Diễn đàn

Vĩnh Phúc:

Nông dân thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường

Thu Thủy - 07:34 07/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hiện thực hóa mục tiêu chậm nhất đến ngày 31/12/2024 toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn được phân loại tại nguồn, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể và địa phương tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai với nhiều cách làm hay, sáng tạo, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phân loại và xử lý rác thải 

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 62 về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh với mục tiêu chậm nhất đến ngày 31/12/2024, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn được phân loại tại nguồn. Theo đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; ban hành, cấp phát tài liệu hướng dẫn về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, vận động nhân dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống... 

Thực hiện kế hoạch số 62 của tỉnh Vĩnh Phúc, cuối năm 2023, UBND huyện Lập Thạch đã triển khai Kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, huyện đã chọn Tổ dân phố Hưng Thịnh, thị trấn Lập Thạch để thực hiện mô hình với quy mô 100 hộ gia đình.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổ trưởng Tổ dân phố Hưng Thịnh, thị trấn Lập Thạch, thực hiện mô hình thí điểm Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, huyện hỗ trợ mỗi hộ 1 thùng đựng rác, men vi sinh và 200.000 đồng để mua thùng hoặc xây bể xử lý rác thải hữu cơ. Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn các hộ dân quy trình phân loại rác thải, xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh ngay tại hộ gia đình. Bà Nguyễn Thị Ngân trú tại Tổ dân phố Hưng Thịnh là một trong những hộ gia đình đang thực hiện mô hình thí điểm phân loại xử lý rác thải tại nguồn cho biết: “Được sự hỗ trợ, tuyên tuyền, hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn của các phòng, ban, đoàn thể, đến nay, 100% người dân của tổ dân phố đã thực hiện phân loại rác thải tại gia đình. Đặc biệt, việc sử dụng men vi sinh đã giảm mùi hôi, ruồi, nhặng và tạo ra nguồn phân bón sạch cho cây trồng, góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường chung”.

Nhiều phong trào bảo vệ môi trường ở các địa phương được các hội, đoàn thể thực hiện hiệu quả và nhân rộng các sáng kiến, mô hình tiêu biểu. Đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 96%, khu vực nông thôn đạt 76%; thu gom chất thải nguy hại đạt 100%. Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong tháng 3 và tháng 4/2024 tổ chức tập huấn và hướng dẫn cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách môi trường cấp xã, người đứng đầu đơn vị thu gom rác tại các địa phương về quy trình, kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Yên Lạc và huyện Vĩnh Tường và từ tháng 6 - 10/2024 sẽ triển khai nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn của 2 huyện và đến tháng 11/2024 triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.

Nông dân xã Đại Tự, huyện Yên Lạc bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào bồn chứa để mang đi tiêu hủy.

Nhân rộng mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật”

Nhận thấy nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân do việc vứt bừa bãi bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng tại các cánh đồng, những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực xây dựng và triển khai mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV”. 

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phát động phong trào thu gom rác thải, phế thải làm sạch ruộng đồng, nhất là tập trung triển khai mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” trên toàn tỉnh. Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc chung sức xây dựng môi trường xanh vì sức khỏe của cộng đồng.

Là huyện có diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 15.000ha/năm, với năng suất, sản lượng cây trồng đứng nhất, nhì tỉnh, lượng thuốc BVTV được bà con nông dân huyện Yên Lạc sử dụng rất lớn. Trước đây, nhiều xã, thị trấn trong huyện cũng đã được xây dựng hệ thống thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV nhưng việc triển khai chưa phát huy hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Từ khi triển khai thí điểm mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” tại 2 xã Đại Tự và Trung Kiên, môi trường cảnh quan nơi đây như đổi thay hoàn toàn. Dọc theo tuyến đường bê tông của cánh đồng không còn tình trạng bao bì, vỏ chai thuốc BVTV vứt vương vãi như trước. Nông dân sau khi phun thuốc đã tự giác bỏ vỏ chai, bao bì vào các bồn chứa bằng xi măng được đặt ngay ven đường chờ thu gom, vận chuyển và xử lý. 

Từ năm 2021, Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường đã lên ý tưởng và chỉ đạo các cấp Hội cơ sở nghiên cứu mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” để triển khai điểm tại một số xã. Thấy rõ hiệu quả mô hình mang lại, Hội tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn khảo sát các vị trí lắp đặt bồn chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên những cánh đồng được quy hoạch đến năm 2030. Hiện, Hội các cấp đã lắp đặt gần 1.200 bồn chứa vỏ thuốc BVTV đặt ở những vị trí phù hợp, phân bố hợp lý, thuận lợi cho nông dân bỏ vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng. Không chỉ huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường, sau 2 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 66 mô hình, với tổng số 1.849 bồn chứa vỏ thuốc BVTV ở hơn 50 xã, phường, thị trấn và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên.

Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục duy trì các mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” đã được công nhận và nhân rộng thêm 38 mô hình. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn an toàn đồng ruộng; thay đổi thói quen lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

 “Từ khi có các bồn chứa vỏ thuốc BVTV, nông dân đã dần bỏ thói quen vứt vỏ thuốc tại các bờ ruộng, bờ mương, ý thức bảo vệ môi trường của hội viên, nông dân đã thay đổi một cách tích cực. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện đã triển khai được 164 bồn chứa. Dự kiến trong năm 2024, Hội Nông dân huyện sẽ nhân rộng mô hình và lắp đặt thêm khoảng 300 bồn chứa”.
Ông Hoàng Đức Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Lạc.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác