Khuyến nông Kiên Giang: Hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh
Ngày 16/10/2019, tại Kiên Giang, Sở NN&PTNT phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo: “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam”.
Thông qua Hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Hội thảo dựa trên cơ sở đánh giá bước đầu mô hình gồm 36 hộ nông dân tham gia dự án, đó là: Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cùng với các hộ nông dân tiến hành xây dựng tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm tổ chức sản xuất lúa theo nhu cầu của thị trường, định hướng đầu ra sản phẩm và ký kết bao tiêu với đơn vị thu mua. Qua trao đổi, 36 hộ nông dân tham gia dự án thống nhất thành lập tổ liên kết sản xuất tại xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp.
Ông Phù Trí Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết: Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 100% giống cho các hộ nông dân tham gia mô hình và thống nhất chọn 2 giống lúa là Đài thơm 8 và RVT nguyên chủng. Ngoài ra, tổ liên kết này còn được hỗ trợ máy cấy, bình phun động cơ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…Các nông dân tham gia mô hình là những hộ đạt được các tiêu chí, đủ điều kiện để thực hiện mô hình với tổng diện tích 72ha áp dụng biện pháp cấy bằng máy. Mô hình phù hợp với thực tế tại địa phương.
Cũng theo ông Nguyên, kết quả thực hiện bước đầu đã giúp nông dân hiểu sâu hơn trong việc giảm giống, giảm phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí bơm nước và giảm phát thải khí nhà kính; giúp người nông dân xác định được lúc nào mới cần thiết phải bơm thêm nước vào ruộng, biết được quy trình bón phân cân đối, không lạm dụng quá nhiều phân đạm và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Từ đó đã nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình, năng suất lúa tăng, chi phí sản xuất giảm.
Theo đánh giá về quản lý, tổ chức thực hiện, tác động của dự án: Các đơn vị triển khai đã thực hiện và quản lý đúng, đủ các hạng mục dự án. Sau khi thực hiện xong mô hình đã có tác dụng tích cực đến quá trình nhận thức của người dân trong và ngoài mô hình. Là điểm sáng để nông dân trao đổi kinh nghiệm để sản xuất có hiệu quả cao và bền vững nhân rộng mô hình.
Tại Hội thảo, một số vấn đề còn hạn chế được các đại biểu đưa ra và đề nghị các cơ quan đơn vị có liên quan tập trung xem xét hỗ trợ như: Vấn đề tiết kiệm nước tưới, hệ thống thủy lợi, nguồn nước, chính sách hỗ trợ cho các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra cho nông dân….
Tin, ảnh: Vân Nguyễn
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi