Những bóng hồng giữa đại ngàn Yên Tử
Bóng hồng trên non cao
Núi Yên Tử quanh năm mây phủ, thông reo, trúc mọc, chim muông sum vầy, nếu như phía Đông Yên Tử thuộc Quảng Ninh có làng “mỹ nữ” dân tộc Dao ở thôn Năm Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí từng khuynh đảo bao tao nhân mặc khách, thì ở sườn phía Tây thuộc huyện Sơn Động (Bắc Giang) cũng có một bản người Dao với nhiều tên gọi là bản gái đẹp, làng mỹ nữ…. Điểm tương đồng giữa hai bản làng có nhiều giai nhân tuyệt sắc này là cùng dân tộc Dao nằm dưới chân núi Yên Tử, gần chùa Đồng và liên quan đến đến những truyền tích về thượng hoàng Trần Nhân Tông - một vị vua hết mực yêu nước, thương dân cách đây hơn 700 năm đã tìm cách lánh đời, từ bỏ ngai vàng để xuất gia tu hành.
Thiếu nữ bản Mậu.
Trong đám cưới của của người Dao ở đây, không chỉ là nơi để mọi người đến chia vui, chúc phúc cho đôi bạn trẻ mà còn là nơi hội tụ nhiều nam thanh nữ tú đua sắc khoe tài, trao gửi, tình tứ. Dường như đó là một “rừng hoa”, mọi nhan sắc của bản làng đều tụ hội về đây, những cô gái có nước da trắng nõn, cặp chân thuôn dài, khuôn mặt khả ái, đi nhẹ cười duyên, thỏ thẻ oanh vàng khiến người gặp đầy thiện cảm.
Mùa đông, Yên Tử nổi bật hơn với những bạt hoa rừng, hoa lau bung nở trắng muốt hai bên đường. Những đám mây trắng đùn ra từ tứ phía tạo thành từng vệt ôm vòng bản làng núi cao. Đứng phía dưới bản có thể nhìn thấy chùa Đồng ẩn hiện sau những làn sương khói huyền ảo. Từ đèo Bụt đi chưa đầy ba cây số là tới bản Mậu, bản của người Dao này có hơn 100 hộ người dân tộc Dao.
Vào dịp Tết, đầu xuân, những sắc đỏ rực rỡ trên các bộ trang phục của người phụ nữ Dao xen lẫn giữa màu xanh chốn đại ngàn khiến cho họ càng thêm nổi bật. Từng tốp thôn nữ xúng xính váy áo, châm hoa cài tóc, đầu vấn khăn thêu cầu kỳ tụ họp bên nếp nhà sàn của bản tạo nên phong cảnh hữu tình, thân thiện, níu giữ nhiều du khách đến Yên Tử.
Hậu duệ của cung tần
Câu chuyện về sắc đẹp của con gái bản Mậu có từ xa xưa nhưng phải mãi sau này khi địa phương có người đăng quang trong các cuộc thi sắc đẹp mới được nhiều người nhắc đến. Nét độc đáo của các sơn nữ người Dao ở Mậu chính là ở vẻ đẹp không nhờ đến dao kéo hay đủ các loại hương phấn giống như những cô gái nơi phố thị vẫn sử dụng. Nhan sắc ấy thật giản dị, mộc mạc từ trong câu chuyện huyền thoại, đến trong đời sống hiện tại.
Bàn Thị Thương - một cô gái người Dao bản địa khá xinh đẹp cho biết: “Bản em có hai chị là hoa hậu, người đẹp trong các cuộc thi sắc đẹp toàn quốc và tại địa phương”. Đó là chị Trịnh Thị Hương (SN 1983), từng là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2007, chị Hương tham gia cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam và đạt danh hiệu “Người đẹp Hoa cúc”... Hương vốn là cô gái Dao đẹp người, đẹp nết lại đa tài, năng động. Sau khi đăng quang và học xong đại học chị đã tự bươn chải, nay là một doanh nhân thành đạt và là người có nhiều đóng góp cho công tác nhân đạo, giúp đỡ cộng đồng tại địa phương, trở thành niềm tự hào của người Dao bản Mậu. Là tấm gương về người phụ nữ vừa xinh đẹp, lại giỏi giang để cho các em gái trong bản học tập và noi theo.
Được biết, năm 2012, chị Trịnh Thị Hương đứng ra tài trợ, vận động tài trợ, trực tiếp bồi dưỡng kỹ năng cho các thí sinh tham gia Hội thi Người đẹp Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất. Và cũng tại cuộc thi này, một mỹ nữ dân tộc Dao bản Mậu khác lại được tỏa sáng, đó là Trịnh Thị Tuyết (SN 1993) được trao giải “Người đẹp thân thiện”…
Thiếu nữ Bản Mậu bên nhà sàn.
Ông Trịnh Văn Chung (79 tuổi) dân tộc Dao ở bản Mậu kể: Người dân bản Mậu thuộc nằm lòng những câu chuyện huyền tích về nguồn gốc "bản gái đẹp"- vùng đất sinh ra toàn gái đẹp, là dòng dõi cung tần mỹ nữ xa xưa.
Tương truyền Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi xuất gia vào núi Yên Tử có hàng trăm cung tần, mỹ nữ đi theo hầu. Khi đến đây, do Phật hoàng không cho các cô ở lại nơi đất Phật, đường về kinh thành xa xôi, trắc trở, lại không chốn dung thân giữa núi rừng nên các cung tần mỹ nữ đã gieo mình xuống con suối của đại ngàn Yên Tử. Phật hoàng Trần Nhân Tông đau xót cho lập đền cúng tế và đặt tên con suối này là suối Giải Oan tại xã Thượng Yên Công. Trong số mỹ nữ ấy có một số người được đồng bào dân tộc Dao dưới chân núi Yên Tử cứu sống và cưu mang. Cảm kích ơn cứu mạng, các cung tần mỹ nữ này đã xin ở lại và kết hôn với các chàng người Dao bản địa và những hậu duệ nơi này được thừa hưởng nhan sắc cũng như phong cách lịch lãm của vương triều.
Lại có huyền tích khác kể rằng: Nhân những chuyến theo vua từ kinh thành đến núi Yên Tử tu hành, các cung nữ lên vãn cảnh chùa Đồng, trời tối nên vào nhà đồng bào xin nghỉ tạm qua đêm. Được tiếp đón chu đáo nên nhiều cung nữ đã xúc động, xin ở lại đây sinh sống luôn và cưới các chàng trai người Dao... Thế nên ngày nay, hậu duệ của các cung tần, mỹ nữ này mới có vẻ đẹp đài các, quý phái như vậy.
Nhà sàn bản Mậu.
Đó là chuyện của quá khứ, của huyền thoại còn ngày nay, chỉ cần ghé vào bản Mậu là bắt gặp những nét mặt dịu dàng ưa nhìn của thiếu nữ người Dao. Qua thời gian, nhan sắc ấy ngày càng đằm thắm, sắc sảo hơn bởi nét đẹp vốn có được bồi đắp thêm bằng sự tảo tần, chịu thương chịu khó và tài giỏi.
Bà Triệu Thị Xoan (SN 1949) ở bản Mậu cho biết, đã được nghe rất nhiều sự tích về nguồn gốc làng gái đẹp nhưng theo bà, con gái Dao ở bản Mậu đẹp người, đẹp nết là được thừa hưởng từ người mẹ và cũng có thể là dùng nguồn nước từ dãy núi Yên Tử, cộng thêm khí hậu quanh năm mát mẻ, ít ô nhiễm.
Nhưng điều quan trọng hơn cả đó là đối với đồng bào Dao, từ xưa đến nay cũng rất coi trọng việc giáo dục trẻ em, nhất là em gái từng nết ăn, nết ở, biết “nữ công gia chánh”, ăn nói nhỏ nhẹ dễ nghe, giao tiếp lịch thiệp, đi đứng từ tốn, đoan trang... Thế nên cái duyên của con gái bản Mậu còn thể hiện ở sự khéo léo trong giao tiếp, ứng xử nên càng tôn thêm vẻ đẹp của phụ nữ nơi đây.