Tiêu điểm
07:08 25/12/2023 GMT+7

Nhìn lại 5 năm qua (2018-2023), lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã trải qua không ít thăng trầm, có những gam màu dữ dội, nhưng đồng thời cũng có nhiều điểm sáng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp Nông dân đã cùng nhân dân cả nước kiên cường vượt lên “những cơn gió ngược” khắc nghiệt của Thế giới (đại dịch Covid-19, lạm phát, suy giảm nghiêm trọng đà tăng trưởng toàn cầu…). Ngay cả những lúc căng thẳng nhất giữa tâm dịch Covid-19, sức đề kháng của ngành Nông nghiệp, tình người của nông dân, văn hoá bao dung của khu vực nông thôn vẫn là điểm tựa vững chắc, niềm tin ấm áp và là nguồn động viên tiếp sức cho hàng triệu người vượt qua khó khăn, tạo đà phục hồi mạnh mẽ.   

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham quan vườn chè của HTX chè Hảo Đạt 
(huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) ngày 10/1/2023. Ảnh Cổng TTĐT Thái Nguyên.

Về nông nghiệp, thực hiện các Nghị quyết của Đảng và sự điều hành của Chính phủ, nông nghiệp tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng, bảo đảm an ninh lương thực, tiếp tục là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế. Trình độ, tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp của nông dân từng bước được nâng cao, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sản xuất nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ, từng bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao với nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực, xuất khẩu “tỷ đô” như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cá tra, tôm…, tạo ra phương thức sản xuất mới thúc đẩy công nghiệp chế biến, dịch vụ phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở 185 quốc gia và khu vực trên Thế giới. Xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản và một số nông sản khác (1). Chỉ tính 11 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên nước ta xuất khẩu được trên 7,75 triệu tấn gạo, mức cao nhất từng đạt trong lịch sử, với giá trị 4,4 tỷ đô la Mỹ. Giá gạo xuất khẩu vượt giá gạo của Thái Lan, đạt mức cao nhất thế giới (2)
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cùng với những tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn tới một tất yếu khách quan là tỷ lệ nông dân trong tổng dân số cả nước giảm dần những năm qua. Đến nay, nông dân vẫn là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm khoảng 34% dân số cả nước, chiếm 49,17% số hộ ở nông thôn với hơn 9,1 triệu hộ nông dân (3). Tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm liên tục, từ 53,9% năm 2009 xuống còn 46,3% năm 2014 và đạt 35,3% vào năm 2019 (lần đầu tiên trong lịch sử, số lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thấp hơn số lao động làm việc trong khu vực dịch vụ). Đến cuối năm 2022, tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 27,6%, tương ứng với 14,1 triệu người (4).  

Đến nay, nông dân vẫn là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm khoảng 34% dân số cả nước, chiếm 49,17% số hộ ở nông thôn với hơn 9,1 triệu hộ nông dân.
Năm 2023, thành tựu về xuất khẩu gạo đạt cao nhất từ trước đến nay.
Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - cha đẻ gạo ST25  nhận giải tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023 tại Philippines cho gạo ST25. 

Giai cấp Nông dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước, đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế trang trại, tham gia hợp tác, liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn; từng bước làm chủ trong các phong trào ở nông thôn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nông dân cũng chính là nhân vật chủ chốt trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Trình độ của nông dân ngày càng được nâng cao, đời sống, thu nhập và việc làm của dân cư nông thôn được cải thiện đáng kể (5)
Khu vực nông thôn trong 5 năm qua có nhiều thay đổi rõ rệt, khá toàn diện. Kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Đến hết năm 2022, cả nước có 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; cả nước có 6.009/8.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 73,05%), trong đó có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và môi trường khu vực nông thôn phát triển cả số lượng và chất lượng. Diện mạo nông thôn nước ta ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn được cải thiện, giảm tình trạng đói nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị. Nhiều địa phương dần trở thành những miền quê đáng sống, thu hút cư dân đô thị quay về. Nông thôn thể hiện rõ vai trò là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Diện mạo nông thôn nước ta ngày càng khang trang,
đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn được cải thiện, giảm tình trạng đói nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị.

Bên cạnh những bước tiến vượt bậc, những chỉ số phát triển đi vào lịch sử của ngành Nông nghiệp và lịch sử giai cấp Nông dân, thực trạng “Tam nông” vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. (1) Nhìn tổng thể, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ, phát triển chưa bền vững, năng suất lao động chưa cao; gần 80% lượng nông sản xuất khẩu nước ta còn ở dạng thô; (2) Hợp tác xã, tổ hợp tác đông về số lượng nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu (3) Khả năng đối phó của nông dân với rủi ro còn hạn chế, trong khi chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Lao động nông nghiệp có xu hướng già hóa và phụ nữ chiếm số đông; trình độ, kỹ năng sản xuất kinh doanh còn thấp và phần lớn chưa qua đào tạo; nông dân là bên yếu thế hơn trong mối quan hệ với các đối tác sản xuất, kinh doanh. (4) Một số giá trị văn hoá truyền thống nông thôn đang phai nhạt hoặc mất đi. Tệ nạn xã hội và an ninh, trật tự ở nhiều vùng nông thôn tiềm ẩn phức tạp, khó kiểm soát. (5) Ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực nông thôn ngày một gia tăng, nhất là từ các làng nghề và các khu công nghiệp nông thôn và một số nơi lạm dụng phân bón hoá học. (6) Phân hóa giàu nghèo trong nông thôn gia tăng, nông dân nghèo tập trung ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. (7) Xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền; một số nơi nơi chưa chú trọng đúng mức đến bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, tạo sinh kế mới cho nông dân. 
Những hạn chế, bất cập này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa, chưa thể giải quyết rốt ráo trong thời gian ngắn. Để vượt lên trong những năm tới, cùng với nỗ lực nội tại của giai cấp Nông dân và giúp sức của khoa học kỹ thuật - công nghệ mới, chắc chắn không thể thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua sự điều hành của Chính phủ và vai trò trung tâm, nòng cốt của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam.

Trong quá trình vận động phát triển từ một quốc gia nông nghiệp với lực lượng nông dân chiếm tỷ lệ đa số, đến thời điểm nước ta dự kiến đạt mục tiêu lần đầu tiên trong lịch sử trở thành quốc gia Công nghiệp vào năm 2030, giai cấp Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Giai đoạn 2018-2023, với những thay đổi về lượng thông qua các chỉ số phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có thể nói chúng ta đã đi qua những năm “bản lề thứ nhất”. Trong 7 năm tới, nông dân nước ta sẽ trải qua những năm “bản lề thứ hai” với một số chỉ tiêu cần đạt như giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội xuống dưới 20%; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm; cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…(6). Để thúc đẩy sự phát triển thuận chiều, đúng hướng và bền vững trong 10-15 năm tới, cần thiết phải nhận diện một số xu hướng vận động phát triển của giai cấp Nông dân trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội giai đoạn “bản lề” hiện nay. Có 6 xu hướng đáng chú ý:
Thứ nhất, vị thế, vai trò chủ thể của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Nhìn lại trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó đều khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (7). Ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) của Đảng đã thông qua Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục khẳng định rõ: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”. Vị thế, vai trò chủ thể của nông dân được nâng lên là tính chất chính trị quan trọng, có tính quyết định tốc độ phát triển của các xu hướng khác của giai cấp Nông dân. Xu hướng này gắn bó chặt chẽ với vai trò, vị trí ngày càng được nâng cao của Hội Nông dân Việt Nam, gắn với yêu cầu chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội để ngang tầm nhiệm vụ.

Thứ hai, tỷ lệ nông dân tiếp tục xu hướng giảm trong cơ cấu xã hội, nhưng chất lượng nông dân từng bước được nâng cao, bộ phận nông dân văn minh, chuyên nghiệp có điều kiện phát triển ngày càng mạnh. Đây là một xu thế khách quan, trên cơ sở nước ta đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới được ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu ra hơn 180 quốc gia; trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); tham gia Chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ làm thay đổi cơ bản đời sống xã hội nói chung, đồng thời tạo ra những thay đổi to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Những điều kiện ấy vừa là cơ hội, vừa là thử thách, đồng thời là điều kiện đặt ra cho nông dân nước ta phải trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có kỹ năng nghề nghiệp, có kỷ luật và được tổ chức phù hợp để đủ sức làm chủ các quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đủ khả năng cạnh tranh khi hội nhập với Thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ tạo ra những thay đổi to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, là điều kiện đặt ra cho nông dân nước ta phải trở thành lực lượng lao động
tiên tiến, có kỹ năng nghề nghiệp, có kỷ luật và được tổ chức phù hợp.

Thứ ba, xu hướng phân hoá thành nhiều nhóm trong nông dân với khả năng, nhu cầu đa dạng, quy mô tổ chức sản xuất khác nhau, trong đó có hướng phát triển đáng chú ý là một bộ phận lớn nông dân giỏi, có ý chí và khát vọng vươn lên, có tích luỹ ngày càng nhiều, trở thành lớp nông dân tiên tiến, tình nghĩa, có mức sống vượt lên cao hơn mức trung bình của xã hội, nhiều người trong đó trở nên giàu có với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Điều này có thể thấy rõ qua phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội phát động nhiều năm qua. Giai đoạn 2017-2022, bình quân hàng năm, cả nước có 3,61 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Số hộ nông dân có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tiếp tục tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2012-2017. Trong số đó có hơn 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, cá biệt có hộ nông dân ở An Giang đạt thu nhập tới 26 tỷ đồng/năm. Nông dân giỏi cũng chính là bộ phận tiên phong trong đóng góp xây dựng nông thôn mới và giúp nông dân nghèo vượt qua khó khăn. Đây dự báo là hướng phát triển thuận chiều và ngày càng mạnh mẽ, để hình thành mẫu hình nông dân hiện đại mà Hội Nông dân Việt Nam xây dựng.
Thứ tư, xu hướng chủ động hợp tác, liên kết ngày càng rõ hơn, thực chất hơn, linh hoạt hơn trong nông dân. Mặc dù trên tổng thể, mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu đang ở quy mô nhỏ, kinh tế hợp tác trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, nhưng tâm thức và thói quen hợp tác của một bộ phận lớn người nông dân đã có nhiều thay đổi. Người nông dân đang từng bước nâng cao kỷ luật lao động, sản xuất có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng, dần vượt lên hạn chế tâm lý “tiểu nông”, cải thiện sự nhìn nhận của xã hội về người nông dân trong phương diện hợp tác. Mỗi bước tiến dù nhỏ trong tâm thức của nông dân cần được phát hiện, ghi nhận và cổ vũ kịp thời, bởi khi trở ngại nội tâm của hàng chục triệu người – vốn có quán tính từ lịch sử hàng ngàn năm sản xuất nhỏ - dần được cởi bỏ, thì người nông dân Việt Nam sẽ vươn lên vô cùng mạnh mẽ. Đây không phải là một kết quả ngẫu nhiên, mà được tổng hợp từ nhiều yếu tố, trong đó có vai trò tập hợp, tổ chức và huấn luyện, cho vay vốn thông qua các cấp Hội nhiều năm qua. Hàng nghìn hợp tác xã kiểu mới của nông dân đã được thành lập và hoạt động hiệu quả (8) trên cơ sở các tổ hợp tác và các chi, tổ hội nghề nghiệp “5 tự, 5 cùng” do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức (5 tự gồm: Tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; 5 cùng gồm: Cùng lĩnh vực, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm, cùng hưởng lợi).

Hàng nghìn HTX kiểu mới của nông dân đã được thành lập và hoạt động hiệu quả trên cơ sở các tổ hợp tác và các chi, tổ hội nghề nghiệp “5 tự, 5 cùng” do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Trong ảnh: Ông Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình trồng bưởi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (ảnh trên bên trái);
Ông Lương Quốc Đoàn trao đổi với Nông dân Việt Nam xuất sắc Trịnh Văn Thành (trái) ở xã Xà Bang (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, ảnh trên bên phải).  
Sản xuất rau công nghệ cao tại HTX Tuấn Ngọc (TP. HCM) - là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Hội NDVN tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập. (Ảnh dưới)

Thứ năm, trên nền rộng của chủ trương tri thức hoá nông dân với các hoạt động dạy nghề, nâng cao kiến thức, kỹ năng.., xu hướng “Trí thức hoá nông dân” dù mới ở giai đoạn ban đầu nhưng dự báo trước một tương lai phát triển mạnh mẽ. Những lứa “hạt mầm” đầu tiên đã nảy nở, cho kết quả thuyết phục ở cả cấp độ mô hình cá nhân, hợp tác xã và chi hội nghề nghiệp do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Trong 5 năm qua, qua nhiều hình thức tổ chức thi đua, khen thưởng, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tôn vinh và trao thưởng cho nhiều điển hình cá nhân nông dân Việt Nam xuất sắc, những người đã từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành ở ngành nghề khác trở về gia nhập lực lượng nông dân hoặc chính những người nông dân trẻ nỗ lực học hỏi cập nhật để tự trang bị cho mình trình độ đại học hoặc kiến thức chuyên sâu... Hội Nông dân Việt Nam đã sửa Điều lệ để tạo cơ sở cho việc ra đời những chi hội đặc thù, tổ chức để kết nạp sinh viên, giáo viên, nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu chuyên ngành về nông, lâm nghiệp. Trong tương lai gần, những kỹ sư, cử nhân này có thể chưa về nông thôn ngay sau khi tốt nghiệp, họ có thể tham gia hoạt động thương mại, khởi nghiệp, thậm chí làm thuê, xuất khẩu lao động, tu nghiệp sinh ở nước ngoài để thu nhận kinh nghiệm từ đời sống hiện đại trước trở về tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Chính yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới đối với nông sản cùng khối lượng tri thức khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại cần cập nhật ngày càng nhiều, đòi hỏi người nông dân thế hệ mới phải có đủ học vấn và tri thức nền tảng mới có thể tiếp thu và vận dụng có hệ thống. Đây cũng chính là xu hướng đã và đang diễn ra đối với thế hệ nông dân trẻ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước châu Âu những năm gần đây (9)…  Dù kết quả mới mẻ, khiêm tốn nhưng “Trí thức hoá nông dân” như một mạch nguồn trong trẻo đang ở phía thượng nguồn, báo trước một tương lai rộng dài phía trước.
Thứ sáu, xu hướng tăng thu nhập ở khu vực nông thôn – địa bàn cư trú chính của nông dân với gần 50% dân số ở nông thôn - nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập người dân thành thị. Đây là một xu hướng tăng ổn định trong suốt 20 năm qua. Năm 2002, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt 0,622 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2021 tăng lên đạt 5,388 triệu đồng/người/tháng (gấp 8,7 lần sau 19 năm). Trong khi đó, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn từ 0,275 triệu đồng/người/tháng năm 2002 đã tăng lên đạt 3,486 triệu đồng/người/tháng năm 2021 (gấp 12,7 lần sau 19 năm). Như vậy, dù thu nhập cư dân thành thị vẫn cao hơn cư dân nông thôn nhưng tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2002-2021 của khu vực nông thôn đạt 29,78%/năm, cao hơn so với khu vực thành thị (đạt 25,24%/năm). Hệ số chênh lệch thu nhập giữa hai khu vực đã giảm từ 2,26 lần xuống còn khoảng 1,55 lần sau 19 năm (10). Vùng nông thôn đang chuyển mạnh cơ cấu theo hướng tăng công nghiệp - dịch vụ. Tỷ lệ thu nhập từ nông, lâm, thủy sản giảm xuống, tỷ lệ thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp tăng lên (11). Ngay trong một gia đình nông dân tiêu biểu, thu nhập cũng không hoàn toàn từ thuần nông. 
Tốc độ tăng thu nhập của cư dân nông thôn được dự báo tiếp tục duy trì trong những năm tới. Trái với lo lắng của nhiều người, xu hướng này đã giúp người nông dân củng cố niềm tin vào sự phát triển phồn vinh của khu vực nông thôn, vững tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc tháng 11-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp Công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân” (12). Ngày nay, nhận định đó vẫn còn nguyên ý nghĩa. Sức mạnh của giai cấp Nông dân là vô cùng to lớn, nhưng chỉ được thể hiện và phát huy trong hoạt động của tổ chức, được tập hợp lại trong một khối thống nhất. Để xây dựng giai cấp Nông dân vững mạnh trong 5 năm tới, Hội Nông dân Việt Nam cần  thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tập trung xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thực sự đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Trước hết phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố liên minh Nông dân - Công nhân - Trí thức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xã hội trong xây dựng giai cấp Nông dân. Việc xây dựng giai cấp Nông dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên, toàn diện của Đảng. Trong 5 năm tới, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên nông dân; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hội viên. Công tác Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời động viên, nhân rộng các nhân tố điển hình tiên tiến, khuyến khích và thúc đẩy các xu hướng phát triển tích cực trong nông dân và cư dân nông thôn.
Hai là, xây dựng người nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện, gắn phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị của nông dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; nâng cao trình độ, kỹ năng, kỷ luật lao động để nông dân thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Vì vậy, Hội cần tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng, hình thành thế hệ nông dân mới phát triển toàn diện với các đặc trưng: (1) Giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân và khát vọng vươn lên; (2) Biết giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, hợp tác và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; (3) Có trình độ học vấn và kiến thức về kinh tế, khoa học - kỹ thuật tiên tiến; (4) Biết kết hợp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa lao động, cần cù, sáng tạo, trọng tình nghĩa, kiên nhẫn và kiên cường… 
Đối với các nhiệm vụ, giải pháp trong hệ thống, trong 5 năm tới, các cấp Hội cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được thời gian qua, tiếp tục nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cộng đồng, tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên của nông dân. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng, tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân. Vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng cộng đồng dân cư tiên tiến, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Tích cực vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia thực hiện các chính sách, chương trình an sinh xã hội… để từng bước củng cố, nâng cao năng lực mọi mặt cho nông dân.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong hệ thống, trong 5 năm tới, các cấp Hội cần tiếp tục Vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân
thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng cộng đồng dân cư tiên tiến,
gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Ba là, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, trong đó, chú trọng việc đẩy mạnh và làm mới phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Các cấp Hội tiếp tục vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ và hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn; chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ nông dân tiếp cận và ứng dụng hiệu quả về chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, học nghề và thương mại điện tử.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh để giúp nông dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thông qua đó tập hợp, tổ chức và huấn luyện nông dân, nâng cao chất lượng chính trị và ngày càng vững mạnh, củng cố lòng tin nông dân với Đảng, Nhà nước.  Các giải pháp cần chú trọng: (1) Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân; (2) Tổ chức tốt các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân; (3) Tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân; (4) Nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; (5) Đẩy mạnh tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân; (6) Tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân.

Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh để giúp nông dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường đẩy mạnh
các hoạt động hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân.

Năm là, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền, các ngành chức năng cùng cấp thực hiện tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn; chủ động hiệp thương, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thống nhất xây dựng các chương trình hành động của từng đoàn thể thành kế hoạch phối hợp chung để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hộ khó khăn vùng ven biển, hải đảo, vùng bị thiên tai; Tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng, củng cố Liên minh Công nhân - Nông dân - Trí thức và đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa nông dân với các giai tầng khác trong phát triển sản xuất, kinh doanh.  
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao tinh thần cảnh giác trước các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; tham gia thực hiện tốt chính sách “Hậu phương quân đội” và các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp giữa các cấp Hội với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh để phát triển bền vững ở các vùng biên giới, vùng khó khăn, biển, đảo. Các cấp Hội cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại nhân dân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.  

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp giữa các cấp Hội với các lực lượng
Bộ đội Biên phòng, Công an; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh
​​​để phát triển bền vững ở các vùng biên giới, vùng khó khăn, biển, đảo.

Năm mới 2024 sắp đến cùng với nhiều tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế. Nhiệm kỳ mới 5 năm của Hội Nông dân Việt Nam cũng sẽ bắt đầu. Với lịch sử đáng tự hào của giai cấp Nông dân và những thành quả đã đạt được trong 37 năm công cuộc Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp Nông dân Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục vươn lên, trở thành giai cấp vững mạnh, lực lượng tin cậy trong khối Liên minh vững chắc Công-Nông-Trí, xứng đáng với vai trò “chủ thể, trung tâm” của các quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tự tin hướng đến đích quốc gia Công nghiệp có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), và xa hơn, trở thành  thế hệ nông dân tiên tiến của đất nước Công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045 (mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước) như mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.

 

CHÚ DẪN

(1). Năm 2020 xuất khẩu gạo đạt 3,12 tỷ USD, cà phê đạt 2,74 tỷ USD, cao su đạt 2,38 tỷ USD, điều đạt 3,2 tỷ USD, rau quả đạt 3,27 tỷ USD. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020; năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021 (tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD...).Năm 2023 dự kiến xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 54 tỷ USD.
(2). Tính đến thời điểm 1/11/2023, giá gạo tấm 5% của Việt Nam đạt 653 USD/tấn, giá gạo Thái Lan 560 USD/tấn. Giá gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, giá gạo Thái Lan 520 USD/tấn.
(3). Tính toán trên cơ sở các con số của Tổng cục Thống kê, năm 2021.
(4). Nguồn: Niên giám thống kê 2022. Với tỷ lệ này thì chỉ tiêu “đến năm 2030, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%” tại Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị (về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045) đã vượt chỉ tiêu.
(5). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,87 lần so với 2015, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,69% xuống còn 4,2%.
(6).  Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
(7).  Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 622/QĐ-TTG ngày 10-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025… 
(8). Trong 5 năm qua, các cấp Hội NDVN đã hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập 10.561 mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả (2.127 HTX, 8.434 THT, đào tạo tập huấn cho trên 36.000 cán bộ, thành viên HTX, THT, hội viên ND).

(9).https://vtv.vn/kinh-te/xuhuongcunhandaihocvequelamnongdanochau-au20180301102317517.htm
(10). Nguồn: Tổng cục Thống kê.
(11). Năm 2019, thu nhập từ hoạt động nông, lâm, thủy sản chỉ còn chiếm 22% tổng thu nhập của hộ nông thôn. Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp chiếm 78%. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
(12).  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.6, tr. 248.

Ảnh minh họa sưu tầm từ internet           Thiết kế: Chu Hồng Châu

Tin cùng chuyên mục
Tin khác