Nông dân Cà Mau làm giàu nhờ giỏi trồng cây đặc sản kết hợp nuôi cá
Người dân huyện Cái Nước phát triển mô hình trồng bồn bồn đã hơn 10 năm nay. Ngày ấy, bà con trồng tự phát và chỉ làm một vụ vào mùa mưa. Đến năm 2017, khi Cục Sở hữu - Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước” cho địa phương, có thể nói mô hình này đã có một "cú hích" quan trọng để phát triển. Khi ấy, anh Trần Văn Lạc (sinh năm 1988, ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) đã sớm nhận ra giá trị bền vững mà cây bồn bồn mang lại trong tương lai nên đã chuyển đổi 5 công đất nuôi tôm của gia đình sang trồng bồn bồn.
Thế nhưng hạn chế của mô hình là vào mùa khô, đất bị nhiễm mặn bồn bồn không sống được. Anh Lạc đã lấy hết vốn liếng của hai vợ chồng khi ra riêng thuê cơ giới be bờ bao trữ ngọt hướng tới trồng bồn bồn quanh năm. Ban đầu, hiệu quả cũng chưa cao nhưng với quyết tâm vươn lên từ cây đặc sản của địa phương, anh đã đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm. Để rồi bốn năm qua, không chỉ ruộng bồn bồn của gia đình luôn tươi tốt mà anh Lạc còn kết hợp nuôi các loại cá đồng dưới ruộng để tăng thu nhập. Từ 5 công đất ban đầu anh đã mở rộng ra diện tích làm mô hình ra 20 công. Riêng giá trị cây bồn bồn mỗi tháng giúp gia đình anh có lãi hàng chục triệu đồng.
“Làm mô hình này tuy cực nhưng đồng tiền rất ổn định. Trồng bình thường như mọi người thì chỉ làm được 1 vụ, còn tôi trữ ngọt trồng quanh năm nên chi phí đầu tư cũng nhiều. Nguồn hàng tôi giao cho các tiểu thương trong chợ ở các huyện Cái Nước, Đầm Dơi. Mỗi tháng với 20 công canh tác tôi thu hoạch hơn 3 tấn, lãi được trên 40 triệu đồng”, anh Trần Văn Lạc chia sẻ.
Cây bồn bồn và các loài cá nước ngọt như: cá lóc, cá rô, cá thát lát (thác lác),… giúp gia đình người thanh niên dám nói dám làm có thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu mà những hộ dân ở vùng đất vốn chuyên nuôi tôm quảng canh phải mơ ước. Theo anh Trần Văn Lạc, mô hình không quá khó thực hiện. Để bồn bồn phát triển tốt thì nước trong ruộng phải giữ ở mức khoảng 60 cm. Bờ bao phải gia cố chắc chắn, không cho nước mặn ngấm vào. Thu hoạch bồn bồn hơi vất vả nhưng bù lại khi trồng không cần bỏ nhiều công chăm sóc.
“Làm thì mình theo dõi sự phát triển của cây để bón vôi, lân phù hợp. Đôi khi có rầy đen thì mình tạt thuốc là hết. Tôi làm số lượng lớn nên phải thuê thêm người làm. Mỗi lao động trung bình làm 4 giờ sẽ được trả 200.000 đồng”, anh Lạc cho hay.
Bên cạnh thành công của anh Lạc, tại xã Tân Hưng Đông đang có nhiều người thực hiện mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi các đồng. Cơ quan chức năng địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện để người dân nhân rộng mô hình.
“Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá nước ngọt. Hiện nay, địa bàn Tân Hưng Đông đang tiếp tục mở rộng diện tích vì mô hình rất hiệu quả, thu nhập từ bồn bồn rất ổn định. Hội Nông dân và các cơ quan chức năng xã quản lý nguồn vốn ngân hành chính sách cũng tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận vốn. Từ đó, người dân có nguồn vốn cải tạo, phát triển và nhân rộng mô hình”, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Hưng Đông cho biết.
Trước đây, bồn bồn là loại cây mọc hoang, có thời gian người dân phải tìm cách tận diệt. Theo thời gian, bồn bồn đã vươn mình trở thành đặc sản của tỉnh Cà Mau. Tại huyện Cái Nước, bồn bồn còn là “cây kinh tế” của người dân. Trong tiến trình phát triển nhãn hiệu tập thể “sản phẩm bồn bồn Cái Nước”, mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng như của anh Trần Văn Lạc đã chứng minh hiệu quả, mở ra thêm hướng đi cho người dân địa phương./.
Theo VOV