hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM

Năm 2020, huyện Phù Cừ được công nhận là huyện NTM với 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Như nhiều địa phương trong huyện, xã Quang Hưng đang trong lộ trình xây dựng NTM kiểu mẫu với nhiều thách thức. Để tháo gỡ những khó khăn này, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định khâu tuyên truyền là rất quan trọng, trong đó người đứng đầu giữ vai trò then chốt. Và để có nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu, cách hiệu quả nhất là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị cây trồng, từng bước nâng cao đời sống của người dân.

Theo đó, năm 2022 tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn xã Quang Hưng đạt hơn 480 tỷ đồng; giá trị thu trên 1ha đất canh tác đạt hơn 200 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/người/năm. Vừa qua, đoàn công tác do Bí thư Huyện ủy – ông Nguyễn Văn Đoàn làm Trưởng đoàn đã về xã làm việc, nắm tình hình về tiến độ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã, theo đó ông Nguyễn Văn Đoàn,  Bí thư Huyện uỷ đã biểu dương những thành tích mà xã đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời phân tích, chỉ ra những hạn chế, yếu kém mà tập thể Đảng ủy xã Quang Hưng cần khắc phục. Trong đó, lưu ý là các giải pháp về cơ chế chính sách, việc giám sát chuyên đề; những vấn đề cần đổi mới về phong cách lãnh đạo của tập thể Đảng ủy xã để tạo động lực cho các mục tiêu phát triển… 

Cam, vải trứng là những cây trồng chủ lực ở xã Tam Đa (Phù Cừ, Hưng Yên), đang mang lại cho người dân khoảng 250 - 350 triệu đồng/ha (ảnh TL)

Khác với Quang Hưng, Tam Đa là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến nay, các tuyến đường thôn, ngõ, xóm đều được lắp điện chiếu sáng. Bên cánh đồng lúa, những khu vườn cây ăn quả sai trĩu là những ngôi nhà khang trang, những con đường được trải bê tông, rực rỡ sắc hoa. Theo chỉ đạo của Đảng ủy, các chi bộ đã xây dựng mô hình tự quản trong khu dân cư, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 

Bà Nguyễn Thị Hiền, người dân xã Tam Đa chia sẻ: Từ khi xã triển khai xây dựng NTM ở xã đã tạo nên phong trào mạnh mẽ trong xây dựng quê hương, cải thiện đời sống người dân. Từ đó uy tín của tổ chức Đảng ngày càng được nâng cao, chiếm được lòng tin trong nhân dân, nhờ đó người dân luôn ủng hộ những chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền địa phương đưa ra.

Thực tế cho thấy, những năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở, cùng với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của huyện Phù Cừ có bước tiến nhanh, vững chắc. Tính đến nay toàn huyện đã huy động được tổng số nguồn vốn cho xây dựng NTM là hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 30%; cộng đồng dân cư đóng góp gần 60%... Không chỉ vậy, người dân trong huyện còn hiến gần 60.000m2 đất ở, hơn 180ha đất ruộng, phá dỡ hơn 2.000m tường bao, công trình phụ và ủng hộ hàng chục nghìn ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội. 

Ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng NTM

Ông Ngô Văn Quyên - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến (Phù Cừ) cho biết: Đến nay, xã có 8 vùng trồng cây ăn quả tập trung, với diện tích trên 260ha; 1 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực của địa phương. Trung bình mỗi năm xã có 30% sản lượng nông sản tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, trang mạng xã hội.

Áp dụng công nghệ số vào giải quyết các thủ tục hành chính ở xã Đình Dù (Phù Cừ, Hưng Yên) (ảnh TL)

“Đây là một xu thế tất yếu, lúc đầu triển khai chúng tôi gặp phải một số khó khăn nhất định, nhưng khi được tuyên truyền, vận động và khi hiểu được lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp và thương mại điện tử, thì người dân rất hưởng ứng” – ông Quyên cho biết.

 “Tỉnh Hưng Yên hiện có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đạt Tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 55 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 228 sản phẩm chủ lực của các địa phương được chứng nhận sản phẩm OCOP. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã ứng dụng công nghệ tự động hóa để theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Các HTX, cơ sở sản xuất tích cực đưa trên 245 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử, trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội như: Shopee.vn; ketnoiocop.vn; ocophungyen.vn, facebook, Zalo…”

Xã Nhật Quang đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020, từ đó xã tiếp tục bắt tay ngay triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trọng tâm này thể hiện rõ trong công tác lãnh đạo của từng cấp ủy, tổ chức Đảng khu dân cư. Chi bộ thôn Quang Yên hiện có 86 đảng viên. Tại buổi sinh hoạt Chi bộ và trao đổi của từng đảng viên cho thấy, Chi bộ không chỉ duy trì nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng, mà từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, chi ủy, và mỗi đảng viên đã phát huy trách nhiệm trong từng nội dung, nhiệm vụ công tác. 

Theo đó, Chi bộ phát huy vai trò tham mưu, là “đầu kéo” về lãnh đạo, vận động sản xuất nông nghiệp, phát triển giao thông, xây dựng, vệ sinh môi trường ở thôn và xã; vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng quy

Cây vải trứng, nhãn lồng và cam là những cây trồng đang mang lại thu nhập cao cho người nông dân huyện Phù Cừ (Hưng Yên) (ảnh TL)

hoạch. Đến nay, các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn xã đã hoàn thành, xây dựng thành công mô hình thôn thông minh tại thôn Tân An.

Những năm gần đây, huyện đã phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như vải trứng, cam, nhãn lồng, dưa lưới, cây có múi... chủ yếu tập trung ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiến Tiến, Phan Sào Nam. Trong đó, toàn huyện có khoảng 900ha vải trứng. Sản lượng vải thu hoạch năm nay ước tính hơn 9.500 tấn, sản lượng nhãn thu hoạch ước tính hơn 3.500 tấn. 

Ông Nguyễn Khả Phúc - Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết, trong những năm qua huyện đã phối hợp các sở, ngành của tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản để mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ các hoạt động liên kết kết nối, các hoạt động chuỗi sự kiện xúc tiến tiêu thụ quả vải, nhãn đặc sản của huyện; thương hiệu cam của Hợp tác xã Nông nghiệp Ngũ Phúc; phát triển thương hiệu hai sản phẩm đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh... Gắn liền đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các dự án đầu tư, phát triển các nghề mới ở nông thôn.

“Chuyển đổi số đã giúp cho huyện rất nhiều trong xây dựng NTM, việc số hoá các văn bản, các thủ tục hình chính đã rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cũng như các doanh nghiệp khi phải làm các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số đã giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cập được rất nhiều khách hàng mới, một cách nhanh nhất, hiệu quả và ít chi phí nhất” – ông Phúc cho biết.

“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương”

Tin cùng chuyên mục
Tin khác