Nông thôn mới

Nhà rông từ truyền thống đến… truyền thống

07:45 02/09/2017 GMT+7

Nhà rông Tây Nguyên đang ngày một trở nên hiếm trong đời sống bởi rất nhiều lý do, dù cho chúng ta, đến bây giờ, đang hô hào bà con giữ gìn và bảo tồn. Sở dĩ nói “bây giờ”, bởi có thời không phải “bây giờ”, chúng ta rùng rùng làm nhà rông văn hóa, tốn rất nhiều tiền mà rồi toàn chết yểu. Người viết bài này đã có không dưới chục bài báo phân tích về việc nhà rông văn hóa đã triệt tiêu nhà rông truyền thống như thế nào, mà rồi nhà rông truyền thống vẫn cứ bị triệt tiêu như thường.

Nhà rông phổ biến ở vùng đồng bào các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên. Hiện nay chỉ còn lác đác ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên. Có thể xưa kia nó kéo dài đến hết các dân tộc ở Nam Tây Nguyên nữa, nhưng do đủ thứ lý do, giờ chỉ còn ở Gia Lai và Kon Tum là chủ yếu. Là nói hơn chục năm về trước, chứ giờ Gia Lai và Kon Tum cũng đang báo động vì sự ít đi hàng ngày, với rất nhiều lý do, trong đó có sự tác động không nhỏ cách hành xử của những con người hiện tại.

Cho đến vừa rồi, làng Kon Sơ Lăl của huyện Chư Pah dựng lại một ngôi nhà rông truyền thống, bề thế và nguy nga, đúng kiểu truyền thống, trở thành một sự kiện đặc biệt.

Đối với làng Tây Nguyên, nhà rông như trái tim của làng, nó vừa là sức mạnh vật chất, lại chứa đựng yếu tố tâm linh, nó biểu hiện quyền uy, sức mạnh của làng. Điều đặc biệt là, ngôi nhà rông to cao lừng lững thế lại do những nghệ nhân mù chữ, có người chưa bao giờ ra khỏi làng và không hề sử dụng một chút vật liệu gì của thời hiện đại như đinh, sắt thép… mà chỉ toàn cây rừng và dụng cụ cũng rất đơn giản gồm rìu và rựa.

Yếu tố vật chất của nhà rông là nơi dân làng sinh hoạt, hội họp, tối tối thanh niên chưa vợ lên ngủ. Trước khi ngủ họ chơi nhạc, kni, goong, trưng… Về mặt tâm linh, họ xem đây là nơi trú ngụ của các vị thần, là nơi dân làng gửi gắm niềm tin, giao tiếp với thần linh, “đề đạt nguyện vọng” với thần linh như cách nói của chúng ta bây giờ.

Chính vì việc các nghệ nhân làm nhà rông (ngày càng hiếm) không cần bản vẽ thiết kế hay là một điều gì tương tự mà thoạt trông các nhà rông tưởng là đều giống nhau nhưng thực ra nó mang dấu ấn cá nhân của người làm khá rõ. Điều này làm cho việc làm các nhà rông truyền thống gần giống với sáng tạo nghệ thuật nơi in đậm dấu ấn cá nhân con người với tư cách chủ thể sáng tạo, nơi tài hoa cá nhân được phát tiết một cách tự do nhất say mê nhất hào hứng nhất… Và cũng điều này khiến cho nghệ nhân làm nhà rông trở thành “của hiếm” và việc làm nhà rông chỉ diễn ra vài ba chục năm một lần. Các nghệ nhân tài hoa đã thưa thớt lại càng thưa thớt. Các dịp làng sửa hoặc làm mới nhà rông chính là dịp để các nghệ nhân lớn tuổi truyền nghề cho con cháu.

Nhà rông còn rất nhiều bí ẩn mà người ta chưa khám phá hết, ví dụ như ai cũng biết “cao nguyên lộng gió”, những cơn gió như những con ngựa bất kham lồng lộn trên thảo nguyên có thể cuốn phăng những gì chúng gặp trên đường. Thế mà nhà rông lại luôn luôn vút cao giữa đồi như một con gà mẹ giữa bầy gà con là các nhà sàn để ở quây quần xung quanh nhà rông lại rất mỏng manh với mái như một cánh buồm và chỉ cột bằng lạt… Thế mà cứ thế tồn tại? Thêm nữa, nhà rông hoàn toàn làm bằng tranh tre nứa lá, giữa nhà bao giờ cũng có bếp lửa, đồng bào đến nhà rông bao giờ cũng cầm đuốc và họ luôn luôn hút thuốc những ống thuốc to sụ rít lên lửa lóe sáng bập bùng…, thế mà chưa bao giờ hoặc nói cực chính xác là rất ít khi nhà rông… cháy! (Nếu không phải cố tình đốt). Hoặc nữa như nhà rông rất ít muỗi, đêm đêm thanh niên lên ngủ la liệt, cán bộ đi công tác về làng cũng toàn ra nhà rông mắc võng vắt vẻo ngủ!

Tôi đã có nhiều đêm ở nhà rông để nghe kể khan, để hóa thân thành Diông Dư, thành Bok Keidei… mà đắm đuối nàng Bia nàng Vai, để hình dung từ thuở khai thiên lập địa cả dải đất Việt Nam này chỉ là một dân tộc thôi, sống cùng một nơi, nói cùng một tiếng nói cho đến ngày họ làm một cái nhà rông. Nhà rông cao và to quá, người này nói người kia không nghe được, thế là phân chia thành nhiều dân tộc nhiều tiếng nói… Và người ở trên nóc nhà rông chính là nhóm cư dân Tây Nguyên. Mãi mãi nhà rông là một tài sản vô giá với rất nhiều bí ẩn, rất nhiều tài hoa lý thú phía sau dáng vút cao mà mềm mại, những đường cong trữ tình mà cứng cáp, uy vũ mà dịu dàng mỏng manh mà trường tồn, bề thế mà khiêm nhường, hoành tráng mà chừng mực… Tất cả làm nên một bản sắc Tây Nguyên không thể lẫn, như một khát vọng gửi vào trời xanh, gửi vào thời gian, gửi vào mai sau của tâm hồn Tây Nguyên…

Nhà rông là thứ không thể làm thay, không ai đại diện được cho ai như chúng ta từng làm các nhà rông văn hóa “phát” cho đồng bào, có chăng Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho nhân dân để họ tự làm nhà rông cho mình, của mình và vì mình…

Văn Công Hùng

Tin cùng chuyên mục
Tin khác