Chuyện nhà nông

Người trồng mai Bình Định lo ế ẩm vụ hoa Tết

13:05 17/12/2021 GMT+7
Năm nay người trồng mai vàng Bình Định như “ngồi trên đống lửa”, vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ thêm khó.

Chỉ còn một tháng rưỡi nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thế nhưng, nhiều người trồng mai ở Bình Định như “ngồi trên đống lửa” vì vắng bóng thương lái đến đặt mua. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 lại diễn biến phức tạp, mưa bão vẫn còn có thể tiếp diễn khiến người trồng mai Bình Định thêm lo lắng.

Người dân chăm sóc cây mai để kịp bán vụ Tết.

Những ngày này, anh Nguyễn Minh Hậu (36 tuổi), ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định tập trung chăm vườn mai để kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán. Gia đình anh Hậu trồng khoảng 2.500 chậu mai từ 1 đến 9 năm tuổi. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, vườn nhà anh có khoảng 500 cây mai từ 5 đến 9 năm tuổi xuất bán. Mưa lũ hồi cuối tháng 11 vừa qua đã làm một số cây mai bị gãy cành, rớt búp. Năm nay gia đình đã đầu tư hơn 100 triệu đồng nhưng hiện chưa có thương lái nào đến đặt mua.

“Chuẩn bị 10 ngày nữa bắt đầu ngắt lá mai canh cho miền Bắc, còn miền Nam khoảng từ mùng 5 đến mùng 10 tháng Chạp. Tình hình năm nay thấy thị trường cây mai rất chậm. Các năm trước, thời điểm bây giờ thương lái đi rất nhiều, còn năm nay do tình hình dịch Covid-19 căng thẳng thương lái ít đến mua. Bà con trồng mai rất cần sự hỗ trợ" - anh Nguyễn Minh Hậu cho biết.

Người dân đưa mai lên dọc Quốc lộ 1A để bán dần.

Hàng năm, từ tháng 11 âm lịch, không khí tại các làng mai ở thị xã An Nhơn đã nhộn nhịp. Trong khi người trồng mai tất bật chăm sóc, tạo dáng thế… thì cũng là thời điểm thương lái khắp nơi đổ về các làng mai dạo xem rồi đặt cọc tiền trước. Đến đầu và giữa tháng Chạp, hàng triệu chậu mai lần lượt xếp lên các chuyến xe tỏa đi khắp cả nước để bán dịp Tết Nguyên đán.

Thế nhưng, năm nay người trồng mai như “ngồi trên đống lửa”, vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ thêm khó. Những ngày qua, mặc dù chưa ngắt lá mai nhưng nhiều người trồng mai ở thị xã An Nhơn đã đưa chậu mai lên dọc Quốc lộ 1A để bày bán. Trước dự báo bão số 9 diễn biến phức tạp, nhiều người lo lắng cây mai sẽ không kịp nở vào dịp Tết sắp tới.

Ông Bùi Văn Cư - Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, địa phương vận động bà con tăng cường dùng mạng xã hội để kết nối bán mai cho các thị trường phía Bắc và phía Nam.

Để bán được cây mai thương phẩm, UBND thị xã An Nhơn đã chỉ đạo cho Phòng Kinh tế phối hợp với các địa phương hướng dẫn tạo điều kiện cho bàn con những vị trí tập kết bán trong dịp Tết. Đối với cây mai bị ngập úng độ tuổi năm thứ 2, thứ 3, UBND hướng dẫn bà con cách chăm sóc đảm bảo điều kiện cây mai phát triển để duy trì trong những năm sau.

Cây mai cảnh được ngắt lá để chuẩn bị bán cho khách hàng.

Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định là thủ phủ mai vàng ở miền Trung với khoảng 15.000 hộ dân trồng và luôn duy trì khoảng 7 đến 10 triệu cây mai các loại. Cây mai mang lại kinh tế rất lớn cho người dân ở thị xã An Nhơn với tổng thu nhập từ trồng mai 120 tỷ đồng/năm. Nghề trồng và chăm sóc mai cũng giải quyết việc làm hàng ngàn lao động tại địa phương với mức thu nhập gần 300.000 đồng/ngày. 

Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, ngành nông nghiệp đang phối hợp với thị xã An Nhơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Trước mắt, thống kê toàn bộ số chậu mai sẽ bán vào dịp Tết Nhâm Dần năm 2022 để tìm cách hỗ trợ người dân tiêu thụ. Về lâu dài, ngành nông nghiệp sẽ quy hoạch lại khu vực trồng mai tập trung, tránh tình trạng ngập úng và nông dân phải chạy khắp nơi tìm đầu ra cho cây mai.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cùng với thị xã An Nhơn giải quyết vấn đề cơ bản đối với sản xuất và tiêu thụ cây mai. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ xây dựng được chuỗi liên kết. Muốn xây dựng được chuỗi liên kết thì phải xây dựng được các hợp tác xã. Sang năm chúng tôi cùng với thị xã An Nhơn xây dựng hợp tác Nhơn An, hỗ trợ nhau từ khâu trồng, chăm sóc đến việc tiêu thụ, phải tháo gỡ được khó khăn đối với bà con" - ông Trần Văn Phúc nói./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác