Học hỏi làm giàu

"Nông dân Việt Nam xuất sắc" nhờ chăn nuôi trở thành tỷ phú

Dương Trung Kiên - 07:19 13/09/2022 GMT+7
Chị Nguyễn Thị Cương là nông dân ở xóm Việt Ninh, xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên với nghề nuôi, ấp nở gia cầm và chăn nuôi lợn ngoại sinh sản. Nhờ chịu thương chịu khó, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm chị Cương thu lợi nhuận hàng tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Trước đây thu nhập của gia đình chị Cương chủ yếu nhờ 3 sào ruộng cấy lúa nên cuộc sống gia đình rất khó khăn; vợ chồng chị phải xoay sở làm thêm nhiều nghề và chạy chợ để tăng thu nhập cho gia đình. Chị Cương cho biết, thấy nhu cầu chăn nuôi gà của bà con trong vùng ngày càng cao nên chị tìm thu mua gà con giống của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để mang ra chợ bán và giao trực tiếp đến các hộ nuôi gà. Thu nhập từ mua bán gà giống giúp gia đình dần dần có cuộc sống khấm khá hơn. Từ năm 2001 chị đầu tư mua máy ấp trứng công suất nhỏ quy mô 1.200 quả trứng/mẻ, thu mua trứng gà tại địa phương ấp bán gà giống cho các hộ chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc thu gom trứng gà giống từ các hộ chăn nuôi do không kiểm soát được chất lượng nên tỷ lệ ấp nở còn thấp, chất lượng con giống không đồng đều… Năm 2006, sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm của Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình tổ chức, gia đình chị Cương vay vốn Ngân hàng NNPTNT đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà đẻ để chủ động trứng ấp đảm bảo chất lượng, tạo uy tín trên thị trường; với số lượng ban đầu chỉ 500 con gà bố mẹ.

Khoảng 10 năm lại đây phong trào chăn nuôi gà thả vườn, đồi trên địa bàn huyện Phú Bình rất phát triển (“Gà đồi Phú Bình” là sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu năm 2014). Nhận thấy gà thịt thương phẩm lai mía và lai chọi có tốc độ lớn nhanh, chất lượng thịt tương đối tốt, được thị trường ưa chuộng; gia đình chị tìm đến các cơ sở chăn nuôi thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp&PTNT) để học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời mua gà bố, mẹ đảm bảo chất lượng về chăn nuôi ấp nở gà lai mía, lai chọi giống cung cấp cho người chăn nuôi gà thịt thương phẩm.

Mở rộng quy mô sản xuất cần phải có thêm thị trường tiêu thụ, chị Cương chủ động liên kết với các trang trại, gia trại chăn nuôi gà thịt tại địa phương để cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và tư vấn kỹ thuật. Gà giống của gia đình chị được người chăn nuôi tín nhiệm vì chất lượng con giống tốt, gà khỏe mạnh, đồng đều; gà nuôi thịt khả năng tăng trọng nhanh, màu sắc đẹp, sản phẩm thịt gà phù hợp yêu cầu của người tiêu dùng.

Chị Cương đang kiểm tra chất lượng trứng gà.

Năm 2008 gia đình chị Cương đầu tư mua máy ấp trứng bán tự động công suất 16.000 quả trứng/mẻ; mua lại quyền sử dụng đất của người dân địa phương và xin chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả để phát triển chăn nuôi gà. Thời điểm đó trang trại thường xuyên nuôi 4 - 5 nghìn con gà bố mẹ, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và có thị trường tiêu thụ ổn định, trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Cương ngày càng phát triển; nghề nuôi, ấp nở trứng gia cầm, bán gà giống đã giúp gia đình chị vươn lên làm giàu.

 Tích cực áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất

Từ chăn nuôi gà đẻ theo truyền thống, năm 2010 gia đình chị Cương vay thêm vốn đầu tư xây dựng chuồng trại theo quy mô nuôi nhốt công nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, nuôi dưỡng để đảm bảo đảm bảo gà đẻ và ấp nở đạt tỷ lệ cao.

Chị Cương chia sẻ, phải mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất để tăng hiệu quả trong chăn nuôi; Xây dựng chuồng trại theo hướng dẫn và thiết kế của các chuyên gia chăn nuôi theo hướng hiện đại như: chuồng trại khép kín, chuồng lạnh có lắp đặt hệ thống quạt thông gió, nước làm mát, đầu tư máy phát điện, máy ấp trứng… Gà nuôi trong phòng lạnh được cách ly với bên ngoài, đồng thời được phòng bệnh bằng vắc-xin theo đúng quy trình nên đàn gà khỏe mạnh, ít mắc bệnh.

Cùng với đầu tư xây dựng chuồng trại, năm 2015 chị tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà. Kết quả cho thấy thụ tinh nhân tạo dễ áp dụng, gà trống được nuôi chăm sóc riêng nên chất lượng con giống tốt, tỷ lệ trứng có phôi, tỷ lệ ấp nở cao hơn so với gà giao phối tự nhiên. Mặt khác, do số gà trống để khai thác tinh cần sử dụng ít hơn nên tiết kiệm được chi phí thức ăn.

Từ thành công nuôi gà đẻ trứng, đầu năm 2015 gia đình chị tiếp tục đầu tư nuôi lợn nái ngoại theo quy mô công nghiệp hiện đại. Chọn nuôi lợn giống của công ty GreenFeed và CP, là các công ty có nguồn lợn giống chất lượng tốt và an toàn dịch bệnh. Chuồng trại được thiết kế theo từng khu riêng biệt nhưng liên hoàn gồm các dãy chuồng nuôi lợn nái chờ phối và nái chửa - nái đẻ - lợn con sau cai sữa - lợn hậu bị và lợn thịt. Đồng thời xây hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Phương pháp thụ tinh nhân tạo cũng được áp dụng cho chăn nuôi lợn sinh sản.

Chị Cương chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Tấm gương nữ nông dân xuất sắc

Hiện nay trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Cương có diện tích hơn 2 ha, với 3 dãy chuồng lạnh chăn nuôi 7.000 gà mái đẻ, 8.000 gà mái hậu bị; sở hữu 7 máy ấp trứng công suất mỗi máy 16.000 quả trứng/mẻ; cùng với 5 dãy chuồng lợn nuôi 170 lợn nái ngoại sinh sản.

Trang trại cung cấp gà giống (gà lai mía, gà lai chọi), lợn giống, đại lý thức ăn chăn nuôi cho các hộ, trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang…; đồng thời cung cấp lợn thịt cho thị trường. Năm 2015 tổng doanh thu toàn trang trại đạt trên 13 tỷ đồng, lợi nhuận trên 2,6 tỷ đồng; năm 2016 gia đình chị Cương thu lãi trên 3 tỷ đồng, năm 2021 lợi nhuận trên 5,6 tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của chị Cương còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động thường xuyên có thu nhập ổn định và 25 lao động thời vụ với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình chị Cương còn giúp nhiều hộ chăn nuôi địa phương về giống lợn, gà, thức ăn chăn nuôi; đồng thời thường xuyên tư vấn, hướng dẫn phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi cho hàng trăm lượt hộ nông dân ở địa phương. Trực tiếp nhận hỗ trợ, giúp đỡ cho 20 hộ gia đình hội viên nông dân nghèo để phát triển kinh tế; đến nay 11 hộ nông dân đã thoát nghèo.

Cùng với phát triển chăn nuôi, làm giàu chính đáng, chị Cương cùng gia đình còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngoài góp tiền, ngày công lao động, hàng năm gia đình chị còn ủng hộ các loại quỹ như: quỹ vì người nghèo, quỹ vì trẻ thơ, quỹ khuyến học, quỹ chất độc da cam …; ủng hộ xây dựng nhà văn hóa xóm; đã đóng góp 30 triệu đồng và sẽ tiếp tục ủng hộ địa phương 100 triệu đồng làm đường bê tông nông thôn.

Qua nhiều năm phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời tích cực tham gia các phong trào của địa phương và các phong trào thi đua yêu nước do các tổ chức phát động; gia đình chị Nguyễn Thị Cương từng nhận nhiều giấy khen nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, huyện. Năm 2015 gia đình chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của tỉnh Thái Nguyên.

Tại lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, chị Nguyễn Thị Cương được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016”. Cũng trong Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”, chị Cương vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tới đây, chị là đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết phong trào ”Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2017 – 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác