Diễn đàn

Ninh Thuận:

Giúp nông dân mở rộng vùng nông nghiệp công nghệ cao

Mạnh Hùng - 07:05 11/08/2024 GMT+7
(tapchinongthonmoi.vn) - Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, để giúp hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp, các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn với phát triển thương mại, dịch vụ du lịch.
Mô hình trồng nho trong nhà màng của HTX nho Thái An. 

 Hỗ trợ hội viên sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản

Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân (ND) tỉnh Ninh Thuận đã tạo điều kiện hỗ trợ gần 100 hộ ND vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng, triển khai 17 dự án trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản và các ngành nghề khác. Đồng thời, các cấp Hội phối hợp với các ngân hàng tín chấp giúp cho 34.281 hội viên ND vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ đến nay hơn 2.019 tỷ đồng. Nhờ đó, các địa phương xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Để giúp hội viên ND có điều kiện đầu tư vào những mô hình, dự án cần nhiều vốn, bắt đầu từ năm 2024, mức cho vay từ Quỹ Hỗ trợ ND được nâng từ 30 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ, từ 300 triệu lên 600 triệu đồng/dự án.

Với mục đích tăng hiệu quả sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa, Hội ND tỉnh Ninh Thuận còn tích cực vận động hội viên tham gia liên kết theo chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 36 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống, với tổng diện tích hơn 5.010ha; triển khai 70 liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua HTX, doanh nghiệp liên kết trực tiếp với ND sản xuất lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, tỏi, kiệu, ớt, hành tím, chanh không hạt, đậu xanh, điều, mía đường, sắn với tổng diện tích khoảng 15.000ha. Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận đã cấp 35 mã số vùng trồng với diện tích gần 310ha; diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 825ha,...

Hội ND tỉnh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, các cơ sở sản xuất, các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tham gia liên kết với các doanh nghiệp kết nối đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ đầu mối, sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay có hơn 90 đơn vị tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh Ninh Thuận (sanphamninhthuan.vn) với 350 sản phẩm, trong đó 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao đã được đưa lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.
 
Ưu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết

 Đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận đã phát triển được 625,61ha canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC, diện tích cây trồng chứng nhận hữu cơ đạt 4180,8ha và chứng nhận VietGAP đạt hơn 579ha, có 27 doanh nghiệp sản xuất tôm giống ứng dụng CNC và 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh. Từ việc ứng dụng KHCN trong sản xuất đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

 Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội ND Ninh Thuận tiếp tục tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp triển khai các cơ chế chính sách đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, ND xây dựng các mô hình chuỗi liên kết, ứng dụng các mô hình thiết bị thông minh trong sản xuất, chế biến tiêu thụ. Đồng thời, Hội cũng tăng cường hợp tác với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu đưa các giống cây, con mới có năng suất chất lượng cao đến cho hội viên ND ở các địa phương nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.

Ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh sẽ thúc đẩy, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân của các mối liên kết; khuyến khích hộ ND, trang trại, HTX trên địa bàn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; áp dụng công nghệ vào công tác quản lý sản xuất theo hướng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, hình thành thương hiệu, phát triển thị trường.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, ngay từ bây giờ Hội ND tỉnh Ninh Thuận cùng với các ban, ngành chức năng đã tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích hợp quy hoạch khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển của ngành.

Theo đó, Ninh Thuận sẽ xây dựng mỗi huyện có từ 1 - 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lựa chọn từ 3 - 5 vùng có điều kiện thuận lợi gắn với phát triển các sản phẩm đặc thù để lập các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu.

Những cây trồng được tỉnh Ninh Thuận ưu tiên phát triển trong lộ trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao là các cây trồng chủ lực của địa phương như nho, táo, tỏi, măng tây xanh, nha đam và một số cây trồng có tiềm năng phát triển theo nhu cầu thị trường như hành, tỏi, cà chua, dưa lưới, dưa lê, dưa leo, bí đậu, hoa, bưởi da xanh. 

Đặc biệt, Ninh Thuận đã xây dựng 4 chuỗi liên kết giá trị nho, xây dựng cánh đồng lớn trồng nho với diện tích 30ha, cấp 5 mã số vùng trồng nho với diện tích gần 73ha, mở rộng diện tích trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP lên gần 214ha. Cùng với đó, tỉnh đã tích cực triển khai áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất trồng giống nho mới chất lượng cao, nho không hạt. Tính đến nay, diện tích cây nho ứng dụng công nghệ cao chiếm 31% tổng diện tích trồng nho toàn tỉnh, trồng nho công nghệ cao cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha/vụ và từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

 Tỉnh Ninh Thuận cũng ưu tiên các cơ sở chăn nuôi áp dụng công nghệ điều khiển tự động hóa trong chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, tuần hoàn tái sử dụng nước; công nghệ vi sinh thế hệ mới; chế phẩm vi sinh vật đạt tiêu chuẩn quốc tế…Về lĩnh vực thủy sản, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá biển; ưu tiên công nghệ điều khiển tự động hóa trong quản lý môi trường và chăm sóc vật nuôi; công nghệ sinh học tổng hợp; công nghệ vi sinh thế hệ mới; chế phẩm vi sinh vật đạt tiêu chuẩn quốc tế và công nghệ nuôi vùng biển sâu. 

“Hội ND các cấp tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả; bồi dưỡng ND điển hình làm kinh tế giỏi, có uy tín làm nòng cốt để trở thành giám đốc HTX, tổ trưởng sản xuất nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. 
Ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác