Học hỏi làm giàu

Một nghề thì sống, “đống” nghề thành triệu phú

Hoàng Nam - 07:14 07/02/2022 GMT+7
Người xưa có câu “một nghề thì sống, đống nghề thì chết” nhưng với ông Hà Đức Hiến sinh năm 1962 (tuổi Nhâm Dần) - thôn Hua Phai (Xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) lại không như vậy, “đống nghề” của ông là từ trồng mơ vàng, trồng ớt, làm bún, nuôi lợn, nuôi gà mà ông Hiến đã có thu nhập cả trăm triệu mỗi năm.
Ông Hà Đức Hiến (đứng giữa) đã trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Cao Kỳ giai đoạn 2015-2020

Cây không phụ người

Ông Hiến cho biết, một lần tình cờ được xem chương trình nông nghiệp nói về xu hướng sử dụng, chế biến các sản phẩm cây trồng bản địa. Nhớ ngay đến những cây mơ vàng của địa phương, trước đây thường được các gia đình ngâm với đường để làm nước giải khát vào mùa Hè, nhưng những năm 1990 giá bấp bênh, người dân đã chặt bỏ. Vì vậy ông đã bàn với gia đình trồng lại giống mơ quý này.

Năm 2005, ông Hiến đã cùng với gia đình phát triển trồng lại cây mơ vàng. Là giống cây trồng bản địa vì vậy trong quá trình trồng không tốn nhiều công chăm sóc nhưng cây lại cho quả rất tốt.
Đến nay gia đình ông Hiến đã trồng được 1.500 cây mơ vàng với diện tích 3ha; sau 8 năm trồng thì cây mơ vàng bắt đầu cho quả ổn định, năng xuất đạt 70 tạ/ha. Là cây trồng ở địa phương chính vì vậy khi đưa ra ngoài thị trường được các khách hàng rất quan tâm.

Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều HTX, doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy để chế biến các sản phẩm từ mơ vàng thành nước giải khát, rượu mơ, ô mai... Với giá bán từ 10.000-15.000 đồng/kg, 3ha mơ vàng đã cho gia đình ông Hiến thu nhập về 100 triệu đồng mỗi năm.

Khôi phục giống cây mơ vàng đã giúp gia đình ông Hà Đức Hiến có thu nhập khá.

Cùng bà con phát triển

Bên cạnh đó từ năm 2019 đến nay gia đình ông Hiến và một số hộ khác trong thôn Hua Phai đã liên kết để trồng giống ớt chỉ thiên tại soi bãi. Gia đình ông trồng có khoảng 700m2. Sau khi trừ các chi phí cũng cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

Ngoài ra ông còn đầu tư làm nhà xưởng, mua máy xay xát, máy làm bún. Hàng năm từ dịch vụ này gia đình ông thu nhập thêm gần 200 triệu đồng. Tận dụng nguồn cám có sẵn từ xay xát ông đầu tư nuôi lợn nái, lợn thịt, mỗi năm xuất bán từ 2 - 3 tấn lợn thịt, thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Đáng chú ý là từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, ông Hiến đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 5-8 lao động trên địa bàn với mức lương từ 200.000- 300.000 đồng/người/ngày.

Sau hơn 15 năm phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Hiến đã ổn định và vươn nên trở thành hộ khá giàu, thu nhập bình quân mỗi năm đạt 400 triệu đồng. 

“Trong năm qua, tình hình dịch Covid-19 có nhiều ảnh hưởng đến người dân, nhất là với những lao động đi làm ăn xa. Vì vậy những gia đình có điều kiện về đất đai, nhân lực cũng cần tính toán về việc phát triển nông nghiệp, những cây trồng, vật nuôi nếu được chăm sóc cẩn thận chắc chắn sẽ không phụ công người, tôi hy vọng trong năm tới dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, người nông dân sẽ có những mùa vụ bội thu”, ông Hiến chia sẻ thêm.  

Nhận xét về mô hình của ông Hiến, ông Phùng Văn Nghi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) cho hay: Ông Hiến là một hội viên nông dân cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Ngoài ta, ông còn rất tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các hộ khác còn gặp khó khăn để đầu tư phát triển sản xuất. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác