Làng nghề

Nghề làm khuôn bánh Trung thu ở làng Định Quán

15:25 19/07/2017 GMT+7

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Nam, làng Định Quán, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín nổi tiếng với nghề đục khuôn bánh Trung thu. Những khuôn bánh các loại của làng từ lâu đã theo chân khách hàng đi khắp mọi miền đất nước.

Những ngày này về làng Định Quán sẽ thấy nhiều người làm khuôn bánh, tiếng đục vang khắp xóm. Bà Luyến và chị Tú ngày thường thì làm ruộng, nhưng vào mùa bánh trung thu cũng tham gia làm khuôn bánh.

Loại gỗ chọn làm khuôn thường là gỗ thị hoặc gỗ xà cừ, bởi 2 loại gỗ này có độ mịn, dẻo, không bị cong vênh lại dễ tạo hình.

Một mẫu khó có nhiều tầng . 

Đầu tiên, người thợ phải tạo hình khuôn lên gỗ. Sau đó, sẽ dùng cưa vanh cắt theo hình dáng khuôn bánh, riêng phần cán cầm được tiện tròn để người thợ cầm được chắc tay. Việc đục hoa văn cũng phải tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ.

Dùng cưa vanh để cắt theo hình dáng khuôn bánh.

Thời gian để người thợ lành nghề làm ra một khuôn bánh tùy vào độ phức tạp của hình mẫu nhưng thường cần từ 1 – 3 giờ đồng hồ. Với đôi tay khéo léo, người thợ Định Quán đã tạo ra hàng trăm mẫu khuôn với đủ hình dáng, kích cỡ khác nhau.

Ông Trần Văn Bản cho biết “Hàng tôi làm ra
bán khắp trên phố Hàng Quạt, Tô Tịch, nhiều hơn là các hộ làm bánh tại Xuân Đỉnh, các chợ và các cơ sở sản xuất bánh trung thu trên cả nước”.

Trên cơ sở những mẫu khuôn truyền thống như Mai Thọ, Sen Thọ, Hoa Hồng và các con giống tôm, cua, cá… ngày nay, người thợ còn sáng tạo ra những loại khuôn mới ngộ nghĩnh, mô phỏng theo các nhân vật hoạt hình như Mèo Tom, Pikachu, Doremon…

Khuôn cá chép khi đã hoàn thiện.

Giá của những chiếc khuôn này dao động từ 100.000 – 300.000 đồng/khuôn, tùy thuộc vào kích thước và độ cầu kỳ của hoa văn. “Có những khuôn cỡ lớn, hoa văn cầu kỳ có giá lên tới vài triệu đồng”- ông Trần Văn Bản, người thợ đã có 30 năm thâm niên trong nghề chia sẻ.

Khuôn truyền thống.

Những năm gần đây nhờ có công nghệ hiện đại nên một số khuôn bánh đã được làm bằng máy đục gỗ tự động CNC. Chỉ cần đưa họa tiết vào máy tình là máy sẽ lập trình cho máy đục tự động làm ra một khuôn bánh như ý. Chính vì vậy giá thành của khuôn bánh không bị cao so với làm thủ công. Tuy vậy, ông Bản cho biết: “Khuôn máy nhìn nó bị cứng chứ không có hồn như làm thủ công”.

Gỗ xà cừ hoặc gỗ thị dễ đục và bền, ít bị mối mọt.

Dù đã trải qua không ít thăng trầm, bên cạnh đó là việc sử dụng khuôn bánh bằng nhựa khiến làng nghề gặp không ít khó khăn nhưng những người thợ ở đây vẫn cố giữ nghề.   

Phần cán cầm phải dùng máy tiện tròn.
Hoàng Việt
Tin cùng chuyên mục
Tin khác