Làng nghề

Nhộn nhịp làng lưới Thơm Rơm

06:00 21/07/2017 GMT+7

Năm nay, theo dự báo nước lũ về sẽ sớm hơn mọi năm và có khả năng cao hơn năm trước, vì vậy ngay từ đầu tháng 5 âm lịch, làng lưới Thơm Rơm ( tọa lạc tại khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã nhộn nhịp, sôi động với bao tín hiệu lạc quan.

Một công đoạn lao động

Ông Trần Hoàng Tuấn, chủ một cơ sở sản xuất Đó, Lờ, Dớn, tay lưới các loại, tại làng lưới Thơm Rơm, nơi đã được công nhận là làng nghề truyền thống của TP Cần Thơ cho biết “…5 năm liên tục lũ “ kém”, hàng ngàn lao động tại làng nghề nầy chết dỡ, sống dỡ, năm nay nghe “ đài” thông báo lũ về sớm, bà con làm nghề mừng quá”

Theo nhiều lão nông tại đây kể lại: Làng nghề nầy hình thành trên 40 năm qua với trên 300 hộ dân đang hành nghề, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động. Sản phẩm tại làng nghề nầy có uy tín rất lớn trên thương trường vì chất lượng cao, mẫu mã đẹp, chắc, bền nên đã có mặt tại hầu hết các địa phương của cả nước, kể cả xuất khẩu sang CamPuChia, Lào, Thái Lan…

Nhiều cơ sở sản xuất ở đây cho biết : thị trường tiêu thụ mạnh nhất sản phẩm ngư lưới cụ sản xuất tại Thơm Rơm hiện nay là các huyện đầu nguồn các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An…; các huyện ven biển như : Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề ( tỉnh Sóc Trăng); huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại ( tỉnh Bến Tre)…Thời điểm “ đông ken” nhất thường là vào tháng 6 đến tháng 9 âm lịch là lúc mùa lũ về. Nguồn nguyên liệu được lấy từ TPHCM, An Giang….

Ông Nguyễn Văn An, người có gần 30 năm trong nghề sản xuất lưới ở Thơm Rơm chia xẻ “…mặt hàng sản xuất tại đây rất nhạy, dễ dính cá, thích nghi với các địa hình như: mương vườn, sông, rạch, giá bán phải chăng, đa dạng…”

Hầu hết các thương lái đến đặt hàng số lượng lớn đều được chủ cơ sở giao hàng tận nơi. Tuy sự thỏa thuận đôi bên mà số tiền thanh toán được trả một hay nhiều lần. Nếu như trước đây người mua phải đến tận cơ sở để “ chọn hàng” hay thanh toán tiền mặt thì giờ đây có thể đặt hàng qua điện thoại và chuyển khoản tiền qua hệ thống ngân hàng rất tiện lợi nhưng chủ yếu cả đôi bên phải tuân thủ sự tín nhiệm tuyệt đối lẫn nhau. Giá bán các sản phẩm tại đây từ bình quân từ 70.000 đến 1.000.000 đồng tùy loại như : Lờ, Đó, Dớn, Đục, chày, các tay lưới bắt cá…

Hiện tại tùy thuộc vào công việc cụ thể, tay nghề, người lao động làm thuê ở các cơ sở gia công có thu nhập từ 180.000 đến 200.000 đồng/ người/ngày ( tính theo sản phẩm làm ra hàng ngày). Điều đáng mừng là công việc nầy chỉ đòi hỏi độ bền, sự cần cù, khéo léo, siêng năng nên có khá nhiều trẻ em, người già, phụ nữ làm nghề bằng cách nhận nguyên liệu về nhà gia công.

Ngoài những sản phẩm gia công bằng tay, nhiều hộ dân tại làng lưới Thơm Rơm đã mạnh dạn đầu tư máy móc để sản phẩm ngày càng nhiều, chất lương tinh xảo, hạ giá thành, tăng thu nhập. Theo nhiều cơ sở sản xuất lưới, năm nay do giá chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công, điện… đều tăng, nên giá lưới cũng tăng từ 10 đến 15%.

Đã có một thời gian, làng lưới Thơm Rơm đã nhiều phen điêu đứng vì sự cạnh tranh của các làng lưới Thái Lan ồ ạt thâm nhập. Cạnh đó là sự “ biến mất” của mùa lũ lớn liên tục. Những ngày nầy, người làm lưới Thơm Rơm đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lao động để có nhiều sản phẩm đánh bắt thủy sản phục vụ người tiêu dùng khi mùa lũ đang chuẩn bị kéo về.

Thanh Liêm

Tin cùng chuyên mục
Tin khác