Báo chí cần có chiến lược truyền thông xã hội phù hợp trong kỷ nguyên số
Chiều 14/6, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Cafe Số tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Báo chí trong kỷ nguyên số: Thời cơ và thách thức.”
Các diễn giả tham dự là: Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam đã chia sẻ về các nội dung liên quan đến chủ đề này.
Công nghệ đang là "vua," nội dung là "nữ hoàng"
Trả lời câu hỏi nếu không thể cạnh tranh được với mạng xã hội, báo chí xác định tâm thế như thế nào, Nhà báo Lê Quốc Minh cho biết báo chí chính thống đang chuyển mình khá chậm. Trong thời gian dài, báo chí chính thống có sự tự tin, chủ quan không ai sánh được với mình.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi khi công chúng trong thời đại Intenet, người dân tha hồ "ngụp lặn" trong "biển" thông tin. Đã có tình trạng người dân cảm thấy không cần nhất thiết phải đến với báo chí để có được thông tin.
Xu thế chiếm lĩnh của mạng xã hội là có thật. Việc đòi hỏi báo chí chính thống phải cạnh tranh, chạy theo, đi trước mạng xã hội là đòi hỏi không thực tế. Tuy vậy, báo chí chính thống không thể và không nên chạy theo mạng xã hội.
Việt Nam hiện có gần 1.000 cơ quan báo chí, tạp chí, đa phần với quy mô nhỏ, Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng nhiều cơ quan báo chí chỉ có quy mô 40-50 người, các cơ quan truyền hình có một vài trăm người. Tổng số người làm báo hiện khoảng 40.000-45.000 người, trong đó có 25.000 người có thẻ nhà báo.
Tuy vậy, Việt Nam có 100 triệu dân, chưa kể số người Việt ở nước ngoài. Thực tế, mỗi người cầm trên tay chiếc smartphone là đã sẵn sàng trở thành một cơ quan báo chí. Vì thế, báo chí không thể cạnh tranh về tốc độ thông tin với mạng xã hội. Tuy vậy, nếu đặt tiêu chí về việc cân bằng, đa nguồn, khách quan thì các tổ chức khác không bao giờ cạnh tranh được với báo chí.
Lấy sở trường của mạng xã hội để cạnh tranh với sở đoản của báo chí thì không thể cạnh tranh được, làm hay hơn họ, tốt hơn họ, chuyên nghiệp hơn họ là điều báo chí cần hướng tới - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nêu quan điểm.
Chia sẻ về vai trò của báo chí và mạng xã hội, Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng mạng xã hội và báo chí là hai lĩnh vực tách rời. Báo chí không nên so sánh mình với mạng xã hội mà cần có chiến lược truyền thông xã hội phù hợp.
Giai đoạn trước đây, khi muốn biết thông tin, người dân phải tìm đến báo chí, mua báo, bật đài, mở tivi để theo dõi thông tin thụ động. Còn hiện nay, tin tức tự tìm đến người đọc. Nếu không có công nghệ thì không thể làm điều này được. "Công nghệ đang là vua, nội dung là nữ hoàng" - ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Nội dung hay là điều luôn cần nhưng để đưa nội dung đến đúng độc giả mục tiêu thì cần phải có công nghệ. Làm thế nào để có nội dung hay, công nghệ tốt, tạo bản sắc riêng cho mỗi tờ báo là điều cơ quan báo chí nào cũng đều rất cần.
Trả lời câu hỏi: "Báo chí không muốn bị giới hạn phạm vi hoạt động, không muốn ‘trói chân’ thì nên hành xử như thế nào,” Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nêu rõ: Các cơ quan báo chí phải tuân thủ tôn chỉ mục đích được quy định tại giấy phép báo chí.
Báo chí có quyền và khả năng tự do tiếp cận thông tin
Cũng tại buổi sinh hoạt chuyên đề chiều 14/6, nhà báo Lê Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam, đề cập đến chủ đề “Quyền tự do báo chí.”
Nhà báo Lê Nghiêm cho biết: Ở Việt Nam, quyền tự do báo chí được định nghĩa là quyền tiếp cận thông tin. Đây là yếu tố quyết định trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí.
Báo chí có quyền và khả năng tự do tiếp cận thông tin, tìm kiếm và truyền tải những thông tin quan trọng, đa dạng, thúc đẩy sự công khai, minh bạch và trách nhiệm. Gắn liền với quyền tự do thông tin truyền thông, quyền cơ bản của mỗi công dân và báo chí là tự do biểu đạt, tìm kiếm và truyền tải thông tin.
“Một nền báo chí mạnh mẽ và tự do giúp xây dựng một xã hội thông tin, nơi mọi người có thể bàn bạc, đánh giá về các vấn đề quan trọng của đất nước,” nhà báo Lê Nghiêm khẳng định đồng thời lưu ý, quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam phụ thuộc vào môi trường pháp luật, môi trường xã hội, sự cân nhắc giữa quyền tự do báo chí và các yếu tố an ninh quốc gia, trật tự an toàn thế giới.
Về quyền cung cấp thông tin, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam cho biết đây là yếu tố giúp thức tỉnh, nâng cao dân trí và ý thức công dân, góp phần xây dựng một xã hội, trong đó, người dân có khả năng tham gia tích cực vào quá trình ra quyết định chính sách của chính quyền.
Cùng đó, quyền tiếp cận thông tin góp phần chuyển đổi thông tin thành kiến thức và nhận thức về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường; tạo điều kiện cho sự hòa giải và thỏa thuận xã hội. Việc thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác giúp giảm thiểu xung đột xã hội, tăng cường sự hiểu biết và đồng thuận xã hội./.
Theo TTXVN/Vietnam+