Nông nghiệp

Nghệ An: Ngành Chăn nuôi phát triển nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh

Bùi Ánh - 15:42 17/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong thời gian qua, ngành Chăn nuôi của tỉnh Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực: Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng tịnh tiến hàng năm; năng suất và chất lượng các loại sản phẩm thịt, trứng, sữa không ngừng được nâng lên. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi đạt 14 nghìn 349 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 6,24%; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp thuần tăng khá, đạt 48,25%.

Ngày 16/3, tại Nghệ An đã diễn ra Hội nghị “Phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc gia cầm năm 2023”. Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT và ông Đặng Văn Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y đồng chủ trì.

Toàn cảnh Hội nghị “Phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc gia cầm năm 2023”. Ảnh: Bùi Ánh

Nghệ An là một trong những tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước, đa dạng các loại vật nuôi và phát triển tịnh tiến đều hàng năm nhờ vào những định hướng tốt của ngành chuyên môn. Hiện nay, ngành Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, từng bước chuyển đổi hình thức từ nhỏ lẻ, phân tác sang trang trại tập trung; hình thành các vùng chăn nuôi, sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Từ đó, có nhiều doanh nghiệp lớn với tổng mức đầu tư quy mô, bài bản về xây dựng chuỗi chăn nuôi trên địa bản. Điển hình là chuỗi chăn nuôi lợn của Công ty Masan, Công ty chăn nuôi CP, Công ty TNHH Thành Đô, Công ty Darby CJ Genetics…

Cùng với đó, chăn nuôi gia cầm đã hình thành và phát triển nhiều chuỗi liên kết, đặc biệt là chăn nuôi gà với hình thức chủ yếu là nuôi gia công cho các Công ty, Tập đoàn lớn như: C.P, Japfa Comfeed, Golden star, Greenfeed, Vietswan... Đồng thời, liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức HTX, THT phát triển mạnh như HTX chăn nuôi gà Thanh Chương, HTX chăn nuôi gà Nghi Trung (Nghi Lộc), HTX chăn nuôi Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu)...

Qua nắm bắt, năng suất và chất lượng các sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng, sữa) của Nghệ An ngày càng tăng nhanh, nhìn chung đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp công quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn cũng như quá trình phát triển KT-XH của toàn tỉnh.

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì Hội nghị. Ảnh: Bùi Ánh

Để có được thành quả đó, phải ghi nhận những nỗ lực của Chi cục Chăn nuôi và thú y Nghệ An về công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn giống vật nuôi nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi; thanh, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được khống chế; bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra nhỏ lẻ. Một số dịch bệnh khác được phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng; Số ổ dịch giảm, số gia súc, gia cầm tiêu hủy ít. Công tác giám sát bệnh Dại được chú trọng, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp bệnh Dại xảy ra ở động vật giảm thiểu lây lan và giảm thiệt hại cho con người.

Tuy vậy, ngành Chăn nuôi của tỉnh chưa khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ lệ cao. Công tác thống kê tổng đàn chưa sát thực tế, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt thấp; hầu hết các huyện chưa quản lý được trang trại chăn nuôi trên địa bàn, chưa nắm được số liệu tiêm phòng tại trang trại. Việc kiểm tra, phát hiện vi phạm về sử dụng thuốc thú y còn hạn chế. Người chăn nuôi còn lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng và trị bệnh dễ gây ra tình trạng kháng kháng sinh…

Các doanh nghiệp ngành Chăn nuôi Nghệ An đầu tư trang trại quy mô, tập trung. Ảnh: Bùi Ánh

Từ thực tiễn đặt ra, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18/1/2023 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho ngành Chăn nuôi. Theo đó, năm 2023 phấn đấu nâng tổng đàn trâu bò lên 793.000 con; đàn lợn 1.150.000 con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 285.000 tấn; sản lượng sữa đạt 260 triệu lít.

Kết luận tại Hội nghị, ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị: “Để chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả, giúp ngành Chăn nuôi phát triển bền vững, có sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản các đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến cung ứng con giống, vật tư, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm động vật: Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh theo quy định…”

Tin cùng chuyên mục
Tin khác