Nuôi hàu bằng giá thể lốp xe tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nuôi
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 1.000 hộ nuôi hàu, tập trung chủ yếu tại các thôn 4, 8, 9 và thôn Bến Điệp. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về số hộ nuôi hàu bằng giá thể lốp xe, nhưng theo khảo sát của phóng viên, đa số hộ dân nuôi giống hàu đá đều sử dụng hình thức nuôi này và tấm lợp fibro xi măng làm giá thể nuôi để hàu bám vào. Việc nuôi bằng hình thức này tiềm ẩn rất lớn việc ô nhiễm môi trường nuôi.
Một người dân có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi hàu đá tại thôn 3 xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu cho biết, trước đây, gia đình chị chủ yếu nuôi hàu đá bằng cọc tre, gỗ cắm xuống sông cho hàu non bám. Tuy nhiên, giá thể bằng cọc tre và gỗ nhanh hỏng, thường xuyên phải thay mới nên người nuôi rất tốn kém. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, gia đình chị và nhiều hộ nuôi hàu đá tại xã Long Sơn đã chuyển qua dùng tấm lợp fibro xi măng và giá thể bằng lốp xe cũ để nuôi hàu.
Theo người nuôi này thì, giá thể bằng tấm lợp fibro xi măng nếu nuôi ngoài biển thì rất dễ bị sóng đánh vỡ, mỗi tấm lợp cũng chỉ dùng được một vụ rồi phải đổ bỏ rất tốn kém. Còn giá thể bằng lốp xe thì dùng rất bền và dùng được rất nhiều năm mà người nuôi không phải thay giá thể. Tuy nhiên, hàu bám vào giá thể tấm fibro xi măng sẽ nhanh lớn hơn (18 tháng/vụ), còn giá thể bằng lốp xe thường có thời gian 24 tháng mới được thu hoạch.
Chính vì vậy, nhiều hộ nuôi trên địa bàn xã Long Sơn nằm ngoài khu vực cửa biển hiện này vẫn chọn song song 2 giá thể này để tiến hành nuôi giống hàu đá. Những giá thể bằng lốp xe sẽ được treo ở phía bên ngoài khu vực nuôi để khi gặp sóng đánh không bị vỡ giá thể, còn giá thể bằng tấm fibro xi măng sẽ được treo ở giữa khu vực nuôi.
Theo đại diện UBND xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu trước đây, người nuôi hàu đá truyền thống trên địa bàn xã chủ yếu dùng cọc tre, gỗ có trát xi măng cắm xuống sông cho hàu non tự nhiên bám vào và khoảng 1 đến 1,5 năm sau khi hàu lớn là thu hoạch. Với cách này, hàu bám rất nhiều, chất lượng tốt. Tuy nhiên, cọc tre và gỗ thì khả năng trụ lại bền vững với sông nước không lớn, dẫn đến chi phí cao, gây tốn kém cho người nuôi. Nhiều cọc, khi hàu phát triển mạnh có thể bị gãy đổ hoặc bị sóng nước xô ngã khiến người dân thất thu.
Khoảng hơn 10 năm qua, khi phát hiện con hàu thích bám vào tấm lợp fibro xi măng và lốp xe cũ, các giá thể này có khả năng chịu nước, chịu sóng tốt nên bà con đã đổ xô nuôi theo phương pháp này mà không tính đến việc ô nhiễm nguồn nước hay ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Vũng Tàu và UBND xã Long Sơn tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ nuôi hàu không sử dụng tấm fibro xi măng, vỏ xe cũ để nuôi hàu; khuyến cáo người dân sử dụng các vật liệu như: trụ gỗ, tái sử dụng vỏ hàu xâu thành chuỗi. Tuy nhiên, việc thay thế giá thể nuôi hàu rất khó khăn vì so với các loại giá thể khác thì vỏ xe cũ và fibro xi măng có chi phí rất rẻ.
“Việc người dân nuôi hàu bằng giá thể fibro xi măng và lốp xe cũ để nuôi hàu hầu hết ở các vùng nuôi xa ngoài cửa biển, chính vì vậy việc kiểm tra, nhắc nhở người nuôi rất khó khăn”, ông Thi chia sẻ thêm.
Dạo một vòng quanh địa bàn xã Long Sơn, phóng viên đã không mấy khó khăn bắt gặp nhiều tiệm chất đầy lốp xe cũ, với biển hiệu chuyên mua và bán vỏ xe nuôi hàu. Vỏ lốp xe cũ được các chủ tiệm này thu mua từ khắp nơi, sau đó cho công nhân cắt thành từng miếng, xẻ đôi lốp với chiều dài khoảng 60 đến 80cm. Mỗi miếng giá thể này sẽ được đục lỗ để người nuôi có thể xâu 2 miếng vào với nhau để đem ra bè treo. Mỗi miếng lốp xe đã được xẻ và đục lỗ sẽ được các tiệm bán với giá 700 đồng/chiếc. Các tiệm này đổ đống các lốp xe ngay sát vỉa hè các con đường vào xã Long Sơn nhưng không hề bị các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở.
Có thể nhận thấy ngay bằng cảm quan, việc nuôi hàu bằng lốp xe điều đáng lo ngại nhất đó là rác cho môi trường. Bởi vì lốp xe rất khó phân hủy nếu bị trôi dạt ở biển. Điều này sẽ tạo nên ô nhiễm không gian biển. Những chiếc lốp xe được vứt ngổn ngang hoặc trôi dạt vào bờ sẽ rất khó phân hủy. Tạo ra một thứ rác nguy hiểm cho môi trường biển và môi trường đất liền.
Trước thực trạng này, nhiều năm qua ngành nông nghiệp tỉnh, cụ thể là cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho người dân nuôi hàu trên địa bàn tỉnh về tác hại của việc nuôi hàu bằng giá thể ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nuôi.
Việc đổ bỏ các tấm giá thể fibro hay các lốp xe cũ sau khi nuôi hàu là hành động vô ý thức của người nuôi sẽ có tác hại trực tiếp, lâu dài đến môi trường nuôi của chính người dân. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã thường xuyên tuyên truyền đến người dân về cách nuôi hàu mới bằng giá thể vỏ hàu xâu lại thành chuỗi và treo trên bè nuôi.
Con giống được cấy sẵn lên các giá thể là chính vỏ hàu đã khai thác lấy ruột, không phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên năng suất, sản lượng ổn định, đem lại nguồn thu lớn cho người nuôi. Tuy nhiên, hiện nay cách nuôi này chỉ mới áp dụng cho giống hàu Thái Bình Dương chưa được người dân áp dụng cho nuôi hàu đá, loại hàu bản địa của Long Sơn.
Theo TTXVN