Đặc sản quê

Mạnh dạn khởi nghiệp, đưa chuối Khoái Châu đạt OCOP 3 sao

Hương Giang - 07:04 28/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mong muốn hỗ trợ người dân tiêu thụ quả chuối đặc sản quê hương khi thu hoạch rộ và quảng bá sản phẩm ra thị trường, anh Nguyễn Văn Phát ở thôn Phú Hòa, xã Bình Kiều (Khoái Châu, Hưng Yên) đã quyết tâm thành lập HTX, mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ để chế biến thành công sản phẩm chuối sấy được thị trường rất ưa chuộng.

Quyết tâm đầu tư máy móc, công nghệ để hỗ trợ nông dân tiêu thụ đặc sản quê hương

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, hiện nay trên địa bàn Khoái Châu có trên 2.000ha chuối, tập trung ở các xã vùng ven sông Hồng như Tứ Dân, Đại Tập, Bình Kiều… Chuối tiêu hồng Khoái Châu đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng bởi chất lượng ngon, ngọt. Vì vậy, chuối ở đây đã được thương lái vận chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời còn xuất sang cả thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…

Trước đây, chuối của thôn Phú Hòa, xã Bình Kiều nói riêng, của huyện Khoái Châu nói chung rất ngon, mẫu mã  đẹp, nhưng chỉ bán chuối tươi cho mọi người ăn thì giá không cao, thời vụ ngắn. Nhiều năm trước, khi chuối được thương lái xuất sang Trung Quốc, người trồng và thương lái cũng thu được lãi cao, nhưng cũng rất nhiều lần trái cây của Việt Nam, trong đó có sản phẩm chuối của Khoái Châu khi xuất khẩu sang Trung Quốc không được làm thủ tục thông quan do nhiều yếu tố nên chuối chín không xuất được, đành bỏ phí.

Nhìn những buồng chuối chín rục ngoài vườn, cho không có người lấy vì nhà nào cũng đang thừa mứa, anh Phát thấy tiếc và đồng cảm với sự vất vả của người trồng, mất bao công chăm sóc vườn chuối, đến khi thu hoạch chín rộ lại đem bỏ bởi thời gian sử dụng quá ngắn, số lượng lại nhiều. Với suy nghĩ làm thế nào để trái chuối quê mình có giá bán cao? Làm gì để chuối chín không phải vứt bỏ?...  anh Phát mới nảy sinh ý tưởng đưa quả chuối vào sấy khô, ít ra cũng bảo quản được vài tháng, chưa biết chừng còn bán được. Nghĩ là làm, anh liền lên mạng internet dò tìm quy trình sấy chuối cùng hàng loạt cách chế biến rau, quả các loại, đồng thời anh tìm kiếm, liên hệ với các cơ sở cung ứng dây chuyền máy sản xuất, chuyển giao công nghệ... để quyết định khởi nghiệp với nghề mới mẻ này.

Đầu năm 2019, anh Phát lặn lội vào miền Nam học hỏi quy trình chế biến nông sản bằng lò sấy, sau đó anh về huy động vốn đầu tư trên 500 triệu đồng mua máy móc, thiết bị và thành lập HTX Nông sản Toàn Phát chuyên làm chuối sấy khô và chuối sấy dẻo để bán ra thị trường.

"Nhờ được các chuyên gia của cơ sở cung cấp máy sấy cầm tay chỉ việc kỹ lưỡng, tôi đã thành công ngay từ mẻ chuối sấy khô đầu tiên, sản phẩm ăn giòn, ngon, thơm, lạ miệng. Sau khi đưa vào bao gói đúng quy cách và chào hàng tới các đại lý bánh kẹo, tôi đã từng bước bao tiêu được sản phẩm với số lượng ngày càng tăng. Ngoài kênh tiêu thụ trên, tôi còn xuất hàng cho nhiều hộ bán hàng online", anh Phát nói.

Sản phẩm chuối sấy khô và sấy dẻo và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được cấp năm 2029 của HTX Nông sản Toàn Phát. Ảnh tư liệu

Phấn khởi với thành công ngoài sự mong đợi, HTX Toàn Phát tiếp tục mở rộng đầu tư sấy một số loại trái cây khác như: Mít, bí xanh, mướp đắng, hạt sen trần và chuối sấy dẻo (nguyên quả), tất cả các nông sản này, sau chế biến đều cho giá trị tăng 2-3 lần so với bán nguyên liệu thô (quả tươi).

Theo anh Phát, để có được vị chuối sấy thơm ngon, phải chọn quả chuối đủ già, quả to, tròn cạnh. Sau khi chuối chín, sẽ sơ chế bằng cách bóc vỏ, cắt bỏ đầu ruồi, sau đó thái lát (đối với chuối sấy giòn). Tiếp theo, chuối được rửa qua nước muối nhiều lần để loại bỏ nhựa và vị chát. Khi chuối ráo nước sẽ được xếp vào khay rồi đưa vào lò sấy điện.

HTX Toàn Phát nhận thấy loại chuối tiêu hồng là giống chuối đặc sản được đánh giá cao về chất lượng nên ngoài sản xuất chuối sấy dẻo bằng chuối tây HTX còn đưa thêm cả chuối tiêu hồng. Sau 40 tiếng đồng hồ sấy trong máy sấy điện, từ những quả chuối chín vàng tươi đã cho ra những quả chuối sấy dẻo mềm thơm, màu vàng nâu cánh gián và vị ngọt đậm đà.

Chuối sấy thành phẩm gồm 100% chuối tươi nguyên chất, không thêm đường hay phụ gia thực phẩm, chính vì vậy giữ được hương thơm và vị ngọt tự nhiên. Với cách làm trên, chuối sấy dẻo có thể bảo quản trong thời gian 6 tháng, chuối sấy giòn bảo quản được trong khoảng 12 tháng. “Cứ khoảng 5kg chuối tươi thì cho thành phẩm 1kg chuối sấy khô, như vậy qua chế biến đã nâng giá trị sản phẩm lên gấp hơn 6 lần so với bán chuối tươi và lại yên tâm về khâu bảo quản. Là món quà quê dân dã, chuối sấy giữ được màu sắc vàng ươm, hương thơm và vị ngọt đậm đà nên rất được lòng người tiêu dùng”, Giám đốc Nguyễn Văn Phát chia sẻ.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ

Trung bình mỗi tháng riêng gia đình anh Phát chế biến khoảng 5 tấn chuối sấy thành phẩm, bán với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg chuối sấy dẻo và từ 100.000 - 120.000 đồng/kg đối với chuối sấy giòn. Với giá bán này, anh Phát thu lãi từ 5.000 - 10.000 đồng/kg chuối sấy. Ngoài ra, anh Phát còn nhận sấy chuối thuê cho các hộ dân trong huyện. Mỗi ngày HTX có thể đưa vào chế biến 2.000kg quả tươi các loại. Ngoài sấy chuối, nhãn theo mùa, HTX còn sấy các loại nông sản khác như mít, bí xanh, mướp đắng, hạt sen. Tất cả các nông sản sau chế biến đều cho giá trị tăng 2-3 lần so với bán nguyên liệu thô.

Anh Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Phú Hòa (xã Bình Kiều) hào hứng kể: "Tôi trồng 4 mẫu chuối tây, đang loay hoay tìm chỗ tiêu thụ thì được HTX Toàn Phát mua hết để làm chuối sấy, không còn phải lo đầu ra nữa, vì khi cả vườn chuối vào đợt thu hoạch, chuối chín nhanh trong thời gian ngắn, không bán được thì chỉ có nước đổ đi". Ông Nguyễn Văn Phượng (cùng thôn Phú Hòa) cũng tiết lộ: “Nếu không có HTX Toàn Phát mua với giá 8.000 đồng/kg để sấy làm sản phẩm long nhãn thì hàng tấn nhãn loại II (quả nhỏ mã xấu) của nhà tôi chỉ bán được 5.000-6.000 đồng/kg”.

Đặc sản Khoái Châu không còn lo đầu ra thiếu ổn định nhờ các cơ sở chế biến nâng cao giá trị gia tăng. Ảnh tư liệu

Sau khi nộp hồ sơ đăng ký, năm 2020, chỉ sau một năm sản xuất, các sản phẩm chuối sấy dẻo, chuối sấy khô và long nhãn của HTX Nông sản Toàn Phát được UBND tỉnh Hưng Yên bình xét, cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao của tỉnh.

Để tiêu thụ các loại trái cây chế biến, HTX đã tăng cường quảng bá sản phẩm qua kênh mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Messenger, Youtube… và tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền để được tham gia các hội chợ thương mại tại địa phương và trong khu vực. Nhờ sản phẩm của HTX đã chiếm được sự tin yêu của khách hàng, với phương pháp bán hàng mới trên chợ online nên nhiều người biết đến sản phẩm này hơn, chính vì vậy mà sản lượng tăng lên. HTX cũng đã tích cực liên kết với các doanh nghiệp để đưa các sản phẩm đã qua chế biến ra thị trường. Hiện nay các sản phẩm của HTX nông sản Toàn Phát được phân phối tại rất nhiều các đại lý và siêu thị tại miền Bắc, đặc biệt là các điểm trưng bày sản phẩm OCOP trên cả nước.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Nông sản Toàn Phát tại một Hội chợ xúc tiến thương mại. Ảnh tư liệu.

Là người làm cho quả chuối Khoái Châu từ bình dân trở thành món quà quê đạt chuẩn OCOP đã được đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh lận cận biết đến, thời gian tới, anh Nguyễn Văn Phát dự định sẽ nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm hơn nữa để có thể đưa đặc sản quê hương vào tiêu thụ rộng rãi tại các hệ thống siêu thị và mở rộng ra thị trường trong và ngoài nước.

Giám đốc Nguyễn Văn Phát cho biết, để sản phẩm có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài thì còn nhiều việc phải làm, như hiện nay máy móc sản xuất mặt hàng chuối khô, chuối dẻo đã được đầu tư, song cần phải nâng cấp công nghệ tiên tiến và khép kín hơn nữa để quy trình sản xuất, chế biến chuối khô, chuối dẻo có chất lượng và hiệu quả hơn, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về đảm bảo an toàn thực phẩm của người tiêu dùng và các thị trường khó tính. 

“Chuối sấy giòn của HTX đã được UBND tỉnh Hưng Yên chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Ngoài giúp tăng thu nhập cho các cổ đông góp vốn, HTX còn tạo việc làm ổn định cho 7-8 lao động địa phương, cùng chục lao động thời vụ khác. Tôi mở ra ngành nghề này chủ yếu giúp giải quyết đầu ra, hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch rộ của bà con địa phương, chứ lợi nhuận cũng chưa phải là cao, chỉ ở mức chấp nhận được”, ông Nguyễn Văn Phát, Giám đốc HTX Nông sản Toàn Phát tâm sự.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác