Diễn đàn mở

An Giang: Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 10:40 25/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Tăng trưởng ngành nông nghiệp An Giang đạt 2,85% - 3%/năm, giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản từng bước được nâng lên. Có được điều đó một phần nhờ ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã triển khai hiệu quả các chương trình, đề án lớn liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) An Giang với các ngành, địa phương trong tỉnh, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã đánh giá, phân hạng 145 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao, 129 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm này chủ yếu thuộc nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí. 

Về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh An Giang hiện có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn. Trong đó, huyện Thoại Sơn vừa được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, sớm hơn lộ trình 1 năm. Bên cạnh, toàn tỉnh hiện có 76/110 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 69,09%; có 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023 là Định Thành, Vĩnh Trạch của huyện Thoại Sơn. 

An Giang tích cực triển khai nhiều chương trình, đề án lớn liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ảnh: ĐVCC

Tỉnh An Giang đã xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Cá tra, trái cây, rau màu, lúa, nếp... gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường từng bước được hình thành. Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. 

Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đến năm 2030. Hiện nay, tỉnh An Giang có 22 mô hình được thực hiện theo quy trình sản xuất 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao, với diện tích 1.117ha, chiếm 5,42% diện tích kế hoạch năm. Trong đó, có 18 mô hình thực hiện theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, với diện tích 900ha; 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ NN&PTNT, với diện tích 52ha. Ngoài ra, còn có các mô hình khác thực hiện theo một trong các tiêu chí của Bộ NN&PTNT, với diện tích 165ha.

Hiện nay, huyện Phú Tân đã thực hiện thêm 7 mô hình theo tiêu chí của đề án, với diện tích 35ha. Huyện Châu Phú triển khai 2 mô hình sản xuất Carbon thấp - “1 phải, 6 giảm”, mỗi mô hình có diện tích 5ha; 3 mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm CROPMATE và 1 mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Sumichi tại xã Thạnh Mỹ Tây…

Ngoài ra, nông nghiệp tỉnh đang tập trung thực hiện đề án ở các huyện đã tham gia các dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (Dự án WB9) ở Thoại Sơn, Tri Tôn, An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên. Từ đó, sẽ mở rộng tại các huyện có các vùng sản xuất tập trung, như: Châu Thành, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới. Công tác truy xuất nguồn gốc, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện được 466 mã số, diện tích 15.538,96ha. Trong đó, lúa có 131 mã số, với diện tích 7.921,78ha.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, thị trường toàn cầu bị đứt gãy, giá vật tư đầu vào tăng cao. Qua đó, ngành nông nghiệp luôn khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm 2024. Trong đó, tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; tập trung thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu liên quan đến thu nhập của người dân. Tập trung nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ cho sản xuất nông nghiệp, học tập mô hình hay của các địa phương để triển khai; chủ động phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các nghiên cứu khoa học cho ngành nông nghiệp, nhất là ngành lúa gạo.

Trong phát triển kinh tế tập thể và liên kết tiêu thụ sản phẩm, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh An Giang chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên cơ sở rà soát các chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay; tập trung hỗ trợ hoạt động của các hợp tác xã, chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Tích cực phối hợp Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh thúc đẩy số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, quảng bá sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ; có biện pháp thu hút đầu tư công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp; giải quyết các vấn đề liên quan đến logistics và một số chính sách khác./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác