Nông dân Ninh Thuận thấp thỏm lo thất thu vụ Tết
Những ngày này, trên các cánh đồng ở phường Văn Hải, Phước Mỹ (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) và xã Nhơn Hải, Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), tỉnh Ninh Thuận, nông dân tất bật xuống giống các loại rau, củ phục vụ thị trường Tết.
Tất bật chăm sóc rau màu
Năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Quốc Nam ở khu phố 3, phường Văn Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm quyết định trồng hơn 1 sào hoa cúc bán Tết. Cúc nay được hơn 1 tháng tuổi và vợ chồng ông Nam vừa trồng xen thêm vạn thọ với mong muốn có thêm chút thu nhập từ ruộng hoa.
Bà Dương Thị Mười ở xã Văn Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, mấy chục năm nay sống bằng 2 sào trồng rau màu. Ngày thường, bà trồng các loại rau dền, rau cải và rau thơm, hành ngò. Để phục vụ cho thị trường Tết này, bà trồng toàn bộ 2 sào rau thơm.
Bà Mười cho rằng, rau thơm bán Tết có giá hơn nhưng hiện nay trời mưa nắng thất thường, giá phân bón tăng cao, nên cũng hơi lo: "Hai sào này tôi đầu tư mấy triệu bạc. Ví dụ đầu tư vào 3 triệu, bán được 10 triệu, trừ tiền thuốc, tiền phân hết 5 triệu thì tôi còn lời 5 triệu. Tết này tôi trồng ngò, é. É mấy bữa trước được 50-60.000đồng/kg, nay còn 25.000đồng/kg; ngò cũng chỉ còn 10.000 đồng/kg".
Thấp thỏm lo Tết
Anh Phạm Văn Hiên, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, hiện các vùng trồng rau màu của thành phố đều đã xuống giống để phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay thời tiết không thuận lợi, giá phân bón lại tăng cao nên việc canh tác rau màu hơi vất vả.
"Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng như trạm đã hướng dẫn cho bà con những biện pháp bón phân, chăm sóc để có năng suất bán trong dịp Tết này. Một số diện tích rau màu bị ngập, cây trồng bị hư, trạm cũng hướng dẫn cho bà con cầy ải, phơi ải, hiện tại bà con cũng đã xuống giống hành, ngò và quế cho kịp tiến độ phục vụ dịp Tết này", anh Hiên nói.
Chị Lê Thị Gái, ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải cho biết: "Như tôi xuống giống một đợt như thế này khoảng 17-18 triệu. Nếu có giá thì bán được 20-30 triệu. Mà không có giá thì bán chừng 7-8 triệu. Tết đến, mình chỉ trồng hành không trồng gì hết và chủ buôn ở đây sẽ tới mua".
Vụ Tết này, tỉnh Ninh Thuận sản xuất gần 3.000 ha rau màu các loại, sản lượng ước đạt gần 50.000 tấn. Để phòng tránh những bất lợi do thời tiết và đảm bảo đạt năng suất cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã ra thông báo hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại rau.
Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đẩy mạnh liên kết sản xuất rau màu theo chuỗi giá trị khép kín, bao tiêu sản phẩm, giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm: "Tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị liên doanh liên kết để kết nối và mời gọi thêm các doanh nghiệp có điều kiện ở ngoài tỉnh cùng đến Ninh Thuận để đầu tư, cũng như thực hiện liên doanh, liên kết trong sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng trên cùng một đơn vị diện tích".
Hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Người trồng rau màu ở Ninh Thuận vừa tất bật sản xuất vừa mong mọi việc suôn sẻ hơn để rau màu Tết được mùa, được giá, để nông dân có cái Tết ấm no./.
Theo VOV