Học hỏi làm giàu

Long An: Nông dân chuyển đổi đất lúa sang trồng dừa mang lại hiệu quả

Huỳnh Du - Tú San - 07:21 22/04/2022 GMT+7
Trong những năm qua, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa kém hiệu quả đã được nghiệm chứng thực tiễn qua nhiều địa phương. Tại tỉnh Long An, một số hộ nông dân cũng đã linh hoạt áp dụng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dừa do loại cây này phù hợp điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của vùng, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế khả quan hơn.
Chuyển đổi cây trồng (cây dừa)  đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân tỉnh Long An

Hơn hai năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid 19,  giá xăng, dầu tăng kèm theo chi phí vật tư nông nghiệp tăng, người dân trồng lúa tỉnh Long An thu lợi từ cây lúa đã phần nào giảm, đôi khi không có lãi, thấy được lợi thế từ cây dừa, những năm trở lại đây nông dân đã mạnh dạng chuyển đổi từ đất lúa sang trồng dừa, chủ yếu trồng xen canh với các loại cây ăn trái khác, trồng theo dọc bờ kênh, bờ ao. Hiện nay, các giống dừa được mua từ tỉnh Bến Tre đưa về trồng và chủ yếu là các giống dừa để uống nước như giống dừa xiêm lùn, dừa Mã Lai, xiêm xanh, dừa dứa, dừa xiêm lửa,… vừa cho thu hoạch sớm, năng suất cao. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn tỉnh Long An đầu năm 2022, Long An có 1.400 ha , trồng mới được 164 ha, dừa cho trái được 1.055 ha với tổng sản lượng thu hoạch được 18.692 tấn.

Anh Lê Quốc Trường ở ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa tỉnh Long An chuyển đổi từ đất lúa sang trồng dừa xiêm lửa từ hơn 4 năm nay. Anh Trường cho biết, ban đầu anh chỉ trồng thử nghiệm 3.000m2 trồng dừa, sau 3 năm cho thu hoạch, thấy giá bán và đầu ra ổn định, anh tiếp tục trồng thêm 6.000m2 cây đang phát triển tốt, hiện tại giá bán tại vườn từ 4 - 8 nghìn đồng/trái, tính ra lãi gấp 2 - 3 lần trồng lúa.

Cách vườn dừa anh Trường 500m, ông Huỳnh Văn On năm nay 66 tuổi đã về hưu, cũng canh tác gần 3.000m2, lứa dừa ông đang phát triển cho trái nhiều, giống dừa Mã Lai, ông cho biết: “ Thấy nhiều người ở đây trồng, nên tôi cũng tìm hiểu qua mạng, những người đã trồng trước đây nên đã lên liếp trồng dừa, nay dừa Tôi cứ 20 ngày thì thu hoạch 1 lần khoảng 200 trái, kiếm tầm 300 đến 600 nghìn đồng. Hiện tại trồng lúa, nếp giá cả bấp bênh nếu mãi ôm cây lúa thì nông dân không có lời”.

Ông Huỳnh Văn On, một điển hình trong chuyển đổi cây trồng, đang chăm sóc vườn dừa của mình.

Ở thành phố Tân An, cây dừa xiêm đỏ bén duyên với vùng đất phường Tân Khánh từ năm 2012 từ diên tích 0,8 ha ở khu phố Nhơn Hậu 2 nay là khu phố Nhơn Hậu phường Tân Khánh đến nay phát triển trên 100 ha phân bố đều trên địa bàn 04 khu phố. Cây dừa dễ trồng và dễ chăm sóc, chi phí đầu tư vừa phải, từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoản 2 năm, cây cho trái liên tục từ 10 – 12 năm, với giá bán dao động từ 5.000 – 7.000 đ/trái đối với dừa lấy nước, 35.000 – 45.000 đ/trái đối với dừa giống tùy thời điểm, mùa khô giá sẽ cao hơn có lúc lên tới 8.000đ/ trái dừa lấy nước. Bình quân mỗi 1.000 m2 trồng dừa sau khi trừ chi phí nông dân lãi từ 1,5 triệu/tháng cao hơn cây lúa nhiều lần.

Ông Lê Phương Nam, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Khánh, thành phố Tân An cho biết: “Những năm gần đây do giá lúa không ổn định nên nông dân đã chuyển sang trồng dừa, với giá trị kinh tế cao hơn, đã góp phần vào phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương đạt kết quả cao, nông dân tham gia đóng góp quỹ hỗ trợ ND, bê tông hóa, thắp sáng các tuyến đường, góp phần xây dựng phường VMĐT ở địa phương”.

Trồng dừa có mức giá ổn định, thị trường tiêu thụ lớn, công chăm sóc không nhiều bằng cây lúa, giá tiêu thu ổn định. Với việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa đã góp phần cho nhiều hộ có cuộc sống ổn định, nhất là mở ra hướng đi mới cho nông dân có sự chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại giá trị cao hơn trồng lúa. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác