Phong trào nông dân

Hội Nông dân Kiên Giang chú trọng nâng chất các phong trào do Hội phát động

Đức Vượng - 13:09 26/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" gắn với xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân các cấp tỉnh Kiên Giang chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
TIN LIÊN QUAN

Nhiều chuyển biến tích cực, sức lan tỏa lớn

Ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết, trên tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kiên Giang, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp để triển khai kế hoạch phát động và hướng dẫn nông dân đăng ký thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" (Phong trào) đạt kết quả cao nhất.

Để thực hiện có hiệu quả Phong trào trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, tính đến tháng 5/2024, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 488 đợt tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ có 11.224 lượt nông dân tham gia, mở 217 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 6.510 nông dân; qua đó, có trên 75% học viên có việc làm và thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 150.183 hộ vay vốn phát triển kinh tế thông qua 3.269 tổ tiết kiệm vay vốn với số tiền 4.053 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Quốc gia Hỗ trợ việc làm, các cấp Hội đã hỗ trợ cho 2.947 lượt nông dân vay vốn với tổng số tiền 68,590 tỷ đồng.

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp triển khai hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững tại hợp tác xã Thuận Phát thuộc xã Đông Hưng, huyện An Minh; Chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân hỗ trợ thực hiện mô hình lúa chất lượng cao, 183 điểm trồng rau an toàn, 20 điểm chăn nuôi gia cầm, kinh phí 2,32 tỷ đồng; Phối hợp triển khai thí điểm đề tài chuyên nghiệp hóa người nông dân, hỗ trợ sản phẩm cải tạo nguồn nước nuôi thủy sản, kinh phí 2,25 tỷ đồng. Các cấp Hội hỗ trợ nông dân tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm và bao tiêu đầu ra sản phẩm…

Lễ giải ngân trồng lúa chất lượng cao tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (ảnh HND Kiên Giang)

Từ đó, nhận thức và hành động của nông dân trong sản xuất, kinh doanh được nâng lên rõ rệt. Các hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đạt hiệu quả. Cũng chính những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi này đã tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, hăng hái tham gia hoạt động xã hội với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về kỹ thuật, cây, con giống, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Phong trào được Hội ND tỉnh Kiên Giang phát triển ngày càng sâu, rộng, có nhiều chuyển biến tích cực, sức lan tỏa lớn; chất lượng, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiêu biểu, như: Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, mô hình trồng cây ăn trái ở huyện Giồng Riềng, mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã Vân Khánh Tây và Đông Hưng huyện An Minh…“; các hộ ông Nguyễn Văn Tứ, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng; ông Lê Hoàng Nghiệp, thị trấn Dương Đông thành phố Phú Quốc; ông Ngô Thọ Hòa xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành; ông Trần Hữu Kiếm phường Đông Hồ thành phố Hà Tiên; ông Nguyễn Thanh Hồng, xã Mỹ Phước huyện Hòn Đất... là những hộ được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp nhiều năm liền”, ông Lâm Quốc Toàn Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang thông tin.

Ông Nguyễn Văn Tứ, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, (tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Với 6.000m2 trồng lúa, trồng màu, tôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến như: Sạ lúa bằng máy để giảm chi phí giống lúa, áp dụng 3 giảm, 3 tăng (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.) Với 6.000m2 của 3 vụ lúa gia đình tôi có thu nhập 50 triệu đồng. Qua nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư nuôi ếch thương phẩm, nuôi ếch bố mẹ sinh sản, một năm 4 lần thu hoạch. Mô hình nuôi ếch thịt, ếch giống, lúa cho tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, gia đình tôi còn giúp đỡ 5 đến 7 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn kỹ thuật nuôi ếch giúp họ có nguồn thu nhập ổn định.”

Phong trào đã góp phần khơi dậy khối đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong mỗi hội viên, nông dân làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững cả về bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, là động lực khích lệ hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và xây dựng nông thôn mới.

Phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên

Tại công văn số 1100-CV/TU ngày 16/4/2024 về lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, của Tỉnh uỷ Kiên Giang yêu cầu trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở xây dựng lực lượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển toàn diện, văn minh, tự chủ, tự lực, tự cường, có ý chí, khát vọng vươn lên; Có trình độ và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Đào tạo nghề giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (ảnh HND Kiên Giang)

Phát huy vai trò tiêu biểu, gương mẫu của lực lượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong thực hiện đề án “phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần có chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tham quan học tập mô hình hiệu quả nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, làm nòng cốt trong Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và kỹ năng về mọi mặt cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhất là năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất và đời sống; khuyến khích nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tham gia hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân khác sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các hộ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; mở rộng quy mô, loại hình tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sản phẩm OCOP nâng cao giá trị nông sản (ảnh HND Kiên Giang)

Xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Quan tâm bồi dưỡng nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu, ưu tú giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét kết nạp làm nòng cốt cho phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần xây dựng giai cấp nông dân tỉnh nhà phát triển toàn diện.

Ông Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết: “Phát huy thành tích đã đạt được trong Phong trào, các cấp Hội Nông dân của tỉnh luôn vận động hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản xuất chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn gắn với xây dựng, phát triển mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Tin cùng chuyên mục
Tin khác