"Làm xiếc" trong đấu thầu để tư lợi: Khó ngăn chặn nếu con người tha hóa
Mặc dù Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan đã có những quy định khá đầy đủ, chặt chẽ, song trên thực tế, những sai phạm và tham nhũng từ hoạt động đấu thầu đầu tư công đang có chiều hướng gia tăng. Nhất là trong đấu thầu quyền sử dụng đất, thực hiện các dự án và đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị chuyên ngành.
Những vụ án tham nhũng thông qua hoạt động đấu thầu hay chỉ định thầu diễn ra trong thời gian qua gây xôn xao dư luận. Như vụ án sai phạm trong đấu thầu đất đai của lãnh đạo TP HCM; đấu thầu thực hiện các dự án thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam; vụ án thiệt hại hơn 41 tỷ đồng do nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng một số bị can khác gây ra; hàng loạt vụ án mua sắm thiết bị vật tư y tế, giáo dục đều bị khởi tố, điều tra và xét xử.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đa số các vụ đấu thầu, nhất là đấu thầu các dự án đất đai, các dự án mua sắm đầu tư công có sự thiếu công khai, minh bạch
Ông Lê Văn Cuông nhận định: “Sự tham gia của các cơ quan chuyên môn trong quá trình đấu thầu chỉ mang tính hình thức, còn chủ yếu là người ta “đi đêm”, người ta sắp đặt trước, quân xanh quân đỏ. Thậm chí là có sự can thiệp của xã hội đen để thắng thầu cho bên thân quen”.
Bà Nguyễn Lê Hoa, Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, những vi phạm xảy ra trong đấu thầu có nguyên nhân cơ bản từ cơ chế quản lý, đầu tư dự án luôn thiếu minh bạch và công khai, mang tính khép kín trong nội bộ ngành và địa phương.
“Các dự án có vốn đầu tư Nhà nước hiện nay được quản lý đầu tư theo quy trình khép kín. Các ban ngành, địa phương nào cũng có dự án cả. Vì thế, việc xảy ra tiêu cực trong vấn đề đấu thầu, để dự án cho công ty thân quen không thể tránh khỏi”- bà Nguyễn Lê Hoa nhận định.
Bên cạnh thiếu minh bạch trong thông tin đấu thầu thì người tham gia đấu thầu còn gặp muôn vàn khó khăn bởi những hành vi “làm xiếc” từ phía chủ đầu tư và đơn vị tổ chức đấu giá, đấu thầu với vô số chiêu thức lách luật.
Luật sư Nguyễn Văn Bình, Văn phòng Luật Nhân nghĩa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chỉ rõ, trong công tác đấu thầu hiện nay, thực tế các chủ đầu tư chọn nhà thầu thường không công khai, minh bạch thông tin và thường xuyên bắt tay với nhau để “thông thầu”,
“Có quá nhiều chiêu thức để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính, nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu "sân sau", quen biết. Có những chủ đầu tư khi đăng tải thông tin cung cấp địa chỉ bán hồ sơ mời thầu, nhưng trên thực tế chỉ tồn tại trên giấy. Hầu như tất cả các dự án có vốn Nhà nước thì nhà thầu đều phải chia sẻ một phần quyền lợi với chủ đầu tư”. – Luật sư Nguyễn Văn Bình cho biết.
Chúng ta đã có Luật đấu thầu năm 2013 với nhiều quy định ưu việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh các hành vi hối lộ tham nhũng, gian lận vẫn còn phổ biến và nhức nhối trong xã hội thì những quy định trong văn bản dù có chặt chẽ đến đâu cũng chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Bên cạnh đó còn cần sự quyết tâm của các cơ quan thực thi và giám sát thực thi pháp luật.
Thực trạng của việc đấu thầu thiếu công khai, gian dối vẫn còn ở đâu đó. Để thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn được nhà thầu có kinh nghiệm, có chi phí thực hiện hợp lý, đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế của gói thầu thì bên cạnh hoàn thiện chính sách pháp luật, chúng ta cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và chặt chẽ. Đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch.
Với các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công sửa đổi cùng hệ thống pháp luật liên quan đã điều chỉnh hành lang pháp lý liên quan đến đấu thầu và có tác dụng nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những "lỗ hổng" dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa đúng và chưa nghiêm. Cơ quan, cá nhân có trách nhiệm không làm tròn bổn phận của mình, thậm chí vì mục đích vụ lợi mà “làm xiếc” trong đấu thầu.
Liên tiếp những vụ việc sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất công đấu thầu đã làm rõ tình trạng này. Khi đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo có chức quyền đều cho rằng, do cơ chế chính sách chưa rõ ràng.
Đây là cách trả lời biện minh cho những sai phạm vì lòng tham và lợi ích nhóm. PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân chỉ rõ, các vụ đấu thầu mua sắm tài sản công vi phạm bởi ý thức, tư cách của người đứng đầu, có thẩm quyền trong mua sắm tài sản chưa nghiêm.
Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực mua sắm tài sản công. Trong đó, chú ý tạo mọi điều kiện và đảm bảo cho nhân viên dưới quyền và công chúng phản ánh các dấu hiệu sai phạm của chủ đầu tư.
Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho biết: “Chúng ta phải có cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Cơ chế này tạo ra khuôn khổ để người được giao quyền lực không thể tự tung tự tác, thực hiện theo ý muốn của mình. Nhưng đồng thời những quy định đó phải tạo điều kiện cho người dưới quyền có thể phát hiện, phản ánh những sai phạm mà không bị hệ lụy như trù dập hay loại thải.”
Còn ông Nguyễn Trung Đức, chuyên gia pháp luật kinh tế thuộc hội bảo trợ tư pháp người nghèo Việt Nam cho rằng: Các cá nhân giữ trọng trách dễ dàng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, xuất phát từ nguyên nhân họ được trao quyền khá lớn. Tỷ lệ nghịch với đạo đức và trách nhiệm công vụ của họ.
Trong khi đó, việc công khai minh bạch về quản lý, sử dụng tài sản công và đấu thầu các dự án lại chưa thực sự tốt. Để hạn chế tiêu cực trong hoạt động đấu thầu thì phải đẩy mạnh sự công khai, minh bạch, tất cả những thông tin liên quan đến các gói thầu. Tổ chức thực hiện đấu thầu qua mạng để hạn chế quyền chỉ định thầu của người có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Trung Đức cho biết: “Phải đổi mới đấu thầu dự án theo hướng công khai, minh bạch hơn, hạn chế tối đa việc lợi dụng gây lãng phí ngân sách. Đẩy mạnh việc tổ chức hình thức đấu giá đấu thầu trực tuyến. Công tác tổ chức đấu thầu phải đảm bảo đúng bản chất của kinh tế thị trường thì mới đảm bảo tiền ngân sách được sử dụng một cách hợp lý”.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá cho rằng, bên cạnh lạm dụng chỉ định thầu để chia chác lợi ích, việc đấu thầu hiện nay vẫn chưa đảm bảo khách quan bởi chúng ta phụ thuộc và trao quyền quá lớn cho bên thẩm định giá. Trong khi đó, pháp luật chưa có những quy định thật rõ ràng về tư cách, đạo đức của bên thẩm định giá.
Nhìn lại nhiều vụ việc vi phạm trong đấu thầu cho thấy, cơ quan thẩm định giá bắt tay với nhà thầu và chủ đầu tư để đưa ra giá cao hơn so với thực tế. Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm toán và hậu kiểm kết quả thẩm định giá lại chưa làm tốt. Vì vậy, phải có đơn vị độc lập để kiểm toán lại hoạt động thẩm định giá.
Thắt chặt quy định pháp luật và quy trình về đấu thầu không có nghĩa là tăng thêm các công đoạn, thủ tục. Ngược lại, cần phải giảm bớt những thủ tục rườm rà, không cần thiết trong quy trình đấu thầu gây cản trở thực hiện. Đồng thời, phải giảm bớt tình trạng chỉ định thầu đối với các dự án mua sắm, sử dụng ngân sách nhà nước.
Thực tiễn đấu thầu là rất sinh động và phức tạp. Nên dù hệ thống pháp luật về đấu thầu có chặt chẽ, giảm thiểu kẽ hở đến đâu thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Bởi thực tế, những sai phạm nghiêm trọng được phát hiện qua các vụ án tiêu cực đấu thầu phần lớn là do con người bị tha hóa. Do lòng tham của những cán bộ, công chức những cơ quan là chủ đầu tư và tổ chức đấu thầu./.
Theo VOV
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới