Nông dân người Jrai thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Những năm qua, phát huy tinh thần tự lực, sáng tạo, thi đua trong lao động, sản xuất, nhiều nông dân ở Gia Lai đã triển khai những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu cho bản thân, là gương sáng để cộng đọng dần cư xung quanh học tập.
Nhà anh Siu Pốp, làng Mrong Ngó 2 (xã, Ia Ka, huyện Chư Păh) mấy năm nay có khách thường xuyên hơn. Đa số khách cũng đều là những người thân thuộc do cùng tham gia tổ liên kết chăm sóc và sơ chế cà phê tiêu chuẩn 4C.
Anh Siu Pốp cho biết, cách làm cà phê của các thành viên tổ liên kết đã hoàn toàn khác trước. Mọi người không chỉ am hiểu quy trình chăm sóc, giúp tăng năng suất vườn cây; biết sơ chế để có hạt cà phê nhân xanh tốt nhất mà còn có nhiều thông tin thị trường để bán sản phẩm vào thời điểm có lợi. Điều này đã giúp cả 20 hộ dân trong tổ gia tăng đáng kể giá trị cà phê sau thu hoạch, giúp anh Siu Pốp giành được Danh hiệu ông dân sản xuất giỏi của huyện Chư Păh.
“Muốn phát triển cà phê bền vững phải đầu tư phân bón nhiều, phải là phân vi sinh kèm theo phân hóa học. Như vậy cà phê sẽ chắc và lớn dần, năng suất sẽ cao hơn. Trồng cà phê không lạm dụng phân hoá học nhiều sẽ khiến cho đất khô cứng, bạc màu. Sử dụng phân bón vi sinh nhiều, cây phê sẽ tươi tốt và ít sâu bệnh, năng suất sẽ cao và giữ đều cho các năm. Những năm qua, tổ liên kết đã thay đổi cách chăm bón, nên những năm tới đây cà phê sẽ cho thu hoạch nhiều hơn”, anh Siu Pốp chia sẻ.
Trong danh sách được UBND tỉnh Gia Lai tuyên dương, khen thưởng năm 2022, chị Rơ com H'Sao, sinh 1985, làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai lại là nông dân sản xuất giỏi theo một cách riêng, đó là kết hợp tốt giữa trồng trọt với chế biến và bán hàng. Chị H’Sao cho biết, cũng như bao bà con người Jrai ở làng Blang, trước đây chị cũng đi vay nợ, trồng cà phê, nuôi lợn. Năm thuận lợi tiền tiêu không hết, nhưng năm khó khăn thu không đủ chi. Nhưng mọi việc đã thay đổi hẳn từ khi chị mạnh dạn mua máy xay sát gạo, mở đại lý thức ăn chăn nuôi và phân bón.
“Ban đầu triển khai ý tưởng các xã viên cũng không có nhiều tiền vốn, nhưng với quyết tâm sẽ làm hết mình nên dần có những kết quả đáng khích lệ. Từ chỗ được gia đình luôn ủng hộ và giúp đỡ cho vay vốn đầu tư, sau khi phát triển mô hình, tôi có điều kiện giúp được anh em, họ hàng có việc làm và thu nhập ổn định. Rất mong thời gian tới có nhiều anh chị em khác cũng cố gắng hết sức làm việc để mang lại của cải cho gia đình", chị H’Sao bày tỏ.
Theo ông Phạm Nhuần, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, từ năm 2017 - 2022, bình quân mỗi năm, Hội Nông dân các cấp tại tỉnh Gia Lai ghi nhận trên 62.000 nông dân sản xuất giỏi. Đây là những hạt nhân giúp phong trào sản xuất, thi đua trong nông nghiệp được lan toả rộng rãi ở vùng nông thôn về việc chuyển đổi phương thức canh tác, thay đổi cây trồng vật nuôi; triển khai những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Từ đó, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên nông dân cùng nhau vượt khó, vươn lên làm giàu.
Ông Nhuần cũng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, người nông dân giỏi phải nắm được cả kỹ thuật sản xuất và thông tin thị trường, ứng dụng được một số thành quả công nghệ số thì mới có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông sản. Vì vậy, Hội Nông dân các cấp tại tỉnh cũng đang có những hoạt động thiết thực, đồng hành cũng sự phát triển của nông dân tỉnh.
“Hàng năm, Hội Nông dân khảo sát những nhu cầu của bà con về sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng sản phẩm, thương hiệu sản phẩm cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm,… Hiện nay, hội viên đang có nhu cầu rất lớn nên Hội Nông dân các cấp cố gắng đáp ứng nguyện vọng, mời những báo cáo viên có kinh nghiệm về truyền đạt, chia sẻ cho bà con”, ông Nhuần thông tin.
Với quyết tâm không khuất phục nghèo đói, tự lực vươn lên làm giàu, hàng nghìn nông dân Gia Lai đang ngày đêm không ngừng nỗ lực, học hỏi, góp phần xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển, khởi sắc.../
Theo VOV