Lâm Đồng hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp
Theo đó, các doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Lâm Đồng, Công ty TNHH Cordyceps, Công ty TNHH Trà Tằng Vĩnh An, Công ty TNHH Trà Phú Sỹ được hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường (Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước); hỗ trợ tư vấn xây dựng, áp dụng, hệ thống quản lý chất lượng và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 22000.
ISO 22000 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, có thể áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp trong chuỗi cung cấp thực phẩm từ sản xuất, chế biến kinh doanh. Tiêu chuẩn này bao gồm các lĩnh vực như sản xuất thức ăn gia súc, thực phẩm chức năng, chế biến nông sản, thuỷ sản, sản xuất đồ uống, dịch vụ kho vận, siêu thị, bán lẻ và sản xuất vật liệu bao gói thực phẩm. ISO 22000 không chỉ đảm bảo sản xuất an toàn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc vượt qua các rào cản kỹ thuật và sản xuất trên các thị trường khó tính.
Các doanh nghiệp cam kết triển khai thực hiện các nội dung đề xuất hỗ trợ có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí đối ứng thực hiện các nội dung, hạng mục đảm bảo đạt các mục tiêu và hiệu quả trong việc hỗ trợ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý thực hiện hỗ trợ (Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) để được thực hiện các hồ sơ, thủ tục hỗ trợ, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí đúng quy định.
Theo kế hoạch vừa được phê duyệt, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2024, với trọng tâm là hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000. Trong đợt hỗ trợ lần này, có 4 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Lâm Đồng, Công ty TNHH Cordyceps, Công ty TNHH trà Tằng Vĩnh An và Công ty TNHH Trà Phú Sỹ sẽ nhận được sự hỗ trợ trong phát triển thương hiệu, kết nối thương hiệu, kết nối thị trường và xúc tiến thương mại, đồng thời được tư vấn và cấp chứng nhận, hệ thống quản lý chất lượng.
Trong quá trình thực hiện hỗ trợ, các doanh nghiệp triển khai các nội dung tư vấn, chứng nhận phù hợp, tham gia xúc tiến thương mại tại các tỉnh/thành phố cần nắm bắt tình hình, khó khăn vướng mắc để kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan quản lý hỗ trợ các phương án khắc phục, giải quyết; đồng thời kiểm soát chặt chẽ sản phẩm đầu ra theo tiêu chuẩn đăng ký hỗ trợ của các doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại sau khi được hỗ trợ để mở rộng quy mô kinh doanh, tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 tại tỉnh Lâm Đồng không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế. Đây là một trong những bước đi chiến lược của tỉnh Lâm Đồng nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm địa phương trên thị trường toàn cầu.