Nông dân Đồng Tháp tăng thu nhập từ việc tạo ra các loại lan huệ
Với niềm đam mê cây lan huệ, anh Nguyễn Đức Thọ, sinh năm 1975, ngụ khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tích cực tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu và lai tạo nhiều giống.
Đến nay, anh đã sở hữu hơn 200 loài lan huệ; trong đó, có những loài quý, giá trị cao gấp hàng chục lần so với những loài lan huệ truyền thống.
Theo anh Thọ, cây lan huệ có củ tương tự củ hành, là họ hàng với loài hoa loa kèn. Hoa của lan huệ có màu sắc sặc sỡ và đa dạng như màu đỏ, đỏ cam, trắng xanh, hồng, vàng… Ngày nay, bằng phương pháp lai tạo giống, cho ra nhiều loài hoa lan huệ có hình dạng, màu sắc rất đẹp, độc đáo và mùi thơm dịu nhẹ. Loại cây này thích hợp trưng trong nhà và cũng có thể trồng ở công viên, khu đô thị, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng nên được nhiều khách hàng chọn mua.
Hằng ngày, sau thời gian làm việc tại Hội Cựu chiến binh phường Tân Quy Đông, lúc rảnh rỗi, anh Thọ lại say sưa chăm sóc những chậu lan huệ. Trước đây, anh chỉ trồng chủ yếu 2 giống truyền thống của địa phương là lan huệ đỏ nhung và đỏ kép. Với sự đam mê hoa lan huệ và muốn nâng cao hiệu quả kinh tế loài hoa này, từ năm 2017, anh tích cực tìm tòi, sưu tầm nhiều giống mới của các nước Australia, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... như magical journey, cherry nymph, scarlet sky, prot wine, funny face…
Từ đó, anh Thọ nghiên cứu, áp dụng biện pháp thụ phấn chéo giữa các giống để lai tạo, cho ra những loài lan huệ mới của riêng anh. Đến nay, trong khu vườn rộng trên 1.000m2 của anh có hơn 200 loài lan huệ.
Cây lan huệ càng độc, lạ thì giá trị càng tăng cao. Chẳng hạn, giống lan huệ double green có cánh hoa kép, màu trắng xanh rất lạ, giá bán hơn 3,5 triệu đồng/củ. Giống lan huệ truyền thống ở làng hoa Sa Đéc có giá từ 10.000-15.000 đồng/củ. Trong khi đó, giá bán mỗi củ lan huệ của anh Thọ là từ 120.000 đồng đến 4 triệu đồng (tùy loài và kích thước củ). Sau nhiều năm trồng và nhân giống, năm 2021, anh Thọ bắt đầu bán ra thị trường khoảng 2.000 củ lan huệ, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Hiện, vườn lan huệ của anh còn khoảng 10.000 củ, sơ tính trị giá hàng tỷ đồng.
Anh Nguyễn Đức Thọ phấn khởi cho biết: "Tôi mê lai tạo lan huệ vì hoa đẹp, nhẹ công chăm sóc, hiệu quả kinh tế rất cao so với giống lan huệ cũ. Hiện tại, tình hình tiêu thụ loài cây này thuận lợi. Tôi bán online cho khách hàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sắp tới, tôi dự định ký hợp đồng cung cấp số lượng lớn lan huệ với một khách hàng ở Hà Nội; phát triển diện tích trồng lan huệ của gia đình lên gần 1.500m2."
Thông thường, lan huệ sẽ ra hoa tự nhiên từ tháng Ba đến tháng Năm hằng năm. Tuy nhiên, anh Thọ thường xử lý cho lan huệ ra hoa ngay dịp Tết Nguyên đán để bán được giá cao. Anh chọn những cây trồng từ 18 tháng trở lên, cắt lá và rễ, mang củ lan huệ phơi nắng khoảng 1 tuần, rồi bảo quản củ trong bóng mát 2 tháng. Sau đó, mang những củ lan huệ trồng trở lại vào chậu và chăm sóc khoảng 1 tháng sẽ ra hoa.
Anh Nguyễn Đức Thọ chia sẻ cây lan huệ cho thu nhập cao, khá dễ trồng nhưng từ khi trồng đến xuất bán mất nhiều thời gian. Vấn đề xử lý ra hoa như ý muốn và lai tạo những cây cho riêng mình đòi hỏi phải có kỹ thuật. Cùng với đó, cũng cần chú ý khâu chẻ củ lan huệ để nhân giống, chuẩn bị giá thể trồng lan huệ phù hợp và phòng bệnh thối củ…
Theo ông Võ Minh Thông, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc, anh Nguyễn Đức Thọ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, có ý chí vươn lên. Ban đầu, chỉ trồng lan huệ với số lượng ít, dần dần phát triển thành thành một vườn lớn. Mô hình trồng lan huệ của anh Thọ được đánh giá cao vì chủ động được nguồn cây giống, thị trường đang hút hàng.
"Ngành chức năng đang hỗ trợ, định hướng xây dựng tổ hợp tác sản xuất lan huệ để các nông dân cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và có đầu ra ổn định," ông Võ Minh Thông cho hay./.
Theo Vietnam +