Nông dân Hà Giang tập trung chăm sóc cam sau thu hoạch
Hiện nay ở tỉnh Hà Giang có hơn 8.000ha trồng cam, tổng sản lượng niên vụ 2021-2022 ước đạt khoảng 77.800 tấn. Cam Hà Giang trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.
Thu hoạch cam ở Hà Giang tùy theo giống canh tác, bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau là thu hoạch cam vàng; cam sành thu hoạch bắt đầu từ cuối tháng 12 năm trước đến trung tuần tháng 3 năm sau và cam V2 cho thu hoạch từ sau Tết Nguyên đán đến đầu tháng 5.
Sau 1 năm tập trung cho ra hoa, quả, nuôi quả và thu hoạch thì ngay sau thu hoạch là thời điểm quan trọng nhất để chăm sóc cho cây cam hồi phục. Những việc cần làm như: Tỉa cành, tạo tán để kích thích cây ra chồi mới tập trung, khỏe mạnh, giúp tán cây thông thoáng, nhận đầy đủ ánh sáng và gió; Bón vôi nhằm làm đất giảm chua, hạn chế ngộ độc sắt, nhôm và mangan cho cây, can-xi trong vôi giúp đất phục hồi cấu trúc, ít bị nén, dễ thấm nước. Ngoài ra, vôi còn ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực của phân hữu cơ và cung cấp dưỡng chất can-xi cho cây. Bón thêm phân hữu cơ để cải thiện cấu trúc của đất, giữ nước và làm tăng một số vi sinh vật có lợi trong đất; kích thích cây trồng phát triển.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc vườn cam sau thu hoạch, anh Phạm Quang Huyên, xã Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang) cho hay: Để cây cam phát triển và sai quả sau khi thu hoạch từ 25 – 30 ngày, gia đình anh đã dồn lực tiến hành cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành tược, khô héo, cành tăm hương, mọc không đúng hướng. Kết hợp bón phân chuồng với phân vi sinh để cây có thể hút chất dinh dưỡng; đồng thời phun thuốc trừ sâu để phòng ngừa các loại bệnh.
Cũng giống như gia đình anh Huyên, ngay sau khi thu hoạch cam gia đình bà Vũ Thị Khánh ở xã Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang) cũng gác lại toàn bộ công việc để tập trung chăm sóc vườn cam, bà Khánh cho hay: Việc làm cỏ, xới đất là rất quan trọng. Gần gốc thì xới nông, giữa các hàng thì xới sâu để rễ cây cam phát triển. Cây cam ưa ẩm và ít chịu hạn, vì vậy cần phải theo dõi đảm bảo độ ẩm cho vườn.
Với thời tiết lạnh, nắng nóng thất thường như hiện nay, cây cam dễ bị một số sâu bệnh hại như: Sâu đục thân, nhện, rệp, bệnh thối gốc, ghẻ… Chính vì vậy bà con nông dân thường xuyên thăm vườn, theo dõi sâu bệnh, áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, sử dụng các biện pháp sinh học, khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng theo hướng dẫn kỹ thuật
Bà Nguyễn Thị Thuý – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết thêm: Để hỗ trợ nông dân trồng cam hướng tới một mùa vụ đạt năng suất và chất lượng cao, tại các vùng trồng cam ngay sau khi thu hoạch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã phân công cán bộ bám sát từng địa phương để hỗ trợ người dân, hướng dẫn cho người dân thực hiện cách bón phân, kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bà con nông dân trồng cam tỉnh Hà Giang đã luôn thực hiện đúng quy trình sản xuất đảm bảo sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Trong vụ cam 2021-2022, tại Hà Giang sản phẩm cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP ước đạt 45.700 tấn, cam vàng ước đạt 19.280 tấn.