Tư vấn pháp luật

Hình thức xử lý khi vi phạm quản lý nuôi chó, mèo

Lê Chiên (ghi) - 07:58 10/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, bệnh dại đang là vấn đề nóng, gây lo lắng cho người dân ở nhiều địa phương. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể như khu vực Tây Nguyên hiện là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong.

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đây là bệnh rất nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo) bị dại trên da bị tổn thương.

Vậy, dưới góc nhìn pháp lý, người nuôi chó, mèo phải có trách nhiệm quản lý chó, mèo thế nào? Khi chó, mèo gây thiệt hại cho người khác thì chủ nuôi chó, mèo bị xử lý ra sao?...Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà (giảng viên trường Đại học Luật tp. Hồ Chí Minh) đã cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa.

Để phòng chống bệnh dại do chó, mèo gây ra, pháp luật quy định người nuôi chó, mèo phải có trách nhiệm quản lý chó, mèo thế nào, thưa Tiến sĩ?

* Theo quy định tại Điều 66 Luật Chăn nuôi thì chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

- Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;

- Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;

- Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;

- Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

* Bên cạnh đó, theo quy định tại Quyết định 193/QĐ-TTg ban hành ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, chủ nuôi chó phải cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình. Đồng thời căn cứ Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP thì chủ nuôi chó phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó, có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

 Một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh dại là tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo; đồng thời khi cho chó ra nơi công cộng phải rọ mõm... Khi chủ nuôi chó, mèo không thực hiện biện pháp này sẽ bị xử lý ra sao?

Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn thì: Chủ nuôi chó, mèo sẽ bị  phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng

b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng

Chó thả rông là một thực trạng khá phổ biến, nhất là vùng nông thôn. Trường hợp này, chủ nuôi chó bị xử lý ra sao?

- Căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm quy định về trật tự công cộng thì: Chủ nuôi chó thả rông chó trong đô thị hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phát tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng.

Các bạn lưu ý, cho dù chó có rọ mõm, nhưng khi cho chó ra nơi công cộng lại thả rông, không quản lý cũng là vi phạm và phải bị xử lý như trên.

Cần xử lý chó, mèo thả rông ở nơi công cộng. Ảnh minh họa

Nếu chó tấn công người khác, gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản thì chủ nuôi chó bị xử lý ra sao?

 - Căn cứ điểm 3, 4 khoản 1, Điều 66 Luật Chăn nuôi thì: Chủ nuôi chó phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác; trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Tùy theo mức độ tổn hại mà chủ nuôi chó phải bồi thường cho người bị hại theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về việc Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, cụ thể như sau:

+ Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

+ Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

+ Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

- Trường hợp chó nuôi gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác thì chủ nuôi chó phải bồi bồi thường cho người bị hại theo quy định tại Điều 590 BLDS 2015 quy định về “Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”, cụ thể là:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

- Trường hợp dẫn đến hậu quả chết người, chủ nuôi chó phải bồi thường thiệt hại do súc vật mình nuôi gây ra theo Khoản 1 Điều 591 BLDS 2015 quy định về “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm”, bao gồm:

+ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

Bên cạnh đó, theo khoản 2, Điều 590, Bộ luật Dân sự 2015 chủ nuôi chó còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trong trường hợp nào thì chủ nuôi chó phải bị xử lý hình sự?

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả gây ra mà chủ nuôi chó có thể bị truy cứu  trách nhiệm hình sự.

Nếu chủ nuôi chó do sơ suất trong việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người có thể bị truy cứu về “Tội vô ý làm chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:

- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Cảm ơn Tiến sĩ!

Tin cùng chuyên mục
Tin khác