'Ly nông không ly hương' là vấn đề lớn trong chính sách tam nông
Ngày 8/12, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Ban Kinh tế Trung ương làm việc với các tỉnh Đồng Nai, An Giang và Thành phố Cần Thơ về việc tổng kết Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm lắng nghe kinh nghiệm thực tiễn, những bài học rút ra và kiến nghị về đổi mới chính sách, đường hướng phát triển và đặc biệt là các kiến nghị nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực này thời gian tới.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.630 ha diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương; trên 81% diện tích cây trồng ứng dụng giống chất lượng tốt và chế phẩm sinh học trong sản xuất. Đặc biệt có 105 mã số vùng trồng, với diện tíc hơn 21.940 ha, trong đó 38 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đi thị trường nhiều nước nhờ chủ trương phát triển cánh đồng mẫu lớn gắn với chế biến sâu, áp dụng tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao, gắn sản phẩm nông nghiệp với du lịch sinh thái.
Trong khi đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết đến nay địa phương đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, tạo sản xuất quy mô lớn.
Các ý kiến cũng kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi; có cơ chế, chính sách đặc thù cho đầu tư, thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch cho nông sản, tháo gỡ việc tiếp cận vốn. Đặc biệt có chính sách ưu đãi hơn nữa để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư như giao đất, cho thuê đất, thuế, tín dụng, qua đó thu hút lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế trung ương) Nguyễn Tú Anh cho rằng kết quả từ chính sách đối với tam nông trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận nhưng thành quả vẫn mong manh. Vừa qua do tác động của dịch Covid-19 khiến cho người nông dân dễ bị tổn thương lại càng tổn thương hơn, ngay cả những người dân đã ly nông, ly hương. Tỉ lệ người lao động mất việc làm lên tới hơn 3 triệu người, một bộ phận không nhỏ trong số này đã phải quay trở về quê hương nhưng khu vực nông thôn chỉ có khả năng hấp thụ tăng thêm chưa đến 500.000 việc làm.
"Dòng lao động lại di cư ngược, tạo ra sức ép lớn trong đời sống người nông dân ở quê nhà. Rõ ràng việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đặt kế hoạch tổng thể chung cả nền kinh tế, đảm bảo “ly nông bất ly hương” là vấn đề lớn" - ông Tú Anh nhìn nhận.
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng bày tỏ sự băn khoăn khi các địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp lại đặt mức tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn so với chỉ tiêu tăng trưởng chung (trên dưới 3%).
"Phát triển khu vực nông nghiệp gắn công nghiệp dịch vụ, làm sao "ly nông không ly hương" - ông đặt câu hỏi, đồng thời nêu ra thực tế là cơ chế thu ngân sách hiện nay tạo áp lực lớn cho các tỉnh nên để phát triển thuần nông rất khó khăn, nhiều địa phương phải triển khai dự án công nghiệp, đô thị để tăng thu. Do đó, chính sách làm sao hài hòa lợi ích người dân và lợi ích chung.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, vừa qua các địa phương đã quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng mà chưa quan tâm nhiều đến vấn đề sinh kế. Tạo sinh kế cho người dân tại quê nhà là bài toán tổng thể từ đào tạo nhân lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết theo kế hoạch vào 5/2022, Hội nghị Trung ương sẽ cho ý kiến báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 và một dự thảo nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 26 nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra là "xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"./.
Theo VOV