Nông dân cần nắm rõ luật để tránh bị xử phạt
Vậy việc bảo vệ môi trường ở nông thôn phải thực hiện những quy định gì? Khi sản xuất nông nghiệp phải làm thế nào để bảo vệ môi trường? Hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường…? Tiến sĩ luật Nguyễn Thanh Mai (giảng viên Học viện Tư pháp) giải đáp như sau:
Để Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) thực thi có hiệu quả thì trước tiên phải hiểu một số khái niệm cơ bản được quy định tại Luật này. Có nhiều thuật ngữ như: môi trường; bảo vệ môi trường... hàng ngày chúng ta vẫn nhắc và tưởng chừng rất đơn giản, nhưng đó lại là những khái niệm mang tính khoa học pháp lý, nếu không hiểu cặn kẽ, chính xác sẽ dẫn đến thực hiện không đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình, thậm chí có hành vi vi phạm mà không nhận ra.
Đó là những khái niệm gì, thưa tiến sĩ?
Đó là những khái niệm nêu tại Điều 3, Luật BVMT. Trong đó có một số khái niệm rất cơ bản mà bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào cũng cần phải nắm vững, như:
Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác.
Từ khái niệm trên, ta thấy rằng, bảo vệ môi trường thực chất là bảo vệ các thành phần của môi trường. Và Chương II Luật BVMT quy định cụ thể việc: Bảo vệ môi trường nước; bảo vệ môi trường không khí; bảo vệ môi trường đất; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.
Bên cạnh đó còn một số khái niệm khác như: Ô nhiễm môi trường; chất ô nhiễm; chất thải; chất thải nguy hại… cần phải hiểu thấu đáo.
Luật BVMT cũng quy định việc bảo vệ môi trường trong đô thị, nông thôn; bảo vệ môi trường trong từng lĩnh vực; việc quản lý chất thải và kiểm soát chất ô nhiễm; bồi thường thiệt hại về môi trường…
Vậy việc bảo vệ môi trường nông thôn, phải thực hiện quy định gì?
Việc bảo vệ môi trường nông thôn được quy định tại Điều 58 Luật BVMT. Theo đó:
Yêu cầu về bảo vệ môi trường nông thôn được quy định như sau: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, chế biến phải phù hợp với quy hoạch, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng môi trường xung quanh; chất thải phải được thu gom, tái sử dụng, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; cụm dân cư nông thôn phải có hệ thống thoát nước và biện pháp xử lý nước thải phù hợp; điểm tập kết chất thải phải được bố trí hợp lý; không chăn, thả động vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng; khuyến khích hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường; chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn phải được quản lý theo quy định của pháp luật; chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất;…
Bên cạnh đó, khoản 2, Điều luật này còn quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn của UBND các cấp; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ NN&PTNT. Như: UBND cấp xã tổ chức thống kê và quản lý các loại chất thải sinh hoạt, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát sinh trên địa bàn; tổ chức hoạt động giữ gìn vệ sinh, cải tạo cảnh quan nông thôn; quy định về hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn;…
Ngoài quy định trên, Luật BVMT còn quy định việc bảo vệ môi trường nơi công cộng; bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân…
Sản xuất nông nghiệp là một trong những hoạt động tác động rất lớn đến môi trường. Để hạn chế thấp nhất tác động xấu đến môi trường, pháp luật quy định thế nào, thưa bà?
Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp được quy định tại Điều 61 Luật BVMT. Cụ thể là:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón trong sản xuất nông nghiệp phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.
Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng phải được quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Bao bì đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải. Bùn nạo vét từ kênh, mương, công trình thủy lợi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế và quản lý theo quy định của pháp luật. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.
Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng chất thải từ hoạt động chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc mục đích khác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Thưa bà, hiện nay, chất thải sinh hoạt, đặc biệt ở nông thôn đang là tình trạng nhức nhối. Vậy để giải quyết vấn đề này pháp luật quy định thế nào?
Luật BVMT đã giành 1 Chương (Chương VI) quy định việc quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác. Trong đó quy định cụ thể, chi tiết việc quản lý, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, chất thải nguy hại… các cá nhân, tổ chức và cơ quan liên quan cần nghiên cứu kỹ để thực hiện đúng những quy định đó. Có như vậy, chúng ta mới thực sự được sống trong một trường văn minh xanh - sạch - đẹp.
Cảm ơn tiến sĩ!
Lê Chiên (thực hiện)