Khoái Châu rộn ràng mùa nhãn chín sớm
Huyện Khoái Châu là vùng trồng nhãn tập trung lớn nhất của tỉnh Hưng Yên với hơn 1.600 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng hơn 1.500 tấn quả tươi tập trung ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình…
Là địa phương được UBND tỉnh Hưng Yên chọn làm điểm sản xuất nhãn an toàn xuất khẩu vào thị trường Mỹ vào năm 2018, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu có diện tích nhãn 300 ha, trong đó có 270 ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp Tốt (Vietgap).
“Chăm sóc vườn tỉa cành và dọn cỏ, không sử dụng thuốc diệt cỏ. Làm cỏ xong rồi vun vào gốc làm phân bón cho cây. Năm nay làm 1 mẫu cho khoảng 7 tấn, nhãn bẻ hàng ngày bán cho thương lái. Mong muốn xuất khẩu thì được giá hơn” - bà Nguyễn Thị Vỹ ở xã Hàm Tử nói.
Với 11 thành viên chính thức và liên kết với 105 thành viên là các nhà vườn trên địa bàn, Hợp tác xã nhãn Miền Thiết xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap yêu cầu các xã viên phải ghi chép sổ nhật ký trong quá trình chăm sóc, đảm bảo năng suất và chất lượng an toàn.
Ông Nguyễn Văn Yêm, Phó giám đốc hợp tác xã nhãn Miền Thiết khẳng định: “Thành viên hợp tác xã làm nhãn theo tiêu chuẩn Vietgap từ nhiều năm qua. Ngay từ đầu vụ nhãn, hợp tác xã đã yêu cầu bà con sản xuất theo đúng quy trình Vietgap không sử dụng hóa chất và thuốc diệt cỏ. Chúng tôi sử dụng phân chuồng, ngô đỗ và đậu tương sản xuất nhãn nên là quả nhãn của hợp tác xã chất lượng giá cũng cao hơn so với cách làm truyền thống”.
Chủ động hỗ trợ các hợp tác xã và nhà vườn, UBND xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu đã yêu cầu Ban quản lý sản xuất nhãn VietGap của địa phương phối hợp với 2 Hợp tác xã và 10 Tổ hợp tác trên địa bàn tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm bón, phòng trừ sâu bệnh theo tiêu chuẩn Vietgap, đảm bảo chất lượng nhãn sạch và an toàn, đủ điều kiện để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Phú, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hàm Tử cho biết: “2 năm qua, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên thị trường tiêu thụ kém hơn nhưng sang năm 2022 mới vào đầu vụ nhưng đã có các thương lái và tiểu thương đến các vườn để khảo sát và ký hợp đồng tiêu thụ nhãn cho bà con. Ủy ban nhân dân xã Hàm Tử xác định nhãn là cây trồng chủ lực và là nguồn thu chính của nông dân, năm nay địa phương dự kiến thu khoảng trên 50 tỷ đồng doanh thu tiền bán nhãn”.
Giảm áp lực tiêu thụ nhãn khi vào chính vụ thu hoạch, UBND huyện Khoái Châu đã chủ động xây dựng các phương án tiêu thụ nhãn. Ông Đào Hải Ngọc, Phó chủ tịch huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian tới nhãn chín rộ đặc biệt là nhóm nhãn đặc sản như: T6, T1, T2, nhãn Miền Thiết. Đến nay, đã có một số doanh nghiệp đến ký kết tiêu thụ nhãn với các hợp tác xã, nhà vườn với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, cá biệt có những giống nhãn bán được đến 45.000 đồng/kg vào đầu vụ.
“Địa phương đang tiếp tục mời gọi các bạn hàng truyền thống, các đơn vị, cá nhân để tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản của huyện Khoái Châu. Thông qua các kênh bán hàng đã kết nối với Sen đỏ, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn và hệ thống siêu thị bán lẻ trong nước ở các địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội. Đến nay, các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nhãn ở Hàm Tử, Bình Minh, Đông Kết đã sớm ký kết với khách hàng xuất khẩu nhãn đông lạnh sang thị trường của Hàn Quốc từ 100 - 150 tấn” - ông Đào Hải Ngọc nói.
Theo kế hoạch, trong các ngày từ 24 - 26/8, UBND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức “Hội chợ xúc tiến thương mại tiêu thụ Nhãn và nông sản của huyện năm 2022” với kỳ vọng đẩy mạnh việc quảng bá, kết nối doanh nghiệp đến tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tiêu thụ nhãn cho bà con nông dân.
Theo VOV
- Cà Mau: Sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau thu hút ký kết được nhiều hợp đồng trong và ngoài nước
- WinMart đón 10 tuổi, giảm sốc nhiều sản phẩm lên tới 50%
- Chỉ số thương mại điện tử tỉnh Cà Mau năm 2024 tăng 2,6 điểm so với năm 2023
- Bình Phước công nhận 20 sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu năm 2024