Niềm vui được mùa, được giá các chuyến biển từ Trường Sa trở về
Cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung bộ những ngày cuối năm càng trở nên nhộn nhịp, bởi rất nhiều tàu cá trở về từ các ngư trường truyền thống như Trường Sa, DK1. Các tàu nhanh chóng bốc dỡ, mua bán hải sản để ngư dân sớm trở về đón Tết.
Tàu cá của anh Võ Pháp, ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, sau chuyến đánh bắt hơn 20 ngày ở vùng biển Trường Sa vừa cập Cảng cá Hòn Rớ. Chuyến này, tàu anh đánh bắt được hơn 2 tấn cá, đây là sản lượng cao khi trước đó việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh Covid-19, giá cả. Cập cảng niềm vui được tăng thêm khi giá cá được thu mua lên đến 150 ngàn đồng/kg cũng là mức giá cao trong nhiều năm. Được mùa, được giá giúp anh Võ Pháp cùng các ngư dân thêm niềm vui, vững tin để soạn sửa nhằm sớm mở biển ngay sau Tết Nguyên đán.
“Làm ở vùng Trường Sa, câu được 70 con, thấy chuyến này vô giá cả rất ổn định. Bà con ngư dân thấy giá cả cao như vậy nên rất mừng. Trừ tổn phí, chia cho bạn kiếm được mỗi người được vài chục triệu. Tết năm nay cũng vui chơi ít bữa rồi tiếp tục vươn khơi, bám biển”, anh Võ Pháp chia sẻ.
Tàu cá cập cảng Cảng cá Hòn Rớ bán cá đa phần là của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ. Khi tàu vừa cập cảng, các thương lái đã nhanh chóng mua hàng, đưa cá đến các nhà máy chế biến. Giá cá tăng do nguồn nguyên liệu của các Nhà máy bị thiếu hụt do vừa qua ảnh hưởng dịch bệnh nên nhiều tàu cá phải nằm bờ. Các Hiệp định thương mại tự do giữa nước ta với các thị trường lớn như Châu Âu, Bắc Mỹ có hiệu lực, tạo điều kiện để tăng doanh số xuất khẩu. Vì thế, các doanh nghiệp thu mua và chế biến đã nâng giá để cạnh tranh thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến, trả đơn hàng cho đối tác nước ngoài.
“Tháng này chất lượng cá đảm bảo hơn tháng 4, tháng 5. Hiện tại, giá hơn 140, có thể tăng hơn. Những người đánh bắt có số lượng lớn, giá như vậy thì cuối năm bà con cũng rất vui mừng”, ông Nguyễn Sỹ Trọng, doanh nghiệp thu mua cho biết.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đánh bắt thủy sản và đời sống ngư dân. Nhiều cảng cá như Hòn Rớ đã phải đóng cửa dài ngày để phòng chống dịch bệnh. Tuy vậy, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp ngư dân vượt qua khó khăn, đồng thời, thực hiện thích ứng, linh hoạt với dịch bệnh để tổ chức cho ngư dân ra khơi. Các vướng mắc về chi phí nhiên liệu, “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu đã và đang được tháo gỡ.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 700 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó, có gần 200 tàu câu cá ngừ đại dương. Giá cá tăng cao, đánh bắt đạt sản lượng ngay chính vụ cá nên sau khi đánh bắt xong một số tàu cá đã khẩn trương chuẩn bị nhu yếu phẩm, nguyên liệu để quay lại ngư trường, khai thác xuyên Tết. Trong chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 có 126 tàu cá đăng ký bám biển, tăng 26 tàu so với cùng thời điểm năm trước.
“Tháng cuối năm, một số tàu của ngư dân khai thác xa bờ, đặc biệt là nghề câu cá ngừ, sản lượng có tăng so với một số chuyến của tháng trước. Sau một số tháng nghỉ vì dịch Covid-19 dài ngày, bà con đi lại được sản lượng như này thì rất phấn khởi”, ông Nguyễn Văn Ba, Phó trưởng Ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ và chợ đầu mối thủy sản Nam Trung bộ nói.
Năm 2021, lĩnh vực thủy sản là điểm sáng của kinh tế tỉnh Khánh Hòa, ngư dân đã nỗ lực vươn khơi, đánh bắt được 85.000 tấn hải sản, góp phần rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn 630 triệu USD. Khó khăn vì dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã tăng đến 25% so với năm 2020.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngư dân không chỉ làm tốt việc phát triển kinh tế mà còn góp phần vào việc bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo. Tết này, hàng trăm tàu cá của Khánh Hòa đang có mặt tại các ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa. Thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục hướng dẫn ngư dân tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phát triển nghề cá hiện đại với đội tàu công suất lớn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đầu tư hạ tầng nghề cá để giảm tổn thất sau thu hoạch. Các cơ quan chức năng cũng tích cực hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp trong việc xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, góp phần cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
“Tỉnh đang tập trung phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá, ưu tiên cho việc chế biến sâu để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu đạt chất lượng. Hiện có khu công nghiệp Suối Dầu với nhiều doanh nghiệp đang làm rất tốt việc chế biến, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp tập trung cho chế biến sâu thì lúc đó đánh bắt của bà con mới được nâng lên”, ông Nguyễn Tấn Tuân thông tin./.
Theo VOV