Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm sát, giải quyết đơn khiếu nại năm 2023
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là lãnh đạo VKSND các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các Chỉ thị chuyên đề; quy định tại các Thông tư liên tịch và các quy chế, quy định, quy trình của Ngành liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Chú trọng tăng cường hoạt động đối thoại với công dân
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu VKSND các cấp trong công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; tiếp tục tăng cường công tác tiếp công dân, gắn công tác tiếp công dân với thẩm quyền kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng tăng cường hoạt động đối thoại với công dân để giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo kéo dài, đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật cho công dân; tham mưu xây dựng kế hoạch tiếp công dân của lãnh đạo VKSND theo quy định của pháp luật và của Ngành.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhất là tại cấp cơ sở (VKSND cấp huyện); chú trọng việc phân loại, xử lý đơn bảo đảm chính xác, tránh trường hợp do phân loại không đúng dẫn đến thụ lý, giải quyết không đúng thẩm quyền; quá trình giải quyết phải tuân thủ quy định của pháp luật, quy chế, quy trình nghiệp vụ của ngành KSND, bảo đảm việc giải quyết phải đúng trình tự thủ tục và nội dung; chủ động tham mưu giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại, tố cáo; không để xảy ra khiếu kiện bức xúc, kéo dài do chậm giải quyết hoặc làm ảnh hưởng tiến độ giải quyết các vụ việc liên quan.
Linh hoạt áp dụng các phương thức kiểm sát
Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp; quan tâm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Tòa án nhân dân; linh hoạt áp dụng các phương thức kiểm sát công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định pháp luật và phòng ngừa chung.
Thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã có hiệu lực pháp luật coi đây là biện pháp chống oan, sai, phòng bỏ lọt tội phạm. VKSND có thẩm quyền tập trung vào kiểm tra, xem xét quyết định giải quyết khiếu nại đối với kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm; phát hiện kịp thời những thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án để áp dụng biện pháp xử lý, khắc phục, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; hạn chế để xảy ra tình trạng đơn thư tồn đọng, kéo dài, không được xử lý, giải quyết.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cập nhật, xử lý, quản lý đơn. Thực hiện việc cập nhật phần mềm quản lý đơn trong toàn Ngành; quá trình thực hiện cần đánh giá đúng thực trạng ứng dựng công nghệ thông tin nhằm đề xuất giải pháp, kiến nghị để đảm bảo việc phân loại, xử lý đơn thuận tiện, chính xác, giảm thiểu thời gian và nhân lực thực hiện.
Theo Chinhphu.vn