Sản phẩm – Dịch vụ

Khai mạc “Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. HCM và các tỉnh, thành năm 2023”

Vân Nguyễn - 08:29 22/12/2023 GMT+7
Ngày 21/12, tại TP. Hồ Chí Minh (HCM), Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND TP. HCM tổ chức Lễ khai mạc “Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. HCM và các tỉnh, thành năm 2023”, cùng với chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023”.

Theo Sở Công Thương TP. HCM, sự kiện “Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. HCM và các tỉnh, thành năm 2023” có 45 địa phương tham gia, không chỉ mang đến thành phố hàng nghìn đặc sản vùng miền mà còn trình diễn 19 không gian văn hóa làng nghề đặc sắc của cả nước. Nhiều hệ thống phân phối có khu vực riêng để trưng bày và bán sản phẩm OCOP như Coopmart với 70 sản phẩm, hệ thống GO!, BigC, Top Market với 145 sản phẩm, hệ thống Satra với 34 sản phẩm, MM Mega Market với 106 sản phẩm… Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận như Yến Đảo Cần Giờ, dừa sáp sợi Vicosap, trà hoa vàng, mật hoa dừa Trà Vinh Farm…

Chuỗi sự kiện năm nay tiếp tục nội dung quan trọng nhất là không gian kết nối B2B, trao đổi trực tiếp giữa 12 hệ thống phân phối, 5 sàn thương mại điện tử và hơn 1.000 nhà cung cấp đến từ các tỉnh, thành. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh phương thức bán hàng tiên tiến, Hội nghị năm nay tiếp tục tổ chức 3 hội thảo chuyên sâu về thương mại điện tử do Amazon, Alibaba, Tiki và Công ty CP khoa học dữ liệu (Metric) chịu trách nhiệm về nội dung; dự kiến trao đổi, chia sẻ về thương mại điện tử xuyên biên giới, giải pháp tăng doanh số, logistics toàn trình, giải pháp tìm hiểu nhu cầu khách hàng bằng dữ liệu lớn…

Lãnh đạo Bộ Công Thương, UBND TP. HCM cắt băng khai mạc. Ảnh: ĐVCC

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: Cương trình kết nối cung cầu là hoạt động cấp vùng nhằm cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo TP. HCM. Qua đó, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đưa đặc sản vùng miền đến với thành phố.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. HCM và các tỉnh, thành lần thứ 12 cùng chuỗi các sự kiện có ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với phát triển kinh tế TP. HCM mà còn là động lực đẩy mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Nhằm tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, đề nghị lãnh đạo UBNDTP. HCM, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cùng các doanh nghiệp, tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng, sức cạnh cho các sản phẩm, xây dựng thương hiệu Việt; thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu trực tuyến; tích cực triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.

Các gian hàng từ khắp vùng miền tham gia trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. HCM và các tỉnh, thành năm 2023. Ảnh: ĐVCC

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM chia sẻ: Sự kiện diễn ra trong đợt cao điểm kích cầu tiêu dùng của thành phố, có sự kết hợp đồng bộ, triển khai đồng loạt, tập trung nhiều hoạt động như “Tinh hoa làng nghề và Đặc sản vùng miền 2023”; chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023”; Shopping Season đợt 2 - Rộn ràng mua sắm mùa xuân... kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng nhân dịp cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.

Hội nghị kết nối cung - cầu năm nay được triển khai theo hướng phát huy điểm tích cực và khắc phục những hạn chế từ các năm trước. Tăng tần suất các sự kiện kết nối cung - cầu trực tiếp, hoàn thiện nền tảng kết nối trực tuyến ketnoicungcau.vn để thực hiện kết nối liên tục 24/7. Cùng với đó, kết nối sâu hơn, không chỉ tạo điều kiện cho hai bên mua bán gặp gỡ, tìm kiếm đơn hàng mà còn hỗ trợ nhà sản xuất hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện quy trình tiếp nhận, xử lý đơn hàng như: Thanh toán, logistic, xây dựng thương hiệu, duy trì doanh số sau khi đưa được hàng hóa lên kệ...

Đoàn lãnh đạo đi tham quan gian hàng của nghệ nhân dêt thổ cẩm. Ảnh: ĐVCC

Không chỉ hỗ trợ nhà sản xuất gia tăng doanh số, Hội nghị còn kết nối các nhà phân phối để xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung đối với nhà cung cấp, cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, dần định hướng sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023”. Chương trình nhằm tôn vinh, xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng, các đặc sản vùng miền của Việt Nam; giới thiệu những di sản văn hóa của các vùng miền, không gian văn hóa làng nghề truyền thống đến người dân thành phố và khách du lịch trong và ngoài nước.

Chương trình quy tụ gần 200 doanh nghiệp tiêu biểu mang đến các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng miền của Việt Nam. Bên cạnh đó, khách tham quan được khám phá, tìm hiểu về lịch sử cùng những câu chuyện thú vị chung quanh những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng của TP. HCM, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ… một số làng nghề truyền thống đặc sắc của các vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc…

Tin cùng chuyên mục
Tin khác